Hoang Mang

Tác giả: BS Nina Shapiro và Kristin Loberg. Dịch giả: Hồ Thu Phương

Thể loại: Khoa học – Sức khỏe

  • 🎼 những câu nói trên đầu môi
  • phải chăng người trao cho riêng mình tôi
  • dẫu đã biết anh không hề yêu
  • nhưng vẫn mơ mộng nhiều 🎶

À không, đây là cuốn sách “Hoang mang” về y học thường thức chứ không phải bài hát “Hoang mang” do Minh Tuyết trình bày. Cùng lúc mua quyển “Hướng dẫn nhịn ăn khoa học” (đã review) thì mình cũng mua luôn cuốn “Hoang mang”, vì khi đọc thử thì mình thấy nó gồm những kiến thức thiết thực về y học có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Cũng như những quyển sách về khoa học ứng dụng khác, sách có phần Mục Lục rất rõ ràng, lối viết khá dễ hiểu đối với độc giả không hề học ngành y, và những gì đọng lại sau khi đọc chắc chắn sẽ giúp ích khá nhiều về sau nếu độc giả tin tưởng và làm theo.

Quyển sách này không có cốt truyện liền mạch như tiểu thuyết để mình có thể tóm tắt. Thú thật thì khi đọc, mình hiểu rõ 40% và còn 60% mù mờ, do phần lớn nội dung dùng nhiều thuật ngữ y học chuyên ngành, viết về những kiến thức chuyên môn vượt quá tầm hiểu biết của mình. Nhưng không sao, những gì lĩnh hội được đã đủ để mình áp dụng theo để sống vui sống khỏe, giữ tâm bất biến trước dòng đời vạn biến (nói dễ hiểu hơn là khi vào siêu thị thì không bị lòe bởi hàng triệu mặt hàng nữa). Mình sẽ cô đọng lại những ý chính mà mình cho là cần biết nhất, thực chất là gõ lại vài câu trong phần tóm tắt cuối mỗi chương. Các bạn từ từ đọc kỹ nha.

Bạn có thể nhận đủ lượng nước cần thiết từ thực phẩm miễn là có chế độ ăn tốt. “Nước có ga” và “nước có hương vị” (nói chung là đóng chai) có thể chứa lượng đường ngang với soda.

Soda cũng có soda không đường. Mình nghĩ ý tác giả là nước ép hoa quả đóng chai có thể chứa lượng đường không kém gì Coca Cola. Đọc tiếp đoạn trích sau sẽ rõ.

Xem thêm:   Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

Nước đóng chai không hề tốt hơn nước máy, ngay cả khi được bổ sung các thành phần dường như có lợi cho sức khỏe như các loại vitamin. __ Hàm lượng đường cao ngất của những loại ‘nước ép trái cây 100% cũng đủ nhấn chìm bất kỳ lợi ích nào mà các vitamin đem lại.

Café kiểu truyền thống có thể mang nhiều lợi ích hơn là các rủi ro về sức khỏe. Các thức uống chứa caffeine có thêm đường và thành phần khác lại KHÔNG như vậy.

Dùng thêm quá nhiều vitamin C không giúp phòng ngừa hay làm giảm thời gian cảm lạnh.

Cũng như việc không có chế độ ăn tốt nhất, không hề có chế độ luyện tập tốt nhất. Hãy làm những gì phù hợp và vui vẻ đối với bạn.

Mình xin nói thêm một chút về câu trên: Từ lúc đọc cuốn “Hướng dẫn Nhịn ăn khoa học” (BS Jason Fung & Jimmy Moore), mình đã áp dụng được 26 ngày và thấy TÂM THÂN có sự thay đổi rõ rệt. Do đó, đối với câu “không có chế độ ăn tốt nhất”, mình mạnh dạn đề xướng là “Vậy hãy nhịn ăn luôn đi, khỏi lo đến chế độ ăn”. Tuy nhiên, nhịn ăn khoa học không thể áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt, mình sẽ cập nhật sau trong bài viết khác. ____ Còn về chế độ luyện tập, vì con người luôn mau chán, thích cái mới, nên việc luyện tập Cũng Cần Thường Xuyên Đổi Mới để Cơ Thể Không Kịp Thích Nghi, qua đó sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn. “Những gì phù hợp và vui vẻ” tức là thỉnh thoảng thay đổi giữa các hình thức luyện tập, đạp xe / đi bộ / bơi lội / boxing / cầu lông / Aerobics… chứ không chỉ tập mãi 1 môn, khi “kịch trần” (chạm đến ngưỡng cơ thể đã quen) thì sẽ không còn tác dụng đối với sức khỏe hay việc giảm cân nữa.

Trân trọng các “trung tâm thải độc” của cơ thể, gồm bao tử, gan, ruột, thận, lá lách, tuyến mồ hôi. Các chế độ ăn uống “thải độc” có thể nguy hiểm về dài hạn và phụ thuộc rất nhiều vào hiệu ứng giả dược.

Xem thêm:   Nụ Cười Giác Ngộ

Ngồi một chỗ quá lâu gây tác hại không kém gì việc hút thuốc.

Không cần tập thể dục quá nhiều để gặt hái thành quả. Đôi khi, đi bộ còn tốt hơn là chạy bộ.

Tập thể dục nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Khi tập luyện quá mức trong thời gian dài, rủi ro sẽ vượt quá lợi ích.

Đổ mồ hôi chưa chắc đã đốt calo. Vậy nên hot yoga không đốt calo nhiều hơn yoga thường.

Máy theo dõi sức khỏe không hiệu quả như chúng ta lầm tưởng, nhưng cũng không gây hại. Chúng chỉ là bước đệm dẫn đến hình thức luyện tập có lợi.

Các biện pháp chống lão hóa như bổ sung testosterone hoặc hormone tăng trưởng có thể thật sự nguy hiểm. Phương pháp cao quý nhất để có vẻ ngoài và cảm giác trẻ trung là CHẤP NHẬN sự lão hóa.

Vaccine không hề độc hại cho cơ thể hay là gánh nặng cho hệ miễn dịch hơn các phơi nhiễm thường gặp trong đời sống hằng ngày. Không bao giờ quá tuổi để được tiêm chủng. Có nhiều loại vaccine hiện đại dành cho người trưởng thành và người cao tuổi.

Hiệu ứng giả dược có thật và đôi lúc có thể hiệu quả hơn bất kỳ loại thuốc nào. Hệ thống neuron phức tạp ảnh hưởng đến cảm xúc, hormone, chất dẫn truyền thần kinh và ký ức, là thứ gây ra hiệu ứng giả dược.

“Hữu cơ” không đồng nghĩa với “lành mạnh”: Điều này có thể đúng với 1 số mặt hàng, nhưng với nhiều mặt hàng khác thì không.

Đừng để bị rơi vào cái bẫy của lối suy nghĩ rằng các cụm từ như “bác sĩ khuyên dùng” hay “được kiểm chứng về mặt lâm sàng” có bất kỳ ý nghĩa nào hay cho thấy bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Nhãn hàng có thể gây hiểu nhầm: Các sản phẩm “không mùi”, “không có chất tạo mùi” và “tự nhiên” vẫn có thể chứa các thành phần độc hại.

Trong nửa đầu cuộc đời, tai nạn dễ tước đi mạng sống của bạn hơn bất cứ thứ gì khác. Sau đó, khi bạn già đi, bệnh tim và ung thư mới trở thành nguyên nhân gây tử vong phổ biến hơn.

Xem thêm:   Cối đá xay bột nước làm bánh cuốn, cối xay đậu bằng đá

Đọc xong bài viết này của mình thì các bạn không cần đọc sách cũng được. Tuy nhiên, mỗi người sẽ lĩnh hội và cảm nhận khác nhau từ một quyển sách, do đó, đối với cuốn sách hữu ích về sức khỏe như thế này thì mình vẫn highly recommend (nồng nhiệt giới thiệu) các bạn tự đọc. Trong lúc đọc, mình thoáng tự hỏi rằng: Liệu tác giả Nina Shapiro có phải là một nữ bác sĩ cực đoan không, và mình có nên lập tức tin tưởng những điều bà ấy viết không? Trước đây, mình từng đọc và rất thích cuốn “Ung thư – Tin đồn và sự thật” của nhóm Ruy Băng Tím, nhưng sau lại được cho biết rằng nhóm đó cũng cực đoan và cư xử không lịch sự. Thế nhưng, chính vì MÌNH cũng nhiều lần bị phê phán gay gắt là ‘cực đoan’, nên mình nghĩ rốt cuộc có cực đoan hay không là do đánh giá của mỗi người về người khác. Do hoàn cảnh sống và nền giáo dục được nhận, mỗi người sẽ hình thành tam quan riêng (giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan). Hễ chấp nhận được nhau thì nghe theo, thì hòa hợp với nhau, còn không chấp nhận nổi thì cứ đường ai nấy đi. Riêng mình, mình chấp nhận và cảm thấy muốn tin tưởng những điều BS Nina Shapiro viết trong cuốn này, nên tạm thời mình sẽ nghe theo, cho đến khi ai khác đưa cho mình những thông tin khác đã được kiểm chứng từ những nguồn đáng tin cậy.

Đối với một cuốn sách y học thường thức, nhiều từ ngữ chuyên ngành y khoa thì mình thấy cuốn “Hoang mang” được dịch rất dễ hiểu. Nếu có dịch sai chỗ nào thì mình cũng không biết, vì không có nguyên tác để so sánh, mà có thì cũng không đủ trình độ để thẩm định bản dịch. Thiết kế bìa tối giản mang tính sáng tạo và vừa đủ hấp dẫn ánh mắt độc giả. Nội dung hữu ích, thú vị. Tóm lại là khi đọc cuốn “Hoang mang” này, mình chỉ thấy rất hài lòng chứ không thấy hoang mang chút nào.

Related Posts