Thiên Hồn

Cao Minh là tác giả của những cuốn sách tâm lý nổi tiếng, trong đó nhiều cuốn đã và sắp được ấn hành tại Việt Nam như: “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, “Sổ tay nhà thôi miên” (2 tập), “Giải mã giấc mơ”… Cao Minh nói rằng anh thích nghiên cứu tâm lý nhưng không phải là một chuyên gia. Tuy nhiên, khi đọc các tác phẩm của anh, người đọc sẽ thấy những phân tích tâm lý tài tình và vô cùng sâu sắc.

Khác với “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” và “Sổ tay nhà thôi miên”, “Thiên hồn” là một cuốn tiểu thuyết kết hợp các yếu tố: trinh thám, tâm lý, kinh dị, kỳ ảo… với nhiều plot twist. Chúng ta có thể lờ mờ đoán ra được phần nào diễn tiến câu chuyện (với fan truyện trinh thám, điều này không hề khó), bởi tác giả đã khéo léo cài cắm nhiều gợi ý để dẫn dắt chúng ta tự suy luận và khám phá các bí ẩn, song vẫn tạo được sự hồi hộp, gay cấn và lôi cuốn trong từng trang sách, đưa chúng ta từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Nhân vật chính của “Thiên Hồn” là Chu Khởi Dương, một người tướng mạo bình thường, gia cảnh không mấy khá giả, thân thế không hiển hách, chẳng tài hoa, lại ít nói – người tự thấy mình “như một hạt cát trong sa mạc, không gây chú ý tới ai, cũng chẳng được ai coi trọng”, thậm chí còn từng cho rằng mình là người bị Chúa bỏ quên. Tuy chán ghét cuộc sống tẻ nhạt của bản thân, nhưng Chu Khởi Dương vẫn phải chấp nhận, bởi anh ta chẳng thể làm khác được.

Xem thêm:   Nửa Kia Biệt Tích

Cuộc sống của Chu Khởi Dương đã thay đổi kể từ lúc anh ta đặt chân lên một hoang đảo, hay nói đúng hơn khi anh ta biết đến sự tồn tại của một cuốn sách mang tên “Sách Khải Huyền Hắc Ám” (không liên quan, nhưng mà ai chơi ĐTCL mùa 5 của LMHT sẽ thấy thích thú với cái tên này) hay “Thiên Hồn”. Mục đích ban đầu của anh ta chỉ là đến để đón bạn gái về, nhưng cuối cùng lại bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc truy đuổi, giết chóc đầy nghẹt thở, với nhiều hiểm nguy mà thậm chí có lúc khiến anh ta cận kề cái chết: “Tôi liều mạng trốn, tôi tuyệt vọng chạy. Chỉ vì một câu nói ‘có thể nắm giữ vận mệnh của mình’ mà quyết định mạo hiểm”.

Được thay đổi vận mệnh bản thân theo ý muốn chủ quan là khát vọng mà bất cứ ai cũng có. Chính điều này đã tạo ra cuộc tàn sát đẫm máu giữa những con người với vẻ ngoài tưởng chừng rất đỗi bình thường và lương thiện: cảnh sát, bác sĩ, y tá, thậm chí cả học sinh cấp ba… Tất cả bọn họ, dù vì lý do gì, cũng đều muốn tranh giành “Sách Khải Huyền Hắc Ám” và trở thành người được Chúa chọn – người có thể tự nắm giữ vận mệnh, thay đổi cuộc đời theo ý muốn của mình. Đương nhiên, muốn thực hiện nghi thức trong ngày Chúa chọn 7 năm mới có một lần, cần phải có vật tế. Đó chính là 1.000 linh hồn đã chết vì sách “Thiên Hồn”. Trước khi 11 người lên hòn đảo hoang đó, đã có 990 người chết. Bởi vậy, tất cả họ “đều mất kiểm soát, chẳng ai còn bận tâm tới những thứ khách sáo giả tạo, chẳng ai còn che giấu dục vọng của mình nữa, chỉ có sự điên cuồng và tham lam trần trụi, thậm chí vì một truyền thuyết chưa chắn chắn, vì một giấc mơ lặp lại liên tục vài ngày…” Cái giá phải trả để tự quyết định vận mệnh thật quá đắt, chẳng khác nào bán linh hồn cho quỷ dữ vậy.

Xem thêm:   Trở Về Với Chính Mình

Thông qua “Thiên Hồn”, nhà văn Cao Minh đã lột tả được bản chất tham lam, tàn độc và xấu xa tồn tại sâu bên trong mỗi con người. Cuốn sách để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm. Đứng trước cám dỗ, liệu con người có thể từ bỏ được tham vọng và hư vinh phù phiếm hay không?

Bất chấp mọi giá để giành được thứ quyền lực siêu nhiên, tà đạo, giẫm đạp lên mạng sống của hàng nghìn người, liệu có thể bình tâm tận hưởng hay sẽ ám ảnh, sợ hãi và dằn vặt suốt cuộc đời? Lương tri liệu có thức tỉnh, đấu tranh vì sự lương thiện và tính người hay không? Đáp án cuối cùng, hãy cứ để thời gian và tòa án lương tâm trả lời. Nhưng có thể khẳng định, ác giả ác báo sẽ luôn là chân lý không bao giờ thay đổi.

Related Posts