Ly kì câu chuyện danh thần Nguyễn Trãi hai lần được minh oan

Hữu Châu gặp tai nạn trước ngày vào vai Nguyễn Trãi

Câu chuyện hai lần minh oan cho danh thần Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc vĩ đại, bậc danh thần hàng đầu của nhà Lê cho đến nay vẫn là một trong những câu chuyện ly kỳ của dòng lịch sử.

Xin bắt đầu câu chuyện ở thời điểm năm Nhâm Tuất 1442.

Đây có lẽ là một năm đặc biệt nhất ở vào thời Lê sơ khi những sự kiện xảy ra vào năm đó ít nhiều đều có ảnh hưởng cho những năm cầm quyền sau đó của vua quan nhà Lê. Năm đó vua Lê Thái Tông- vị vua thứ hai của nhà Lê bất ngờ băng hà khi mới 20 tuổi với hệ quả vụ án Lệ Chi viên. Cũng năm đó một người con trai của vua, hoàng tử Lê Tư Thành ra đời, người sau này sẽ trở thành vua Lê Thánh Tông.

Cùng trong năm 1442, nhà Lê mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên chọn người tài ra giúp nước. Khoa thi này chính thức đánh dấu sự trở lại lần cuối cùng của Nguyễn Trãi với triều đình nhà Lê sau thời gian dài ông bị thất sủng. Kỳ thi này được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch và Nguyễn Trãi ngồi ghế chánh khảo.

Chỉ 6 tháng sau đó, xảy ra vụ án Lệ Chi viên và Nguyễn Trãi – vị khai quốc công thần hàng đầu của nhà Lê cùng gia quyến phải nhận án tru di tam tộc. Nhà Lê khi đó đã vội vã thi hành bản án với Nguyễn Trãi và toàn thể gia quyến, kể cả bên vợ của ông, vào ngày 16/8 năm Nhâm Tuất- tức ngày 19/9/1442 tại pháp trường ở khu vực phía Nam thành Thăng Long.

Lệ Chi viên là một trong những vụ án oan nghiệt nhất không chỉ trong thời Lê mà còn suốt chiều dài chế độ quân chủ ở Việt Nam. Xung quanh vụ án này đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được làm rõ.

Nhưng trên hết có một điều đã khá rõ ràng, ngay sau khi vụ án xảy ra.

Đó là danh thần Nguyễn Trãi bị hàm oan.

Xem thêm:   Những câu nói hay của các nhà văn nổi tiếng

Lần đầu tiên triều đình nhà Lê công nhận nỗi oan đó của Nguyễn Trãi – người lúc này được triều đình gọi bằng cái tên Lê Trãi do được ban quốc tính của vua Lê Thái Tổ như một đặc ân ghi nhân công lao trong sự nghiệp bình Ngô- là vào năm 1453, nghĩa là 11 năm sau vụ án.

Vào năm đó vua Lê Nhân Tông- người anh cùng cha khác mẹ với hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này) nhân một dịp xét duyệt lại sách vở trong văn khố triều đình tình cờ được tiếp cận bản văn một cuốn sách đã phủ đầy bụi vì lâu không ai đụng tới. Đó là cuốn Dư địa chí nổi tiếng của Nguyễn Trãi.

Vua đã thốt lên sau khi được nghe quần thần tường trình lại vụ việc: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình… không may bị người đàn bà (tức hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh- một trong các người vợ của vua Lê Thái Tông-PV) gây biến, để người lương thiện mắc tội rất là đáng thương”.

Nhưng sự việc cũng chỉ dừng lại đó.

Dòng thời gian trôi đi. Nhưng bàn tay không thể che nổi mặt trời. Nỗi oan khuất của người anh hùng dân tộc vĩ đại dần được sáng tỏ, cho dẫu vẫn phải chờ đợi.

Đền thờ danh thần Nguyễn Trãi

Năm 1464- năm Quang Thuận thứ 5, vua Lê Thánh Tông khi đó tuy vẫn phải một tay lo dọn dẹp những bê bối triều chính từ mấy đời vua trước mà cũng chính là những người anh máu mủ của ông để lại đã bắt tay vào việc mở mang dòng thịnh trị dưới triều đại của ông. Một trong những động tác khiến nhà vua đi vào lịch sử chính là xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi- người mà ông và bà mẹ, hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao chịu ơn cứu mạng.

Tiếc rằng nguyên văn của bản chiếu này hiện chưa tìm lại được. Nhưng những nội dung quan trọng nhất được sử đương thời và hậu thế chép lại. Văn bản này được ban hành ở cấp độ cao nhất chính thức chiêu tuyết cho tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc vĩ đại bằng việc truy tặng ông tước Tán trù bá, ban cho một con trai Nguyễn Trãi được biết còn sống sót và ra trình diện triều đình sau thảm án Lệ Chi viên là Nguyễn Anh Vũ chức huyện quan.

Xem thêm:   Cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng nó bấp bênh, dễ nhàm chán lắm!

Sau đó, Lê Thánh Tông ban hành lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Nhờ đó mà một phần quan trọng các di sản văn hóa của Nguyễn Trãi còn tồn tại đến ngày nay.

Đáng chú ý nhất là cùng với văn bản mang tính pháp lý cao nhất của triều đình khi đó, trong bài thơ thất ngôn bát cú “Quân minh thần lương” (Vua sáng tôi hiền), đích thân vua Lê Thánh Tông đã hạ bút viết về Nguyễn Trãi bằng một câu thơ tuyệt tác như một đánh giá của muôn đời cho tên tuổi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) rạng toả văn chương).

Thêm nữa là cũng trong bài thơ trên, Nguyễn Trãi là một trong những vị khai quốc công thần hiếm hoi của nhà Lê được “điểm danh” sau Lê Thái Tổ cũng như việc Lê Thánh Tông tự nhận vai vế của mình với Nguyễn Trãi là“Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự” (Cháu hiếu Hồng Đức (Thánh Tông) kế thừa nghiệp lớn).

Ở thời quân chủ khi ấy, những động thái như trên của vua Lê Thánh Tông quả là rất hiếm hoi mà cũng hết sức sáng suốt.

Nhưng lại vẫn còn có chuyện.

Ấy là tước mà vua Lê Thánh Tông truy ban cho Nguyễn Trãi chỉ là tước bá (Tán trù bá), thấp hơn một bậc do ông nội vua- tức vua Lê Thái Tổ ban cho Nguyễn Trãi là tước hầu (Quan phục hầu).

Câu hỏi đặt ra là ở vào cương vị người đứng đầu cả một triều đình với đầy đủ quyền lực, với độ sáng suốt tột đỉnh đương thời, lại mang tình cảm cá nhân với Nguyễn Trãi, vì sao vua Lê Thánh Tông lại không thực hiện được việc phục hồi nguyên chức tước sinh thời của Nguyễn Trãi.

Xem thêm:   1001+ trò chơi dân gian đặc sắc Việt Nam dành cho người lớn, trẻ em

Câu hỏi này sau gần 600 năm hiện cũng chưa có câu trả lời thoả đáng. Có thể hiểu rằng, khi ban chức Tán trù bá cho Nguyễn Trãi cùng việc rửa sạch oan khiên cho Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông hoặc là còn cảm thấy chưa đủ cơ sở pháp lý hoặc là vẫn phải chịu một sức ép có thể nói là không nhỏ nào đó chăng?

Nỗi oan của người anh hùng Nguyễn Trãi phải đợi thêm 48 năm nữa.

70 năm sau vụ án Lệ Chi viên, một vị vua khác của nhà Lê, đồng thời là cháu nội của vua Lê Thánh Tông đã hoàn thành trọn vẹn việc minh oan cho Nguyễn Trãi. Đó là vua Lê Tương Dực.

Trong bài “Chế phong tặng Lê Trãi tước Tế văn hầu” ban hành năm 1512, vua Lê Tương Dực gói gọn nỗi hàm oan của bậc tiền nhân: “Tuy biết rằng thời mệnh khôn cùng, khó lường huyền lý! Nhưng huân tích sự nghiệp của ông đã được chép vĩnh viễn trong sử sách, và cũng ghi đầy đủ tại đan thư”.

Cũng tại bài chế này, vua Lê Tương Dực nêu rõ sau khi cân nhắc đặc biệt, vua khả phong cho Nguyễn Trãi tước Tế văn hầu như vua đánh giá “để làm sáng tỏ tài thực học của một bậc kinh bang tế thế một thời”.

Có thể nói hậu thế xem bài chế của vua Lê Tương Dực không chỉ như một động thái minh oan trọn vẹn cho cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi mà tước Tế văn hầu là đúng đắn nhất, chính xác nhất với tài năng, cống hiến của Nguyễn Trãi khi “lấy văn chương để kinh bang tế thế”.

Một tiểu thuyết gia Pháp, sống sau Nguyễn Trãi 5 thế kỷ, nữ văn sĩ Yveline Feray trong cuốn “Vạn Xuân” viết thế này: “Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của bậc vĩ nhân sống trong một xã hội quá bé nhỏ”.

Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, 60 năm trước viết rằng, ca ngợi sự nghiệp của Nguyễn Trãi, chúng ta cũng đã rửa sạch nỗi hàm oan của Nguyễn Trãi.

Related Posts