Kẻ Lãng Quên

Tác giả: Tần Minh. Dịch giả: Hương Ly – Tuệ Tâm

Thể loại: Trinh thám, giải phẫu tử thi, TQ

Suốt một thời gian dài mình không dám đọc Pháp y Tần Minh vì nghĩ rằng đọc nó sẽ bị sợ. Nhưng đến một lúc nào đó, mình cầm cuốn “Người giải mã tử thi” lên và đọc bình thường, thậm chí đến đoạn tả mùi của tử thi phân hủy xanh đen thì mình còn đang vừa đọc vừa uống cacao sữa nóng và ăn chocolate. Có lẽ vì trước đó mình đã đọc kỹ cuốn “Hiểu về sự chết” (Sherwin B. Nuland) và “Những câu hỏi lớn từ người phàm trần tí hon về cái chết” (Caitlin Doughty) nên lúc đọc Pháp y Tần Minh thì không bị sợ nhiều. Tuy nhiên, đọc được gần 70% cuốn 1 thì mình bị chán vì cứ toàn nói về kiến thức ngỗ tác mà không nhanh chóng giải quyết vụ án, nên mình dừng để đọc cuốn khác. Thế rồi, khi được cho mượn “Kẻ lãng quên”, vì bìa sách thật đẹp (hơi giống “Nàng tiên cá” (Lôi Mễ) ) nên mình lại nhảy ngay vào, đọc 1 mạch đến hết chương 9 và lại chán, dừng đọc. Mình đưa mẹ đọc với lời cảnh báo “Coi chừng mất ngủ”, mẹ lại giở ra ngay phần Vĩ Thanh đọc trước, rồi mới từ tốn đọc lại khúc đầu, suýt nữa spoil truyện với mình luôn. Bắt chước ‘bí quyết’ đọc Vĩ Thanh trước để biết hung thủ, mình đã hân hoan lấy lại sách và đủ kiên nhẫn đọc tiếp từ chương 10 (tức là vẫn không để bản thân bị spoil). Sau khi chiến hết cuốn sách thì mình thấy “Kẻ lãng quên” khá hay, sách do bác sĩ pháp y viết nhưng đậm chất văn chương, nhiều câu đạo lý, và văn phong không gây buồn ngủ.

Xem thêm:   Gen Z Trong Kỷ Nguyên Số

.

Một bạn của mình trong hội trinh thám đã nói rằng không thích đọc kiểu tập truyện ngắn vì nó không có sự liền lạc. Pháp y Tần Minh tập 1 và cuốn “Kẻ lãng quên” này (mình không rõ là tập mấy) đều thuộc dạng truyện ngắn, nhưng từ đầu đến cuối đều có liên quan với nhau, và không thể đọc lộn xộn, phải đọc theo thứ tự. Điều khiến mình chán là cứ chưa giải quyết xong vụ án này thì lại có vụ án khác, dẫn đến quá nhiều nhân vật xuất hiện, bộ não nhỏ bé của mình không nhớ nổi. Riết rồi mình không nhớ nạn nhân nào thuộc vụ án nào luôn. Tuy lời văn rất rõ ràng gãy gọn nhưng vì cứ liên tục xuất hiện vụ án mới nên mình bị rối. Kiến thức giải phẫu tử thi cũng thú vị thật đó, nhưng không thể nhớ hết để đem ra chém gió khi họp mặt bạn bè, và cũng mong rằng mình sẽ Không Bao Giờ có cơ hội nào để áp dụng kiến thức ngỗ tác đã đọc được từ Pháp y Tần Minh.

.

Chủ đề chính trong “Kẻ lãng quên” là “nữ đức”, ý chỉ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh của phụ nữ trong xã hội phong kiến thời xưa. Nói là thời xưa nhưng ngay trong thời nay vẫn còn không ít kẻ tuân theo “nữ đức” một cách cực đoan, lệch lạc, biến thái, có thể vì lý do “nữ đức” mà giết người. Đáng buồn hơn nữa là những kẻ ấy không chỉ là đàn ông, mà có cả phụ nữ. Xuyên suốt tiểu thuyết “Kẻ lãng quên”, người đọc nhiều lần bắt gặp những đoạn triết lý – đạo lý cuộc sống được diễn đạt qua lời thoại nhân vật. Những vấn đề hiện đại như nam nữ bình đẳng, nữ có thể / có cần nhận sự che chở của nam không… được nói nhiều trong cuốn này, đôi lúc khiến mình dừng lại, băn khoăn về quan điểm của mình trước giờ. Có lẽ, sinh ra và lớn lên trong xã hội Á Đông, bị ảnh hưởng sâu nặng bởi tư tưởng Khổng giáo (được dùng làm bộ luật Gia Long và ảnh hưởng xuyên suốt đời sống của người Việt qua nhiều thế hệ) nên hầu hết đàn ông và phụ nữ Việt đều có những suy nghĩ rất phổ biến như phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, phái mạnh phải che chở phái yếu vân vân và mây mây… Đọc “Kẻ lãng quên”, mình ngạc nhiên vì tác giả là một người đàn ông TQ mà có thể viết ra những lời lẽ vô cùng văn minh hiện đại và nhân văn như thế đối với nữ giới. Đọc thông tin tác giả thì thấy Lão Tần hơn mình vài tuổi thôi, gặp bên ngoài có thể gọi bằng “Tần ca” chăng?

Xem thêm:   Còn Chút Gì Để Nhớ - Nhà Văn Nguyễn Nhật Ánh

.

Đọc hết quyển sách, mình vẫn chưa biết “Kẻ lãng quên” là ai, liệu đó có phải những nạn nhân đã tử vong, có khi tử trạng thật thê thảm, tử thi lưu lạc nơi rừng hoang núi thẳm, chỉ nhờ các bác sĩ pháp y tài giỏi, chính trực và mẫn cán giúp tử thi “cất tiếng”, đem lại sự minh bạch cho cái chết của họ. Quyển sách này được dịch rất chỉn chu, mình có thể nhận ra những cụm từ tiếng Hoa 4 chữ (kiểu như ngọc thụ lâm phong, ngây người nửa ngày, vạn kiếp bất phục…) đều được dịch hoàn toàn sang tiếng Việt, đọc rất thoải mái. Có lẽ vì truyện dài quá nên còn vài chỗ bị lỗi đánh máy, có thể bỏ qua. Mình tin rằng ai là người hâm mộ của Lão Tần nhất định sẽ hài lòng với tác phẩm này.

(Sea, 24-9-2022)

Related Posts