Xuân Diệu và dòng truyện ngắn trữ tình

Vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (1917-2007), tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo về Xuân Diệu. Gần 30 tham luận của các nhà văn, các nhà khoa học đã khẳng định những đóng góp to lớn về nhiều mặt của nhà thơ đối với nền văn học dân tộc.<?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office” />

Xuân Diệu là một tác giả lớn trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại với một phong cách riêng đặc sắc. Trước và sau năm 1954, Xuân Diệu đều có những đóng góp lớn đối với nền văn học nước nhà. Xuân Diệu đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị lâu dài về nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình, dịch thuật…Với nhà thơ tài năng này, ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành tựu, in đậm dấu ấn riêng. Trong sáng tác của Xuân Diệu các thể loại hòa quện, khó tách bạch. Trong văn xuôi giàu chất thơ, trong thơ giàu chất sinh động của hiện thực đời sống, trong nghiên cứu phê bình tinh tế tài hoa mà không kém phần sắc sảo. Nói như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh: “…Tôi không muốn tách biệt văn Xuân Diệu với thơ Xuân Diệu. Văn hay thơ thì vẫn là hình ảnh phập phồng nóng hổi của một trái tim đắm say sự sống, mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu”. Phải chăng đó cũng là ưu thế, là điểm mạnh đối với những tài năng đa dạng như Xuân Diệu? Xuân Diệu đến với văn xuôi từ rất sớm. Năm 1939, tập hợp các truyện ngắn đã đăng trên báo Ngày nay, Xuân Diệu cho xuất bản tập truyện Phấn thông vàng. Đến năm 1945 cùng với tập thơ Gửi hương cho gió, Xuân Diệu cho ra đời tập văn xuôi Trường ca. Đặc điểm nổi bật trong văn xuôi của Xuân Diệu thời kỳ này là tính trữ tình lãng mạn. Những trang văn thật đẹp với những câu văn, những hình ảnh được trau chuốt, gọt giũa kỹ càng. Câu văn giàu nhạc điệu, không sa vào biền ngẫu song lại luôn tạo được âm hưởng riêng. Chất thơ thấm đẫm trên những trang văn xuôi của Xuân Diệu. Có thể coi tập Trường ca như một kiểu thơ văn xuôi. Trong văn xuôi trước Cách mạng, Xuân Diệu đã sớm hình thành một giọng điệu riêng, tinh tế, tự nhiên, mượt mà, pha chút buồn duyên dáng. Văn xuôi trong Phấn thông vàng và Trường ca dường như là sự nối dài, mở rộng những ý tưởng mà ông đã từng gửi gắm, từng nói đến trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Có thể dễ dàng tìm thấy trong văn xuôi những hình ảnh, những tư tưởng nghệ thuật mà Xuân Diệu đã nhiều lần nói tới trong thơ. Ở văn xuôi, với những đặc trưng riêng của thể loại, Xuân Diệu đã giãi bày được đầy đủ, rõ ràng và đậm nét hơn những quan niệm về tình yêu, con người và cuộc sống. Bao trùm lên những trang văn của Xuân Diệu là niềm khát khao gắn bó với cuộc sống, là một tình yêu đắm say không giới hạn. Truyện ngắn Thu của ông có lẽ gần với đoản văn hoặc tùy bút hơn. Đó là một giọng văn đầy lãng mạn, man mác chất thơ với những cảm nhận bay bổng. Không khí và hương vị của tình yêu bảng lảng khắp trong đất trời, trong cảnh sắc thiên nhiên và cỏ cây hoa lá. Chúng ta gặp lại ở đây một con người có trái tim yêu da diết, yêu đến hết và yêu đến chết. Như chính Xuân Diệu từng thú nhận: “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá – Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì”. Phấn thông vàng là chuyện về một chàng có tâm hồn lãng mạn v nhạy cảm. Trên bước đường lang thang của mình, chàng hoạ sỹ bất chợt gặp một cảnh rừng thông với sắc vàng “không rực rỡ nhưng nguy nga” đẹp đến mê hồn. Chàng họa sỹ là người đã từng yêu, mà yêu không phải ít, tới ba lần, nhưng rồi kết cục lần nào cũng gặp đau khổ. Là họa sỹ, nhưng trong hồn chàng lại trú ngụ sẵn một hồn thơ nữa. Vì thế, cái tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối ấy đã sầu đau biết bao khi gặp thất bại trên tình trường. Và buổi chiều hôm ấy, may mắn thay, chàng đã gặp được một “rừng thông đang yêu”. Chàng đã mở lòng mình để nhận lấy “bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng”. Bút pháp trữ tình lãng mạn của Xuân Diệu tập trung cao độ ở truyện ngắn này. Một mảng đề tài nữa mà Xuân Diệu hướng tới là số phận của những con người nhỏ bé, cam chịu và nghèo khổ. Ở mảng đề tài này, văn xuôi Xuân Diệu có nhiều đóng góp thiết thực hơn. Kiếp người lầm than đang lay lắt trong cảnh đói nghèo tủi nhục được Xuân Diệu thể hiện khá rõ trong truyện Thương vay. Đây là loại truyện không có cốt truyện, giống như một tùy bút tâm tình, hay gọi theo cách của tác giả là “truyện ý tưởng”. Hình ảnh bà lão nhà quê nghèo khổ nhập nhòa trong bóng tối chỉ là một cái cớ để tác giả có dịp bộc lộ những suy nghĩ về tình cảm của mình: “…Một người bằng thịt bằng xương – thịt khô và xương gầy – với một lịch sử chắc chắn khổ sở hết chín phần mười, với chút sống còn sót giữa lòng, như hòn lửa nhỏ còn lấp dưới tro… Bao giờ lòng thương lại chẳng có duyên cớ ở trên cái đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này…”. Trong Tỏa nhị kiều tác giả lại hướng ngòi bút của mình vào một cảnh ngộ khác. Đó là số phận mờ nhạt của hai chị em sống ở đất Hà Thành. Họ sống đấy mà như không hề có mặt trên đời. Bao bọc chung quanh họ là một không khí tù đọng, tẻ nhạt, “Không ánh nắng, chẳng hương người”. Cả cuộc đời của hai cô gái chỉ là những buổi chiều dài vô vọng nối tiếp nhau, lẫn trong mù sương. Ở đây, người viết tách ra khỏi nhân vật, xem nhân vật là đối tượng quan sát, còn tâm tình, cảm nghĩ của người viết là khúc xạ, là kết quả những âm vang toát ra từ hai cuộc đời lỡ nhịp, tẻ nhạt. Xuân Diệu viết văn như làm thơ. Cốt truyện chỉ như cái cớ khơi gợi và mở ra những hướng liên hệ, suy tưởng. Truyện ngắn của ông luôn có một dòng cảm nghĩ trôi chảy như con suối nhỏ róc rách đem đến sự trong trẻo, tươi mát trong tác phẩm. Điều ông quan tâm là sự tự bộc lộ và giãi bày tâm trạng. Những trạng thái tâm hồn thay thế cho các sự kiện, biến cố ly kỳ của truyện tự sự thông thường. Điều này đã làm biến đổi chủ thể sáng tạo để biến người viết văn xuôi trở thành một thi sỹ trong khả năng cảm nhận và tự thể hiện mình. Một số truyện ngắn như Đứa ăn mày, Chó mèo hoang, Cái hỏa lò… cũng thể hiện sự hoà cảm xót xa với những kiếp người lầm than đang vất vả trong cảnh sống tối tăm, bị đời hắt hủi và khinh rẻ. Cái hỏa lò gần như là một tự truyện về tuổi thơ của Xuân Diệu. Cảnh nghèo túng, thua thiệt và những ngang trái trong kiếp lẽ mọn của người mẹ đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc đời Xuân Diệu, khiến ông sớm già dặn, sâu sắc và dễ đồng cảm với những phận người nhỏ bé khi bước vào đời. Có thể nói, hai tập Phấn thông vàng và Trường ca của Xuân Diệu đã góp cho văn đàn Việt Nam những truyện ngắn mang hương sắc riêng, những truyện không có chuyện mà chan chứa chất thơ.

Xem thêm:   Những câu nói, trích dẫn hay nhất về đam mê và ước mơ

PGs.Ts Lưu Khánh Thơ

Related Posts