Sóng ở đáy sông – Lê Lựu

Tôi vốn yêu thích và thường xuyên tìm đọc các tác phẩm văn học Việt Nam. Thế nhưng tôi lại chưa từng đọc bất kỳ một tác phẩm nào của nhà văn Lê Lựu. Nhận thấy sự thiếu sót nghiêm trọng đó của bản thân nên tôi đã quyết định đọc cuốn Sóng Ở Đáy Sông, một tác phẩm nổi tiếng của ông và sau khi đọc xong tôi thực sự vô cùng thích cuốn sách này.

Sóng Ở Đáy Sông là câu chuyện cuộc đời của nhân vật Núi, từ lúc còn là một đứa trẻ cho đến khi là người đàn ông trung niên tóc điểm bạc.

Núi có tuổi thơ đặc biệt, khi là con trai của một gia đình trí thức giàu có nhưng lại bị cha đẻ ghẻ lạnh, đối xử như kẻ tôi tớ trong nhà. Bởi lẽ mẹ Núi xuất thân là người ở, trở thành bà lẽ vì trót có con với ông chủ – những đứa con “loại hai”. Bốn anh em Núi, Sông, Biển, Cả và mẹ chịu đựng cuộc sống bị hắt hủi, phải hầu hạ ông bố và những đứa con của người vợ cả. Núi từ nhỏ đã ngoan ngoãn lại sáng dạ nên có thành tích học tập rất tốt. Đến năm Núi 17 tuổi mẹ đột ngột mất sớm, người cha càng thờ ơ không quan tâm đến các con. Điều này khiến anh phải nói dối gia đình, bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi các em. Bố anh biết chuyện liền đuổi Núi ra khỏi nhà, thậm chí cắt hộ khẩu khiến anh không thể tiếp tục đi học hay xin việc ở bất kỳ đâu. Và đó cũng là khởi đầu cho chuỗi ngày Núi bơ vơ tìm kế mưu sinh. Từ một đứa trẻ thật thà, ngoan ngoãn Núi trượt dài trong tội lỗi, vào tù ra tội, thành dân trộm cướp giang hồ. Đã bao lần anh muốn hoàn lương nhưng số phận éo le liên tục dồn anh vào con đường phạm pháp. Cuối cùng, nhờ tình thương của mọi người xung quanh cùng quyết tâm sống lương thiện để nuôi cô con gái nhỏ, Núi thực hiện xong án tù, đồng thời học được nghề mộc để làm lại cuộc đời.

Xem thêm:   Cách Phân Tích Chuỗi Hành Vi Trong Tâm Lý Học

Sóng Ở Đáy Sông thật sự khác biệt và hấp dẫn tôi bởi chất đời, cảm giác gần gũi và ấm áp rất đời thường, rất Việt Nam thấm đẫm trong từng trang viết. Những chuyến sơ tán tránh đạn bom, thời kỳ bao cấp với tem phiếu và sổ gạo, những chiếc phích nước Rạng Đông xanh đỏ, chiếc mũ cối cùng những dấu tích của một thời khốn khó. Tất cả đều có tính hoài niệm mạnh mẽ, bởi nó là cả một bầu trời kỷ niệm của thế hệ trước. Nó giúp tôi hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước.

Những nét văn hóa đặc trưng của miền Bắc thời xưa cũng xuất hiện rất rõ nét trong tác phẩm: con cháu đi xa về quê là cả làng đến thăm nom chào hỏi, chuyện trong nhà chưa tỏ thì ngoài ngõ đã thông với những lời xì xào, bàn tán xuyên lũy tre làng chẳng bao giờ ngớt. Cái mối liên kết tình nghĩa giữa người với người tuy đôi lúc ảnh hưởng đến sự riêng tư cá nhân nhưng nhìn chung là ấm áp, thân thương.

Rồi lối suy nghĩ phân biệt giai cấp, phân biệt nông thôn với thành thị. Núi khi mới về nơi sơ tán trở thành hotboy làng cũng một phần nhờ cái mác “trai thành phố, bố làm oai”. Rồi văn hóa năm thê bảy thiếp, thói coi thường người làm kinh doanh hay còn gọi là “con buôn”. Thời đó, cái chữ là thứ có giá trị nhất. Ông bố của Núi khinh khỉnh, chẳng coi ai ra gì vì mình là người có học thức, ông coi trọng đến mức cực đoan chuyện học hành của con cái vì với ông điều này sẽ ảnh hưởng đến danh dự gia đình. Ông còn là kẻ cay nghiệt, cạn tàu ráo máng đến mức năm lần bảy lượt viết đơn để tống con đẻ vào tù cho khuất mắt.

Xem thêm:   Lời chúc 8/3 ý nghĩa nhất dành cho mẹ, vợ, người yêu, cô giáo

Sóng Ở Đáy Sông có hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng. Nhân vật Núi có cuộc đời nhiều thăng trầm nên những con người xuất hiện xung quanh cuộc đời anh cũng đến từ đủ thứ thành phần, tầng lớp xã hội: đó là những thành viên của một gia đình tư sản, dân lao động, người lính, công an, cán bộ nhà nước, phạm nhân, băng đảng xã hội đen, đĩ điếm… Tất cả những con người đó xuất hiện với đủ tính cách, tâm tính. Chẳng có khuôn mẫu nhất định cho ai cả. Không phải cứ người có học thức là tốt còn người tù tội là xấu. Bức tranh muôn màu của cuộc sống được vẽ lên nhờ hệ thống nhân vật đa chiều đa dạng.

Sóng Ở Đáy Sông là câu chuyện tuyệt vời về tình người và khát vọng sống mãnh liệt. Gia đình thiếu tình thương và những con người vô cảm đẩy Núi vào con đường phạm pháp nhưng rồi cũng chính tình người đã cứu vớt anh ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

Hình ảnh dòng sông Lấp và hai mạch nước ngầm vẫn chảy trong lòng sông ở cuối chuyện dù con sông đã bị lấp từ lâu rất ý nghĩa. Nó như một lời giải thích cho tựa đề cuốn sách. Mạch nước chảy bất chấp ấy là những giá trị văn hóa lâu đời, sự coi trọng tình nghĩa vẫn tồn tại muôn đời dù thời thế có đổi thay. Tôi yêu tác phẩm này là vì thế.

Related Posts