Nhà thơ Thanh Hải với Mùa xuân nho nhỏ

Nhà thơ Thanh Hải với Mùa xuân nho nhỏ

Thanh Hải, một trong những nhà thơ thân yêu nhất của xứ Huế và cũng là nhà thơ để nhiều kỷ niệm ấn tượng về thơ trong bạn đọc.

Đó là một nhà thơ lấy lý tưởng và tình yêu đi vào cuộc dấn thân cho cách mạng. Nhân dân Huế làm sao quên được hình ảnh Thanh Hải một nhà thơ luôn có mặt trong lửa đạn với kẻ thù vào những năm Huế giành từng thước đất trước mũi súng, trước xe tăng giặc. Làm sao quên được tiếng thơ Thanh Hải hát trong chiến đấu, hát trong giây phút đồng chí đồng bào hy sinh cao cả. Lấy sự hy sinh của đồng chí và lấy tiếng thơ làm nguồn sáng, làm hương bay, làm niềm tin chiến thắng quân thù. “Mộ anh trên đồi cao/Hoa hồng nở và nở/Hương thơm bay và bay”.

Làm sao quên được hình ảnh nhà thơ trên mặt trận văn hóa văn nghệ với ngòi bút xông xáo đấu tranh vào những năm Huế cùng với miền Nam giành tiếng nói dân tộc, giành lương tri nhân dân, giành cội nguồn truyền thống với kẻ thù hai mặt. Tiếng thơ Thanh Hải còn là tiếng nói đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Tôi còn nhớ tháng 10-1962 nhà thơ trong đoàn trí thức Mặt trận miền Nam ra thăm Hải Phòng và gặp đồng bào trong cuộc mít tinh. Hình ảnh nhà thơ với giọng Huế nhỏ nhẹ, dịu dàng đọc bài thơ như một điều tâm sự thân yêu của một thi sĩ miền Nam gặp lại miền Bắc trong mối tình Nam Bắc một nhà: “Tám năm nay mới gặp nhau/Ôm nhau mà thấy lòng đau chín chìu/Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây/Xiết tay ôm chặt lấy tay/Nói gì, nước mắt tràn đầy đôi môi/Tám năm là mấy đêm rồi/Có đêm nào chẳng trông trời nhìn mây/Có ngày nào chẳng ước ao/Bước chân ra Bắc vui nào vui hơn/.

Xem thêm:   Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài vì nó không thể đánh giá đúng bản chất thật bên trong | STTHAY

Những năm sau giải phóng miền Nam, nhà thơ một trong những trụ cột lãnh đạo Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên được hợp nhất. Một con người đầy kiên nghị và nhiệt tình ấy, bởi sự khát khao vươn lên trong sáng tác đã nhuốm bệnh hiểm nghèo. Năm 1979 – 1980 nhà thơ đang công tác phát động phong trào sáng tác phục vụ chiến đấu ở Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tiếp đó nhà thơ cùng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên xuống đường đọc thơ, ca hát động viên thanh niên nhập ngũ đi chiến đấu, thì bất ngờ bệnh cũ tái phát phải đưa vào bệnh viện. Gần như suốt năm 1980 nhà thơ phải khóa mình trong chiếc phòng nhỏ ở tầng 4 khoa nội Bệnh viện Huế.

Hàng ngày ngồi bên cửa sổ phòng bệnh, màu biếc của hoa đang nhú bên ngoài và vài tiếng chim bất chợt cứ gợn trong mắt, âm vang bên tai nhà thơ. Rồi cùng một lúc như ảo ảnh sóng xanh, hoa tím, tiếng chim… thành giọt, long lanh, trong bàn tay xám ngắt của nhà thơ. Rồi cùng lúc những ý thơ yêu đời, yêu Huế, những câu thơ được tượng hình thu vào một trời đất sông xanh, bông tím, tiếng chim chập chòn tỏa mát: “Mọc giữa dòng sông xanh/Một bông hoa tím biếc/Ơi!con chim chiền chiện/Hót chi mà vang trời/Từng giọt long lanh rơi/Tôi đưa tay tôi hứng”.

Thực hay mơ trong nhà thơ mà sao nghe đời đang đập nhịp trong trái tim thổn thức. Ngoài kia đời đang réo gọi mà sao mình đang trong phòng như giam như buộc. Không, một nỗi khao khát, một nguyện vọng hiến dâng đời cứ lóe lên. Trong nhà thơ như vụt sáng của một nốt trầm, nốt trấm của đời, nốt trầm của nhà thơ: “Ta làm con chim hót/Ta làm một cành hoa/Ta nhập vào hòa ca/Một nốt trầm xao xuyến”.

Xem thêm:   Bánh chưng - Biểu tượng ẩm thực truyền thống trong ngày Tết Việt Nam

Cơn bệnh kéo đến. Giây phút nhà thơ lả đi. Bỗng một cái gì nhẹ ấm ấp lấy bàn tay mình. Cái nhẹ ấm của bàn tay như phép màu chuyền hơi thở, chuyền tình yêu cho nhà thơ. Gần suốt cuộc đời bàn tay ấy đã cùng nhà thơ đi qua bao mùa xuân, mùa xuân người cầm súng, mùa xuân người ra đồng, mùa xuân hối hả trong em trong anh. Phía trước mùa xuân là bốn nghìn năm. Mùa xuân đất nước đi qua như vì sao không ở lại. Nhà thơ tỉnh lại nghe rõ một bàn tay nhỏ nhắn xoa lên trán ấm mát. Nhà thơ cầm lấy bàn tay nhận ra, bàn tay vừa là người thầy thuốc, vừa là người vợ suốt một năm nay bên cạnh chăm sóc mình. Nhà thơ tỉnh hẳn cảm thấy trong bàn tay mình một hạnh phúc, một mùa xuân đang ở lại với mình, cùng lúc trong hồn nhà thơ rung lên một ý thơ nho nhỏ mùa xuân: “Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”. Mấy ngày sau, bài thơ hoàn thành với tên Mùa xuân nho nhỏ.

Liền mấy ngày sau đó, nhà thơ Thanh Hải tay run run suốt trên trang bản thảo, cả chị Thanh Tâm vợ nhà thơ cũng không biết anh viết gì. Chỉ biết phút giây cuối, trong bàn tay run run, nhà thơ đặt một trang thơ vào tay vợ, thả một hơi thở nhẹ nhàng.

Xem thêm:   Tranh tô màu cô bé quàng khăn đỏ

Sau lễ hạ huyệt, nhạc sĩ Trần Hoàn ngồi một mình trong vườn bên mộ bạn đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hiểu thêm nhân cách một thi sĩ, một chiến sĩ. Cũng trong đêm đó nhạc phẩm ra đời, phát sóng trên đài Tiếng nói Việt Nam. Một nhạc phẩm giai điệu Huế và thơ của một hồn thơ Huế da diết cho nho nhỏ một mùa xuân: “Mùa xuân, mùa xuân/Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Mùa xuân,mùa xuân/Mùa xuân tôi xin hát/Khúc Nam Ai,Nam Bằng”.

TRÚC CHI

Related Posts