Nhà thơ Huy Cận và những “mùa thơ” ở Vùng mỏ

Nhà thơ Huy Cận đã trực tiếp dẫn đầu đoàn văn nghệ sĩ xuống thực tế ở Vùng mỏ. Bởi vậy, Vùng mỏ không chỉ in đậm trong tâm trí Huy Cận mà còn xuất hiện nhiều trong các sáng tác của ông.

Nhà thơ Huy Cận thời trẻ. Ảnh tư liệu của gia đình nhà thơ.

Năm 1958, Trung ương có chủ trương đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, cùng sống với người lao động để hiểu và viết về họ. Bộ Văn hóa tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ về Vùng mỏ. Nhà thơ Huy Cận, khi đó đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ, làm Trưởng đoàn. Trong cuốn “Hồi ký song đôi”, nhà thơ Huy Cận viết: “Giữa tháng 8, tôi về nhà bác Dậu. Bác Dậu đã có tuổi nhưng cũng còn làm việc ở trong một xưởng của mỏ, còn hai người con trai của anh Hưng và anh Hợp đang tuổi trai tráng làm công nhân cuốc than vào loại có năng suất cao, em gái tên là Gái thì làm công nhân xúc than ở trong nhà sàng than. Còn người anh cả thì làm công tác bảo vệ mỏ Đèo Nai, vợ anh cũng là công nhân ở trong nhà sàng than. Tôi ăn ở nhà bác Dậu, hoàn toàn như người trong gia đình, cùng ăn cơm với gia đình, không có gì là thức ăn làm riêng cho tôi, và ngủ thì tôi ngủ chung giường với anh Hợp”.

Nhà thơ Huy Cận được bố trí làm việc trên tầng mỏ Đèo Nai cùng với con bác Dậu. Không dừng ở mức độ tham quan, tìm hiểu thực tế kiểu đứng ngoài cuộc quan sát thợ mỏ nữa, Huy Cận làm một công nhân mỏ thực thụ. Nhà thơ viết tiếp trong cuốn hồi ký của mình: “Tôi được bố trí làm công nhân cuốc than cùng một tổ với anh Hợp, cứ mỗi buổi sáng hai anh em lại ăn sáng thật sớm rồi ra bến xe ở gần xưởng cơ khí để xe cam nhông chở chúng tôi lên tầng than Đèo Nai. Xe thì cao tôi thì thấp, leo lên thành xe cũng khá vất vả nhưng mấy ngày là quen dần. Đứng trên xe khá chật, nên dù xe lên đèo có lúc lắc nhiều, nhưng cũng không phải chao đảo lắm, và cũng không chóng mặt. Tôi lại còn cái thú là đứng trên xe nhìn xuống thị xã Cẩm Phả rất đẹp với những mái ngói đỏ chêm giữa những lùm cây xanh tốt, và xa xa ngoài kia là vịnh Bái Tử Long. Con đường đi lên đèo hơi dốc, nhìn ra cảnh mấy phía đều ngoạn mục, nhất là lúc đó đã vào mùa thu, nắng hanh vàng rất đẹp”.

Xem thêm:   Hay Là... Mình Về Hà Nội Để Thương Nhau - Tâm sự của Sách

Thời gian này, báo Nhân Dân đã đăng nhiều bài thơ của ông viết về Vùng mỏ. Có số báo còn đăng bức ảnh nhà thơ Huy Cận đang cuốc than trên tầng Đèo Nai. Tiếc rằng, đến nay, ở Quảng Ninh chưa tìm được bức ảnh này.

Vốn không phải là người lao động chân tay, nhà thơ được đánh giá là có sức lao động trung bình. Ông kể lại trong hồi ký: “Mấy ngày đầu tôi xúc than chưa quen, cứ lấy hết sức hai tay mà nâng cái xẻng to đầy than cho than lên goòng, khá mệt. Nhưng sau đó tôi đã bắt chước các anh chị công nhân lấy bắp đùi làm điểm tựa mà hất cái xẻng than vào goòng thì vừa nhẹ, vừa nhanh, năng suất khá cao. Tất nhiên là vẫn còn mệt, và mặc dù mùa thu đã se lạnh, mà vẫn toát mồ hôi. Nhưng chỉ hơn một tuần là tôi đã thạo công việc xúc than, có thể nói là cái nghề xúc than của tôi. Và cuối tháng, họp trong tổ công nhân, mặc dù tôi không ăn lương của mỏ, nhưng cũng được xếp hạng vào loại công nhân có năng suất trung bình, nghĩa là ăn lương tháng 70 đồng”.

Những tháng ngày ấy nhà thơ lãng mạn Huy Cận đã hiểu thêm về công nhân, gần gũi công nhân. Đối với nhà thơ Huy Cận, những bữa cơm ăn cùng thợ mỏ không thể nào quên được. Ông kể: “Tôi ăn những bữa cơm trưa trên Đèo Nai rất ngon và uống nước gạo rang trong cái thùng ở lán cũng rất ngon. Ăn trưa xong chúng tôi nghỉ một lát, không đủ thì giờ để ngủ trưa (nhưng thường ở nhà tôi vẫn ngủ 15-20 phút, chỉ ngồi dựa vào cái cột tre của lán thiu thiu một chốc). Đến 1 giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục ra vỉa than, người thì khao, người thì xúc”. Sự gần gũi với công nhân giúp nhà thơ Huy Cận có thêm tư liệu về cuộc đời của anh Tài Lạc, anh Phòng, bác Sự, bác Xướng, chị Bồi, chị Tâm, anh Hợp, bác Phở Cầu, anh Điều mù… theo cách gọi của ông. Đây là những tư liệu quý để ông sáng tác.

Xem thêm:   8 bộ phim Hàn có mô típ 'Hoàng tử và Lọ lem' hay nhất không thể bỏ lỡ

Trên tầng than, Huy Cận làm thơ và đọc thơ cho công nhân nghe, chép thơ tặng họ. Khi tập thơ ra mắt, Huy Cận về lại Vùng mỏ, đem theo một số cuốn tặng những người mà ông quý mến. Hàng loạt bài thơ của Huy Cận đã ra đời trong giai đoạn này như: “Anh Tài Lạc”, “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả”, “Bác Phở Cầu”, “Chuyện anh Phòng đấu tranh”, “Vệt lá trên than”, “Thu về trên Đèo Nai”, “Đoàn thuyền đánh cá”, “Sập lò Cái Đá”, “Tiếng sáo anh Điều mù”, “Mưa xuân trên biển”, “Một đêm thức trong mưa bão” v.v.. Có những bài ông viết ở nhà trọ, có bài viết ngay trên tầng than Đèo Nai. 15 bài thơ đầu tiên trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” xuất bản cuối năm 1958 ông viết về Vùng mỏ. Một số bài khác ông in ở tập thơ “Đất nở hoa” xuất bản năm 1960.

Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu đã đánh giá giai đoạn Huy Cận đi thực tế sáng tác ở Vùng mỏ là đã gặt hái được những “mùa thơ” mới. Còn nhà thơ Huy Cận thì khẳng định: “Tôi rất biết ơn Vùng mỏ, anh chị em công nhân mỏ đã gieo cho tôi và giúp tôi gặt “mùa thơ” mới mẩy hạt ấy”.

Huỳnh Đăng

Related Posts