Người Ăn Chay

SẼ THẾ NÀO NẾU “NGƯỜI ĂN CHAY” SỐNG TRONG MỘT CỘNG ĐỒNG ĂN THỊT?

Lưu ý: Bài viết có spoil một phần nội dung.

Người Ăn Chay là tác phẩm giúp Han Kan đạt giải thưởng Booker International năm 2016, đây cũng là tiểu thuyết được nhắc đến nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tác của Han Kang. Song đối với mình, đây là tác phẩm duy nhất khiến mình thất vọng trong ba cuốn sách đã được xuất bản của cô tại Việt Nam: Người Ăn Chay, Bản Chất Của Người và Trắng. Không phải vì đây là một cuốn sách dở, mà vì những gì được viết vượt quá sức tưởng tượng và cả sức chịu đựng của mình về mặt đạo đức. Thứ tự do mà Người Ăn Chay hướng tới phản xã hội đến nỗi mình cảm thấy bi đát, bởi dù có theo đuổi quyết liệt đến thế nào, khát khao tự do ấy sẽ không bao giờ thành sự thật.

Người Ăn Chay là liên truyện gồm Người ăn chay, Vết chàm Mongolia và Cây pháo hoa. Cả ba câu chuyện đều xoay quanh các sự kiện trong cuộc đời của Yeong-he, tức người ăn chay, được kể bằng ba góc kể khác nhau theo trục thời gian tuyến tính.

Trước khi ăn chay, Yeong-he là người ăn thịt và còn nấu nướng rất ngon. Cô là hình ảnh hiện hữu rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc: Một người vợ nội trợ giỏi, kiệm lời, tần tảo và nhẫn nhịn. Hình ảnh này được miêu tả rõ qua lời kể của người chồng trong phần truyện Người ăn chay.

Cá nhân mình thấy Han Kang thật sự khôn ngoan trong việc chọn ngôi kể và góc kể chuyện, bởi Người ăn chay được kể theo lời người chồng Yeong-he nên mình có thể vừa thấy sự tần tảo nhẫn nhịn của cô, lại vừa thấy sự gia trưởng nhưng hèn nhát của gã chồng qua thái độ kể chuyện của hắn. Hắn không hề biết chia sẻ mà chỉ muốn sự chăm sóc và tận tuỵ của vợ, đó cũng là lí do ngoài giấc mơ đầy màu đỏ của máu và thịt mà Yeong-he đã mơ, mình không thể biết gì hơn về căn cơ câu chuyện ngoài sự sợ hãi của cô đối với thịt. Gã chồng không bao giờ muốn lắng nghe Yeong-he mà chỉ muốn cô hãy trở về là một người vợ bình thường như cũ càng nhanh càng tốt. Nhưng bi kịch thật sự là không riêng gì gã, tất cả mọi người xung quanh Yeong-he cũng gắng sức đưa cô trở lại thế giới của người ăn thịt, mặc cho cô cự tuyệt quyết liệt ra sao.

Xem thêm:   Hoang Mang

Người ăn chay đã mở ra một viễn cảnh mà ở đó, nếu bạn khác biệt hơn so với số đông và từ chối hoà làm một với cộng đồng, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để đồng hoá hoặc triệt tiêu bạn. Mình đã hoảng hốt biết bao khi qua lời kể của gã chồng, Yeong-he bị bố mình đánh và thô bạo nhét thịt vào miệng cô, hay tiếng mẹ cô khóc vì con gái mình không chịu ăn thịt, hay tiếng khuyên nhủ của chị gái rằng hãy ăn một chút đi…

Dường như với Người Ăn Chay, Han Kang đã làm một cuộc thử nghiệm triệt tiêu nhiều thứ, trong đó có cả sự thấu hiểu giữa những người cùng chung huyết thống. Không hề có một sự an ủi hay cứu rỗi nào trong toàn bộ câu chuyện. Không một ai lắng nghe Yeong-he hay câu chuyện về giấc mơ màu đỏ của cô, rằng tại sao cô lại sợ hãi và chuyển sang thờ ơ, ghét bỏ thịt đến thế, mặc cho sức khoẻ sụt giảm và tinh thần suy kiệt. Cô đã nghĩ gì và cô muốn làm gì? Tất nhiên suy nghĩ của một kẻ chống đối lại đám đông sẽ không được đám đông công nhận. Tim mình thắt lại khi Yeong-he nói với chị cô: “Cứ như thế mà chết đi không được hay sao?” Không phải cô thực sự muốn chết, mà vì cái chết là lựa chọn khả dĩ duy nhất để rũ bỏ vai trò của cô trong cộng đồng ăn thịt, vốn đang xa rời tự nhiên trong tâm tưởng Yeong-he.

Xem thêm:   Shout! The Beatles- Hơi Thở Thời Đại Của Thế Kỷ 20

Nhân nói đến nhân vật chị gái – người kể chuyện ở phần Cây pháo hoa, đây là người mà mình cảm động và yêu mến nhất toàn tiểu thuyết, bởi chị là người có thứ tình cảm con-người nhất và có đạo đức nhất. Không quá chống đối và xa rời xã hội, cũng như những gì chị đã hi sinh cho người khác khiến mình cảm thương biết bao. Nếu hai phần truyện trước đó hướng đến những cảm thức kì dị về con người, thì Cây pháo hoa lại gần gũi và dễ cảm thông hơn cả, dù nhân vật chị gái cũng không nằm ngoài số phận bi đát muốn phá kén thoát khỏi cuộc sống nhiều ràng buộc của mình.

Và nếu Người Ăn Chay chỉ dừng lại ở phần truyện đầu tiên, với sự kiện lạ lùng của Yeong-he thì mình đã không ghét nó đến thế. Vết chàm Mongolia là câu chuyện vượt quá sức chịu đựng của mình và mình không thể không cảm thấy buồn nôn mỗi khi nghĩ lại những gì đã diễn ra trong đó.

Phần truyện này được kể bằng lời kể của anh rể Yeong-he, một gã nghệ sĩ luôn cảm thấy khốn khổ trong địa hạt nghệ thuật, bởi hắn chưa bao giờ tạo ra một tác phẩm giá trị nào về cả phương diện được công nhận trước công chúng hay đánh dấu đỉnh điểm của cảm xúc thăng hoa. Hắn luôn luôn thiếu cảm hứng và sự khổ sở này mài mòn hắn từng ngày. Cho đến khi hắn vô tình phát hiện ra em dâu gã có một vết chàm Mongolia mãi không mất đi, dù cô đã không còn là trẻ sơ sinh nữa.

Hắn đâm ám ảnh với vết chàm ấy, sau cùng là ám ảnh với cả em vợ mình. Nghệ thuật đã trở thành một lí do để bao biện cho hành vi buồn nôn đáng kinh tởm của gã nghệ sĩ này. Quả thực hắn có sáng tác nghệ thuật và thiết tha thực sự với thân thể của Yeong-he. Bởi thân thể của cô gần gũi, phù hợp với bức tranh thiên nhiên trong đầu gã đến độ đã giúp gã hoàn thành tác phẩm trong sự thăng hoa cảm xúc. Nhưng sau tất cả, mình chỉ thấy đam mê nghệ thuật của tên này vô vọng, đáng thương và kinh tởm. Nếu phần truyện Người ăn chay mang cho mình cảm giác bi đát về một thứ tự do lựa chọn không bao giờ được đám đông công nhận, bởi nó khác họ và họ cho rằng nó không tốt, thì Vết chàm mongolia lại khiến mình thấy mọi hành động vượt quá giới hạn đạo đức thông thường đều là sai trái và mang lại sự buồn nôn, dù xuất phát với bất kì lí do nào đi nữa. Và con người ta cũng thật bi đát không kém khi luôn phải sống giữa hai lằn ranh: Tự do lựa chọn và trách nhiệm đi kèm như vậy.

Xem thêm:   Tái Tạo Nội Tâm

Đây là một tiểu thuyết khó hiểu, vì thực sự đến khi đọc lại lần thứ 2, mình vẫn không thể tưởng tượng hết những gì Han Kang muốn nói thông qua nó. Cách quá khứ vận hành và tác động lên xuyên suốt cuộc đời con người? Bi đát về lựa chọn tự do của một con người? Giới hạn đạo đức mà chúng ta có thể chịu đựng? Hay chỉ đơn giản là một phép thử về bản chất người của chúng ta nếu ta có thể tự do lựa chọn trước khi bị biến chất theo nó? Và đến tận bây giờ, mình vẫn không thôi căm ghét (hầu như) tất cả các nhân vật trong phần truyện Vết chàm Mongolia kể cả Yeong-he, nên dù cách viết của Han Kang vẫn khiến mình hài lòng và yêu thích, mình vẫn không thể thực sự thích tác phẩm này được.

Đánh giá cá nhân: 3/5 (thêm hẳn 1 điểm vì chị gái Yeong-he. Mình khâm phục người phụ nữ này biết bao).

Related Posts