[Tải Ebook] – Đời du nữ

[link u=”https://drive.google.com/file/d/1JpufqGfHzj9rt2s6Z3dVKK0lQ5VKYTOq/view?usp=share_link” t=”Tải Ebook”]

Đời du nữ: Câu chuyện của một ả đàn bà nghiện đàn ông

“Cho dù tôi đã sống cả đời trong thế giới này với thân phận du nữ, nhưng không vì thế mà tôi kết thúc đời mình với trái tim vẩn đục”

Câu chuyện về các nàng kĩ nữ, dù là cổ đại hay hiện đại, thường được khai thác dưới hai góc nhìn: hoặc là những cô gái đoan trang vì bi kịch nhất thời mà phải đưa chân ngọc nhúng chàm đen, rồi thân xác bị vùi dập trong phấn trắng son đỏ; hoặc về những người phụ nữ tham vọng, sử dụng nhan sắc để khống chế đàn ông đu đưa như con rối vô tri vô giác. Phần lớn người Á Đông vẫn không chấp nhận việc đàn bà bị khống chế bởi chữ “dục”, vậy nên kĩ nữ – biểu tượng của nhục dục và sa đọa – cứ thế mà được thi ca hóa.

Thế mà, từ nước Nhật xa xôi và phù phiếm, Ihara Saikaku đã gián tiếp cười dài khi khắc họa một nàng du nữ (kĩ nữ) hoàn toàn trái ngược với hai hình mẫu trên. Thoạt tiên, số phận nàng cũng có những bước đường sa cơ lỡ vận.

“Xuất thân từ một gia đình tử tế, nàng làm thị nữ cho một phu nhân ở triều đình. Nhưng sau đó bị đuổi đi vì tội vụng trộm tình ái lúc mới 12 tuổi.

Không bao lâu, gia đình nàng sa sút, nàng bị bán vào ‘thành phố không đêm’ Shimabara ở Kyoto.”

“Shimabra chính là một Yukaku (du quách), ở đó bắt đầu cuộc đời lưu lạc khắp xứ của người đàn bà đa tình. Nàng lần lượt là du nữ, là tình nhân của một nhà sư, là thầy dạy viết thư, hầu phòng, hầu gái, ca nữ, gái nhà tắm, trà thất và khi xuống tận đáy, làm cả gái điếm đường.”

– Trích chương 1, Saikaku và thế gian đa tình.

Nàng du nữ này không “bán mình vì số phận”. Nàng say sưa thú vui nhục thể đến mê loạn, đến ám ảnh, đến tình nguyện để chữ “sắc” nuốt trọn tâm trí. Nàng như một con nghiện thuốc không ngừng tìm cách cai, nhưng ngựa đã lỡ quen đường cũ. Trong năm trăm người chồng một đêm của nàng, có lãnh chúa oai phong nhất vùng, có chàng nhân sĩ học rộng tài cao, có kẻ du thủ du thực, có vị trụ trì một năm ăn mặn vài lần, và có lão già thất thập cổ lai hy. Kẻ khác hành nghề vì kế sinh nhai, vì đường đời đưa đẩy. Nàng hành nghề vì nàng “hám sắc”.

1. Câu chuyện về một ả đàn bà nghiện đàn ông

Nàng du nữ là một kẻ nghiện đàn ông và nghiện làm tình với đàn ông, chấm hết.  

So sánh đơn giản, nếu một kẻ sắp chết đói nhìn thấy một bức họa đồ ăn, từ trong dạ dày của gã sẽ râm ran, dồn dập những cơn sóng dịch vị. Từng thớ thịt mỡ màng trước mắt gã sẽ mang sức quyến rũ ngàn cân. Có gì mà gã không dám hi sinh để được phập răng vào miếng thịt, thỏa mãn cơn đói ngấu của mình? Tương tự, nàng du nữ luôn trong tình trạng gọi bỗ bã là “thiếu hơi trai”. Chỉ cần liếc mắt thấy một cánh tay rắn chắc, cảm nhận một cái đụng chạm hững hờ là đã khiến xuân tình trong mắt nàng ta lúng liếng. Thứ nhục dục này như thuốc phiện, thỏa mãn ham muốn nhất thời nhưng hủy hoại dần dần thân thể và tinh thần của nàng. Những lúc kịp tỉnh táo, nàng ta sẽ vùng dậy bỏ trốn như một kẻ nghiện choàng tỉnh sau cơn say, giãy giụa để cứu vớt lấy tâm trí thanh tịnh. Nhưng không, nàng ta là một con nghiện, mà cuộc đời này rất giỏi trong việc chu cấp thuốc cho con nghiện. Cứ như thế, nàng ta tiếp tục sa ngã. Hai mươi tư phần truyện ngắn là hai mươi tư lần nàng ta sa ngã.

Xem thêm:   Sách Từ vựng TOEIC căn bản - 600 essential words for the TOEIC Test

Nhưng nàng ta lại là một con nghiện hời hợt.

Theo lẽ thường, phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ phong kiến – thường bị vấn vương bởi chữ tình, cảm xúc lúc nào cũng đầy ắp, chực chờ trào dâng. Nàng du nữ đã trải qua trăm ngàn bể dâu cuộc đời, nếm thử đủ loại khổ đau khinh nhục. Người khác lâm vào hoàn cảnh của nàng còn biết oán thán, tuyệt vọng, hổ thẹn. Còn những lời tâm sự của nàng ta lại vô cùng hời hợt, chỉ thi thoảng buông vài câu hờn trách lấy lệ. Nói nàng trơ trẽn cũng chẳng phải – nàng quá điềm tĩnh và phẳng lặng để hành xử như một kẻ trơ trẽn đích thực. Thật là một lối hành văn quá đỗi… đàn ông! Có câu nói vui: “Đàn ông đổi tình yêu lấy tình dục, đàn bà đổi tình dục lấy tình yêu”, nhưng câu này chẳng thể áp dụng được cho bản thân nàng.

2. Nàng du nữ kia, rốt cuộc nàng muốn gì?

Một lời khuyên phổ biến dành cho những người viết văn là nhất định phải để nhân vật chính có một mục tiêu, khiến anh ta/ cô ta có thứ mà theo đuổi, truy cầu. Bất kể người đó muốn gì – danh vọng, sự nghiệp, công lý, báo thù – mục tiêu sẽ tạo động lực cho anh ta/ cô ta tiến về phía trước, thúc đẩy tiến độ câu chuyện, làm tiền đề cho sự đổi thay và tiến bộ.

Nhưng nàng du nữ của Ihara Saikaku chẳng muốn gì cả.

Có lẽ nàng ta cũng chẳng thực sự ham mê sắc dục. Nàng ta bị trói buộc bởi sắc dục, nhưng trong mắt nàng, nó chẳng đáng giá hơn chiếc kimono vải mỏng của đám gái già là bao. Ở đàn ông, nàng ta không tìm kiếm sự yêu chiều hoặc nịnh bợ. Nàng ta chẳng mê mẩn tiền bạc, hôn nhân hay sắc đẹp trường tồn. Nàng ta cũng chẳng nỗ lực thay đổi. Từ khoảnh khắc nàng ta là Tayu (cấp bậc cao nhất của nghề du nữ) đến lúc lạc bước đứng đường, nàng ta vẫn là một kẻ nông cạn và dục tình. Đời cho nàng ta một chục cú tát, nhưng phấn son chẳng mảy may trôi đi trên gương mặt trơ lì và vô cảm ấy.

Xem thêm:   Vợ chồng Bill Gates mở trang web tải sách chuyên ngành miễn phí cho sinh viên

Nhưng giá trị văn học của nàng nằm ở việc nàng chẳng muốn gì cả.

Nhiều người mặc định rằng, “đam mê hoặc mục tiêu là bẩm sinh, người ta sẽ tự nhận biết mình muốn điều gì”. Chẳng có câu nào làm tôi hãi hùng hơn câu ấy. Đam mê với tôi là kết tinh từ quá trình cọ sát và học hỏi từ thế giới bên ngoài. Bạn có thể có năng khiếu mĩ thuật, nhưng nếu không có cơ hội tiếp xúc với bút màu và cọ vẽ, bạn sẽ không khám phá và phát huy được tài năng. Hoặc giả cha mẹ bạn không có điều kiện, xã hội không khuyến khích, xung quanh cũng toàn là những lời cấm cản, phê bình khiến bạn nhụt chí, sớm muộn gì chút năng khiếu ấy cũng bị thui chột và dập tắt.

Cuộc sống người phụ nữ phong kiến bé bằng cái giếng, hoặc chính xác hơn là bé như cái cửa sổ bồi giấy nhìn ra khoảng trời vuông bằng cái sân gạch. Bạn nhận xét rằng kĩ nữ tự do hơn tiểu thư ư? Các nàng tự do chỗ nào, khi cái cửa số ấy chỉ chuyển từ căn phòng khuê các sang quán rượu lầu xanh? Bức tường che không xây từ gạch vữa hay giấy bồi mà xây từ định kiến, đạo lý mà xã hội gán lên người phụ nữ, như một tấm biển định giá lạnh lùng và suồng sã. Trong một thời đại mà phụ nữ phải tuân theo những lề thói bất công, nơi mà phẩm hạnh của tiểu thư được cân đo bằng của hồi môn, nơi mà giá trị của kĩ nữ được đong đếm bằng những xu tiền bèo bọt, nơi mà người định đoạt số phận họ là các quý ông “chồng nhiều đêm” hoặc “chồng một đêm”, họ hoàn toàn không có cơ hội mở rộng khoảng trời của mình. Các nàng hoặc là chết dần chết mòn, hoặc là trôi thản nhiên như một mảng bèo, chẳng muốn và chẳng có gì cả.

“Cho dù tôi đã sống cả đời trong thế giới này với thân phận du nữ, nhưng không vì thế mà tôi kết thúc đời mình với trái tim vẩn đục” không phải là một lời phán định lạc quan hay phân trần về phẩm giá của nàng du nữ, mà chỉ là một lời hứa suông, phơi bày bản chất vô định của nàng.

Tinh thần của nàng đã bị xã hội giết chết. Cả người nàng chỉ còn là thân xác, một thứ thân xác có ý thức, có cá tính nhưng không có cốt lõi tồn tại.

Xem thêm:   [Tải Sách PDF] Kinh Điển Về Khởi Nghiệp – Chris Guillebeau

3. Giá trị của Đời du nữ nằm trong bối cảnh hay vượt ra khỏi bối cảnh?

Bạn sẽ nghĩ, Đời du nữ chỉ có giá trị phê phán xã hội đương thời, cảm thương cho số phận người phụ nữ phong kiến bị vùi dập. Ngày nay, nam nữ bình quyền rồi nên nó chẳng còn giá trị gì nữa.

Bạn có chắc không?

Bi kịch của nàng du nữ xuất phát từ việc nàng nghiện đàn ông và nàng sống cuộc đời không mục đích. Nó tương tự như thứ bi kịch mà nhiều người hiện đại mắc phải. Ihara Saikaku mở đầu câu chuyện bằng những lời châm biếm về bản chất phù phiếm của con người – những kẻ miệng thì thao thao bất tuyệt về khát vọng đổi đời và chạm tay vào giấc mộng phù hoa, nhưng lúc nào cũng đầu hàng trước những cám dỗ trước mắt. Những kẻ như thế thời nay nhan nhản. Họ hối hả hưởng thụ những cuộc chơi kích thích ngắn hạn để tự gây tê bản thân, quên đi mục tiêu lâu dài.  Tôi không dám chắc cuộc đời họ có kết thúc như nàng du nữ không, nhưng số phận của họ hẳn là một bản bi kịch của sự hời hợt.

Nhưng Saikaku châm biếm chứ không phán xét. Khi đọc sách, tôi chưa một lần căm ghét nàng du nữ, cũng chẳng thương cảm gì nàng ta. Cảm xúc tôi dành cho nàng ta chắc chẳng khác gì khi ngắm một bức tranh trừu tượng: tò mò, khó hiểu và… hơi thích thú. Saikaku là một nhà văn rất “người” – đối với ông, vẻ đẹp của con người có thể lấn áp hoa đào nở tháng ba. Một chút sắc hồng phơn phớt điểm tô trên màn mưa xuân làm sao có thể so sánh được với sự phức tạp, đa tình, lố bịch, bi thương trong tâm trí và số phận con người?

Bạn có thể đánh giá Đời du nữ theo nhiều cách, hoặc như bản phân tích tâm lí của một ả đàn bà phong lưu, hoặc như một áng văn phê phán xã hội thời bấy giờ. Nhưng với tôi, Đời du nữ là một lời cảnh tỉnh, đồng thời cũng là một bài thơ tôn thờ vẻ đẹp rất đỗi trần tục và tầm thường của con người. Chính cái sự vừa châm biếm, vừa chấp nhận, vừa ngụ ngôn, vừa ca ngợi đã làm nên giá trị vượt thời gian của tác phẩm.

*

“Nhục thể con người ta rồi sẽ thối rữa, xương cốt sẽ thành tàn tro và được chôn lấp dưới cây cỏ. Chỉ có cái tên là còn lại.”

Điều duy nhất tôi nuối tiếc là, Ihara Saikaku cuối cùng cũng chẳng cho nàng lấy một cái tên.

Nguồn: Bookish

Related Posts