Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang

Về tác giả Hermann Hesse có lẽ là người gây ra nhiều tranh cãi nhất vào thời cuối 19 và đầu thế kỷ 20, hẳn nhiên trong văn phong của ông – không biết là do cách dịch hay do cách văn phong của ông mà ra – là quá trịnh trọng, đến mức như cách nâng quả trứng nhưng thành một triết lý nào đó khiến cho người ta vừa khó chịu vừa cuốn hút cũng như lại vừa cảm thấy bên trong ông có chút giả tạo nào đó cho việc cách thức nâng trứng.

Đây là lần thứ hai mình đọc tác phẩm Nhà tu khổ hạnh và gã lang thang, trước đó khá lâu rồi, lần đó mình đọc cũng không hẳn là hiểu hoàn toàn, nhưng đọc lần thứ hai thì hiểu rõ hơn lần đầu tiên, bởi lần đó mình cứ kỳ vọng là một câu chuyện sẽ gay go hay gì gì đó nhưng đọc xong cứ cảm thấy hụt hẫng không như kỳ vọng, sau lần thứ hai này thì mới là chuẩn bị tâm lý về tác phẩm của ông.

Nội dung

Tóm tắt

Về nội dung của truyện, không khác gì mấy với truyện Câu Chuyện Dòng Sông ở kiểu mô-típ, nhưng khác là thuyết nhị nguyên rõ rệt nhất, về thuyết nguyên mẫu, về truyền thống (truyền thống lệ kitô-giáo, nghiêm khắc về đời sống, trật tự, diệt dục và tri thức) và cách sống buông thả tự do (tình yêu, đàn bà, đi hoang rong chơi, không trật tự nào, nói nôm na là trở về bản năng con người sơ khai, nghệ thuật), về tư duy và nghệ thuật. Ngoài những thứ đó ra, nói về cốt truyện là hầu như bị rơi vào làm nền cho học thuyết kể trên, giữa hai nhân vật chính Đan Thanh và Huyền Minh là bạn thời niên thiếu của nhau trong tu viện, sau đó Đan Thanh rời đi để sống theo bản năng sơ khai của con người, cho tới khi nhiều biến cố khác nhau khiến cho Đan Thanh rơi vào ngục tù rồi được Huyền Minh cứu vớt, sau đó vì bản tính đi hoang và nhục vọng nổi lên khi nghe tin Ái Liên gần đó khiến cho Đan Thanh rời bỏ tu viện, nhưng oái oăm là lúc này Đan Thanh đã già nua không còn trẻ trung như trước đây, từng được Viên nói thẳng chừng – kẻ đầu tiên mà Đan Thanh giết – vào lúc nào đó anh sẽ già nua, chẳng còn cô gái nào thích thú, và sự từ chối của Ái Liên vì sự già nua khiến cho Đan Thanh đau đớn tận cùng và nó đã giết chết bản năng đi hoang và dục vọng.

Xem thêm:   Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ

Bàn luận

Nói đúng hơn là truyện của nhà văn Hermann Hesse dùng các cốt truyện làm nền, để nói về học thuyết mà ông biết, hơn hết (không biết có phải do cách dịch không) khiến cho mình cảm thấy ông quá trịnh trọng về điều ông muốn nói, không cảm xúc, khô khan, và đầy cuốn hút về điều ông đang nói, nếu như bạn thích một cốt truyện liên quan thực tế hơn là miêu tả nội tâm, tâm lý, chứ không phải học thuyết về triết học nào đó hay cho đến việc bộc lộ suy nghĩ của tác giả, thì đọc truyện của Hermann Hesse chẳng khác nào ông ta đang lải nhải trong đầu của bạn về khổ hạnh và buông thả, như hai thái cực, nôm na là nhị nguyên, cũng như đang truyền tải dòng suy tưởng và cách nghĩ về đời sống của ông, sẽ khiến cho bạn cảm thấy nhức đầu và mệt mỏi hơn là sự giải trí của văn học đem lại.

Cho tới khi đọc quyển thứ hai (đầu tiên là Câu Chuyện Dòng Sông) của ông, tiếp đến là đọc tiểu sử, mình mới hiểu ra vì sao ông ta lại có cái cách nhìn như thế, cũng như việc giới phê bình người cùng thời chửi rủa, mạt sát và người thì lại khen, bảo vệ ông, trong văn phong của ông không hề đi theo đường lối truyền thống là kể chuyện, hơn hết là dùng kể chuyện để nói về suy nghĩ nội tâm cũng như học thuyết của ông, do đó, người ta đã chỉ trích ông; đầy khô khan, trịnh trọng và đầy suy nghĩ miên man bên trong con người của ông.

Xem thêm:   How We Die - Hiểu Về Sự Chết

Nếu như Câu Chuyện Về Dòng Sông đang nói về nhị nguyên, vào một cái kết là Nhất Nguyên, thì cái kết của Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang lại khác, là sự buông thả theo bản năng cho tới khi không còn năng lượng nào nữa thì sẽ thức tỉnh đời sống tâm linh, và bên trong truyền thống đầy luật lệ, khổ hạnh lại là sự xấu xa, đấu đá, đầy ô uế, chưa chắc đã thức tỉnh hoàn toàn và thiếu sự tình yêu liên quan đến đàn bà hoặc tình anh em đúng nghĩa, như câu nói “Hãy yêu thương anh em như thầy đã yêu anh em” chỉ là câu nói, thực tế đã yêu thương được hay không mới là thực tế. Điều này khiến cho mình liên tưởng đến thuyết Âm Dương – cũng là nhị nguyên nhưng theo phiên bản Á Đông – trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, nhưng dù thế đi nữa, mình cũng không hề thích tính cách buông thả vô tội vạ của nhân vật Đan Thanh, nó vừa làm mình khó chịu, vừa làm mình cảm thấy quá trịnh trọng như thể anh ta là vị thánh của kẻ đi hoang, mà nhà văn Hermann Hesse đã miêu tả, ngây thơ trong giới dục vọng, đàn bà này sang đàn bà khác, và gần như đã đụng chạm đến thuyết gắn bó mà mình cảm thấy hợp và tính cách thiếu gắn bó ấy đã là thứ thù địch trong suy nghĩ của mình. Cho nên sẽ khó chịu mà ông đã miêu tả, như thể đi, đi mãi không hồi kết, của bóng ma trong đêm tối vô định vậy, cho tới khi tuổi trẻ đã không còn, chẳng cuốn hút được đàn bà và bị đàn bà phũ bỏ thì mới nghĩ đến nơi cố định và chết, chứ không phải chết ở nơi hoang vắng như thời niên thiếu khát khao.

Tuy nhiên, đó là phạm trù trong văn học của ông, nhưng điều đó cũng là một phần của tuổi trẻ đa số thanh niên bây giờ của Việt Nam (cũng như nước ngoài) mắc phải, gái gú, nhục vọng, đàn bà, cãi lộn cỏn con, chém giết và sống không tuân theo luật lệ như Đan Thanh, chẳng mấy ai sống theo cách truyền thống, luật lệ và trao dồi tri thức như Huyền Minh, để rồi tới khi không còn năng lượng, mới nhận thức tuổi trẻ đã không còn để làm lại từ đầu nữa. Đó chẳng khác gì căn bệnh mà Hermann Hesse đã nhắc đến, do đó chính vì điều này mà nó vừa cuốn hút vừa khó chịu, mà giới phê bình vốn dĩ không thích.

Xem thêm:   Cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác

Về những con người như Huyền Minh đại diện cho tầng truyền thống, là con người của gia đình, luật lệ, đời sống có trật tự nhất định, cũng như là một người theo trí tuệ hơn là sự nghệ thuật, nhưng bên trong truyền thống đó là phải thuần phục hoàn toàn, loại bỏ bản năng con người như ăn, tình dục để tiến tới cái chân thiện mỹ, nhưng đánh đổi lại là mất tự do và tình yêu. Mình cảm tưởng rằng Huyền Minh là một con người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ mà nhà văn Hermann Hesse đã truyền tải đến.

Dịch

Mình không thích cách dịch chuyển hẳn tên nhân vật sang tiếng Việt như Đan Thanh, Huyền Minh, Viên, cha An, v.v… Thật sự rất khó chịu, nếu như dịch mấy cái tên như các nước, đồ vật gì đó thì có thể được chứ dịch cái tên của người ta sang tiếng Việt thì chả khác gì làm người đọc mới tưởng bối cảnh đang ở Việt Nam hơn là ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngoài điểm trừ đó ra thì phong cách dịch rất mượt không có gì gọi là chê trách cả.

Tóm lại

Nói chung có rất nhiều thứ mà nhà văn Hermann Hesse truyền tải, nói cách khác hơn, đây chẳng khác gì lối suy nghĩ của ông được viết ra hoàn toàn vào bên trong câu chuyện hơn là ông sáng tác ra một câu chuyện, một câu chuyện là một lớp sơn trên dòng suy nghĩ của ông, nhưng không hẳn ai cũng hiểu, cũng không hẳn ai cũng thích và ghét tác phẩm của ông cả.

Related Posts