Xuân Diệu – huecity.gov.vn

1. Vị trí con đường

Đường Xuân Diệu nằm trên địa bàn phường Trường An, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Đặng Huy Trứ, qua ngã ba Chế Lan Viên đến đường Phan Bội Châu, dài 450m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ca xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là đất cồn mồ thuộc ấp Trường Cởi, xã Thủy Trường, huyện Hương Thủy. Sau năm 1981 sát nhập vào thành phố, năm 1985 cho san lấp xây dựng khu dân cư gọi là Khu quy hoạch Thủy Trường. Sau năm 1990 mới cho làm đường này. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Xuân Diệu.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Xuân Diệu (Bính Thìn 1916 – ất Sửu 1985) Nhà thơ lớn của thời đại, nhà lý luận phê bình, tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê làng Trảo Nha, nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh trưởng tại quê mẹ ở làng Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ, ông học ở Qui Nhơn, sau ra Huế theo hết Trung học, thi đậu Tú tài năm 1940. Xuân Diệu có thời gian làm viên chức ở Sở Thương chánh, nhưng lại quá say mê viết văn, làm thơ đăng báo, tài năng văn chương sớm bộc lộ nên nhanh chóng nổi tiếng. Năm 1943, ông thôi việc ở Sở Thương chánh, ra Hà Nội sinh sống. Năm 1944 ông tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia công tác cách mạng trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm Thư ký tạp chí Tiền Phong của Hội. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông từng trải qua các chức vụ: Đại biểu Quốc hội khoá I (từ1946 đến1960), Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên BCH hội Hữu nghị Việt Xô; năm 1983, ông được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa dân chủ Đức. Do công lao đóng góp cho cách mạng và nền văn hóa Việt Nam, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quí khác. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông mất tại Hà Nội năm 1985, thọ 69 tuổi. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới, nhà thơ Tình nổi tiếng được mọi giới chấp nhận, là nhà thơ lớn của nền văn học văn hóa Việt Nam hiện đại. Xin giới thiệu bài thơ “Mùa thi” ông viết năm 1934 để hiểu thêm về thơ ông: “Thơ ta hơ hớ chưa chồng, Ta yêu, muốn cưới, mà không thì giờ: Mùa thi sắp tới! Em thơ, Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau”. Ông để lại các tác phẩm chính: Thơ thơ, Phấn thông vàng, Gửi hương cho gió, Mài sắt nên kim, Thơ văn Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Hội nghị non sông, Ngọn quốc kỳ, Riêng chung, Một khối hồng, Mũi Cà Mau, Cầm tay… Thơ và từ Đào Tấn… tổng cộng ông để lại gần 50 cuốn sách các loại. Xóm nhà văn Việt Nam hiện đại tại Huế nằm cạnh đường này.

Xem thêm:   Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu (2 Dàn ý + 7 mẫu) Từ ấy của Tố Hữu

Related Posts