“Trọn một con đường” được xuất bản lần đầu vào năm 2012, trên cơ sở chỉnh sửa, dồn ghép hai cuốn hồi ký trước đó là “Đường xuyên Trường Sơn” và “Với cả cuộc đời”. Trong đó, “Đường xuyên Trường Sơn” được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Trong lần tái bản này, cuốn sách được giữ nguyên bố cục, nội dung, chỉ đính chính một vài chi tiết về gia đình.

Cuốn sách dày 680 trang, gồm 18 chương, thể hiện trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, từ khi còn là một cậu bé cho đến khi đảm nhận nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Với trí nhớ tuyệt vời, cách làm việc khoa học của ông, qua sự thể hiện của Đại tá, nhà báo Nguyễn Duy Tường, chân dung vị Tư lệnh Trường Sơn tài ba, sâu sát, quyết đoán được khắc họa rõ nét.

Bìa cuốn sách.

Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận nhiệm vụ Tư lệnh Đoàn 559, tuyến vận tải Trường Sơn chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn của đế quốc Mỹ, đã xuất hiện tư tưởng “sợ địch” ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường. Khi vừa vào đến Bộ tư lệnh, đồng chí đã triệu tập ngay cuộc họp Đảng ủy để nắm tình hình và xem xét kế hoạch công tác. Với quan điểm “thực tiễn là chân lý, là sức sống của tư duy lý luận”, đồng chí đã trực tiếp đi thực địa để khảo sát cụ thể tình hình địch-ta, thời tiết, địa hình… Trong chuyến thị sát Binh trạm 1 ngày 20-1-1967, ông thấy cách bố trí kho chưa hợp lý, mất thời gian khi bốc hàng và dễ bị tổn thất khi địch ném bom… Trên cơ sở nắm bắt thực tế, đồng chí khẳng định tư tưởng chỉ đạo của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là tư tưởng tiến công và tổ chức vận tải cơ giới quy mô lớn là con đường phát triển tất yếu, là yếu tố sống còn của tuyến chi viện chiến lược.

Xem thêm:   Những ứng dụng phổ biến hiện nay dùng để đọc sách trên iPad

Để vận chuyển cơ giới quy mô lớn thành công, theo đồng chí, phải tổ chức, xây dựng Trường Sơn thành một chiến trường tổng hợp. Các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến phải hoạt động trong thế trận hiệp đồng binh chủng; đều phải bám đường, bám trọng điểm, bảo vệ và phục vụ vận chuyển. Cùng với phát triển hệ thống đường vận tải cơ giới, phải phát triển hệ thống đường giao liên, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu, đường dây thông tin, “đường kín”… tạo thành một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Với những chỉ đạo táo bạo, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã trải dài, vươn xa đến các chiến trường, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng giàu lòng yêu thương, luôn quan tâm, chia sẻ với cấp dưới những điều nhỏ nhất, thiết thực nhất như nghĩ ra cách giảm thiểu thương vong cho chiến sĩ lái xe bằng cách yêu cầu phải mặc áo giáp, đội mũ sắt khi ngồi trong cabin, chỉ thị bớt vài cân mang vác để bộ đội nhanh hơn, khỏe hơn và chiến đấu được ngay. Có lần, đến thăm một đơn vị nữ, ông không khỏi đau lòng khi bắt gặp những mái đầu lơ thơ vì sốt rừng mà không có lấy một quả bồ kết. Đồng chí đã chỉ thị cho cấp dưới ra Hướng Hóa hoặc Đông Hà mua bồ kết cho chị em gội đầu.

Xem thêm:   Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn

“Trọn một con đường” là cuốn sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu chính thống để học tập, giáo dục truyền thống; là cơ sở để tham khảo xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; về cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là về Bộ đội Trường Sơn và tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

LINH LINH

Related Posts