Lãng mạn Tản Đà

Tản Đà (1889-1939) vào văn chương ở buổi cũ mới giao nhau. Thơ cũ không còn đủ để chứa tình ý của ông. Còn cái mới, thì ông phải tự tìm lấy. Bỗng nhiên, Tản Đà thành người tự do, không bị khuôn khổ nào câu thúc, cả về hình thức lẫn nội dung. Thơ văn ông lắm lối, lắm loại. Khi thì ông phân biệt chúng bằng hình thức: hát nói, hát xẩm, ca lý, tứ tuyệt, bát cú, yết hậu, lục bát, tứ lục, trường đoản, từ khúc, trường thiên… Khi thì bằng nội dung: Tản Đà tập Kiều, Tản Đà thù tiếp, Tản Đà thơ họa. Lại có thứ gọi là Tản Đà thơ vặt, Tản Đà xuân sắc. Phân biệt lắm thứ như thế chính vì chưa quan tâm đến sự phân biệt. Tản Đà làm thơ như chỉ vì mình, cho nên thơ ông được nhiều người thích ở sự thành thật, hồn nhiên. Thơ như nói, nói như chơi mà thấm thía nhân tình.

Biên độ thơ Tản Đà rất rộng, hình thức đủ loại đã đành mà nội dung lại còn phong phú: Dân ca liền với triết học, cổ điển đấy mà cũng lãng mạn đấy, trào phúng liền ngay với trữ tình, cụ thể như phóng sự lại điểm xuyết những nét thật tiêu tao trữ tình… Nhiều khi câu, chữ như dùng sẵn của người xưa nhưng cái chất chứa bên trong lại rất Tản Đà, cứ như ông thổi sinh khí vào tượng đất cho nó thành người biết ứa nước mắt.

Cái mới rõ nhất ở Tản Đà là sự hồn nhiên, tự nhiên. Không có hàng rào câu nệ nào ngăn cách giữa điều ông viết ra với điều ông cảm nghĩ. Ông làm thơ như hít thở. Thấy thế thì viết thế. Tản Đà có thể bất đắc chí về danh phận nhưng ông lại đắc ý về tài năng: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất“, đắc ý về cách sống, cách làm thơ: “Tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng“. Ông còn kể chuyện được trời mời lên đọc thơ, cả triều đình nhà Trời đều xuýt xoa mê thơ Tản Đà: “Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay” và “Chư tiên ao ước, tranh nhau dặn:/ Anh gánh lên đây bán chợ Trời!“. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu hoa. Đang lo văn ế, thơ hạ giá ở trần gian.

Bao nhiêu củi nước mới thành văn,

Được bán văn ra chết mấy lần:

Ông chủ nhà in, in đã đắt

Lại ông hàng sách mấy mươi phân!

(Lo văn ế)

Bây giờ được trọng dụng ở xứ Trời, thì “đã” quá. Nhưng rồi cũng đến lúc phải về. Tản Đà tỉnh mộng và ngậm ngùi:

Tiếng gà xao xác tiếng người dậy

Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi

(Hầu Trời)

Chuyện mộng mà ông viết thật quá bởi ông dám nói thật cái mộng của lòng ông. Người đời, văn chương với cuộc sống thường hay cách bức. Tản Đà không thế. Thơ là đời ông, là việc hằng ngày của ông, là nơi trò chuyện của ông. Ông không mỹ lệ hóa đời cũng không thần bí hóa thơ mà cũng chẳng màu mè vờ vĩnh. Đắc ý thì nói đắc ý. Buồn thì nói buồn. Cái gò bó xưa bị phá mà cái gò bó mới chưa hình thành. Ở buổi giao thời, nhiều khi văn học lại gặp thế thuận cho những cách tân là vậy. Dám bộc lộ hết mình trong văn chương không phải thời nào cũng có. Không dễ đâu, thời ấy, Phạm Quỳnh đã cảnh cáo Tản Đà: “Người ta, phi người cuồng, không ai dám trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem thân thế mình mà làm chuyện cho người đời xem“. Phạm Quỳnh đại diện cho thời cất giấu cá nhân, cá nhân lẫn vào trong bầy đàn. Người ta tả được loài cừu nhưng không ai nhớ được mặt một con cừu. Cái mặt cừu người ta tả là mặt của cả loài cừu. Tản Đà đã dám chiềng cái mặt (của tâm hồn) mình ra giữa cái buổi còn lòa nhòa nhân ảnh ấy nên bị lớp người cũ phản ứng. Có điều mừng là ông đã được xã hội chấp nhận. Xã hội đã phát triển đến giai đoạn chấp nhận được từng cá thể. Bối cảnh xã hội, bối cảnh dân trí thời ấy đã cho phép Tản Đà bộc lộ được hết mình. Điều mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa có. Các cụ chỉ bộc lộ được từng nét khi tỉnh rượu lúc tàn canh. Các cụ mới có từng yếu tố lãng mạn chứ chưa có chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn lấy cá thể làm nền tảng, quan tâm chăm chút cái tôi, cái mà Phạm Quỳnh kêu là trần truồng ấy. Tản Đà lãng mạn trên “cái tôi ngông”, cái tôi đòi quyền tồn tại của mình chưa được thì phải ngông, phải ngạo. Ngông ngạo là lãng mạn trong cái khung của hiện thực. Lãng mạn cao hơn là ra ngoài cõi thực. Tản Đà cũng đã có chất lãng mạn đó. Và đấy là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà: Nhớ mộng, Tống biệt, Nói với ảnh, Nói với bóng

Xem thêm:   Cuốn sách: Những tấm lòng cao cả (Edmondo De Amicis)

Tản Đà vốn có một cốt cách lãng mạn. Tế Chiêu Quân là lãng mạn, là tài tử tài tình gặp nhau dù khác thời khác thế. Tịch cốc để tìm sang cõi khác là lãng mạn. Coi mình như anh xẩm mù để không thấy ai là lãng mạn. Không thấy cả mình nữa. “Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế” cũng là lãng mạn. Lên tiên, gặp Trời, gửi tình nhân không biết không quen đều là chuyện ngoài cõi thực. Hồn mơ mộng, thơ hiu hắt, tình điệu âm u. Cõi u uẩn của lòng người, cao thấp sang hèn gì, đều dám phơi trên mặt giấy, gợi thương gợi buồn, gợi cảm thông. Bài thơ Tống biệt, từ âm điệu đến hình ảnh đều nói được cái dùng dằng của khách trần lưu luyến động tiên, khát thèm mộng ảo:

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Bài Nhớ mộng mở đầu như một sự giác ngộ: Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi. Nhưng tỉnh lại thấy không bằng mộng:

Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng

Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời

Hai câu thơ này còn là cái lãng mạn trong chủ nghĩa cổ điển. Nó mực thước và là tổng kết chung cái cõi đời bức tranh vân cẩu, thế thôi. Cái chỗ hé ra nỗi niềm Tản Đà lại ở câu: “Những lúc canh gà ba cốc rượu” và “Mộng cũ, mê đường biết hỏi ai“. Hàn Mặc Tử chênh Tản Đà độ mươi năm sau đã viết: “Nằm gắng cũng không thành mộng được“. Tản Đà có lối vào bài thơ thật tự nhiên:

Xem thêm:   - Đề 2: Câu chuyện về một giấc mơ đẹp cho bạn nghèo. Giúp em với hôm nay em phải nộp rồi, chỉ làm dàn bài thôi ạ

– Ngồi buồn bỗng nhớ chị hàng cau

– Chiều mát ngồi xem đứa thả câu

– Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi

Viết như không mục đích. Viết, nhớ, xem… để khuây khỏa nhu cầu của lòng mình, để có việc mà làm, để khỏi chống chếnh vì nỗi hết thú chơi ở cõi đời:

Trông khắp trần gian hết thú chơi

Thèm trông con hạc nó lên trời

(Trông hạc bay)

Thèm trông con hạc, còn thèm trông cả đường bay của nó: Nó lên trời. Ghẹo thì ghẹo người vu vơ:

Muốn nói chuyện chơi, không có chuyện

– Kìa đàn con sáo nó sang sông

(Ghẹo người vu vơ)

Kia con sáo sang sông! Đúng là nói cho có chuyện!

Tản Đà còn than với chị Hằng: “Trần thế em nay chán nửa rồi”, muốn chuyển hộ khẩu lên đó:

Cung quế có ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhấc lên chơi.

(Muốn làm thằng Cuội)

Tản Đà có những câu chán đời như thế. Nhưng cốt lõi ông lại ham chơi, ham sống, ham bè bạn, chịu thất thiệt để chơi, để bạn bè:

Quê hương thời có cửa nhà thời không

Nửa đời Nam Bắc Tây Đông

Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.

(Thú ăn chơi)

Mỗi lần nói đến cái chết, dù lúc đang đùa, câu thơ Tản Đà vẫn cứ lạng đi, xa vắng lắm. Nói với bóng:

Còn ta bóng nỡ nào đi

Ta đi, bóng có ở chi cõi trần?

(Nói chuyện với bóng)

Nói với mùa xuân:

Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế

Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm

Xem thêm:   Tranh tô màu cô bé quàng khăn đỏ ngộ nghĩnh và dễ thương Update 01/2024

(Gặp xuân)

Tản Đà có một hồn thi sĩ thứ thiệt. Có cảm hứng là ông viết. Có khi rất thực thà:

Hôm qua chửa có tiền nhà

Suốt đêm, thơ nghĩ chẳng ra câu nào!

Đi ra, rồi lại đi vào

Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ!

Tiền nhà nay đã đóng rồi

Ta pha ấm nước, ta ngồi ngâm nga

Bây giờ, thơ mới nghĩ ra

Hồn thơ quanh quất bút hoa đêm trường.

(Ngẫu hứng)

Thân xác bài thơ này đúng là hiện thực. Thực sự kiện, tình huống, mà cũng có vẻ thực cả tâm lý nữa: Trả xong nợ, nó nhẹ người nên lại dạt dào thi hứng, chứ sao? Nhưng cốt cách tâm hồn của người làm bài thơ này lại lãng mạn. Có lãng mạn nên chỉ một việc cỏn con của đời thực đã làm đảo lộn cả tâm trí. Có thế người đời mới trìu mến nhìn ông nhà thơ như nhìn một thứ ngơ ngơ, dở người. Tản Đà hiện thực khi nào cái thực đánh rất đau vào cái mộng, vào tâm trí nhân ái:

Năm hào một đứa trẻ lên sáu

Cha còn sống đó, con bồ côi

Tiền có 5 mà trẻ lên 6, ấn tượng con số gây nên sự rẻ rúng của phận người năm lụt lội đói kém. Chi tiết như tân văn, chính xác, cụ thể. Và cõi lòng thì bao nhiêu xa xót. Tản Đà còn “hiện thực” đến mức dùng thơ làm quảng cáo, rạch ròi giá cả, khuyến mãi, cổ động, đủ cả:

… Còn như tiền đặt quẻ

Nhiều năm (5đ) ít có ba (3đ)

Nhiều ít tùy ở khách

Hậu bạc kể chi mà.

Kính báo.

Bài thơ có 18 dòng, nếu kể cả dòng Kính báo là 19. Không có câu nào tả tình, tả cảnh cả. Riêng câu cuối có thể là có tình nhưng cũng là cái tình để quảng cáo. Bài thơ này đọc thấy buồn cười, cười mà ứa nước mắt. Cười vì nó thực đến thực dụng, còn ứa nước mắt vì nó cho thấy tình thế ông Tản Đà. Ông như con hải âu có sải cánh dài đủ sức làm ông hoàng ở bầu trời, nhưng khi chưa phải bước chân lên mặt đất thì đôi cánh (lãng mạn) kia càng dài ông càng vướng víu, chuệnh choạng (Chim hải âu – thơ Bôđơle). Tâm hồn của Tản Đà không lãng mạn thì không có bài thơ này. Trí tuệ ấy, sự lịch lãm ấy có nhiều cách để kiếm sống no đủ, đâu phải làm nghề mạt: đoán lý số hà lạc. Cho nên đọc Tản Đà thấy hiện thực thì đấy chỉ là đôi nét đời. Còn lãng mạn thì lại là cả cõi lòng. Thơ Tản Đà đồng hành được với mọi thời là vì thế.

Vũ Quần Phương

(Nguồn: 30 tác giả văn chương)

Related Posts