“Giấy rách phải giữ lấy lề”: Phẩm cách mỗi người làm nên giá trị

Câu tục ngữ “giấy rách phải giữ lấy lề” mà chúng ta vẫn thường nghe có ngữ nghĩa biểu trưng, dùng để ví ai đó “dẫu có rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực đến mấy thì cũng phải giữ cho bằng được nền nếp, gia phong”.

Câu tục ngữ này có cấu trúc là một lời khuyên. Lời khuyên đơn giản, đúng theo nghĩa đen là: Phải giữ lấy lề của mỗi tờ giấy, ngay cả khi nó bị rách. Giấy là “vật liệu được làm thành tờ (thường bằng bột tre nứa, cán mỏng, tẩy trắng) dùng để viết, vẽ, in ấn hoặc để lau chùi”. Các em đi học, không thể thiếu giấy bút. Bút dùng để ghi chép mọi nội dung cần học trên mặt vở. Vở làm bằng những tờ giấy đóng thành tập.

Ai cũng biết, “lề” là khoảng giấy trắng chừa ra ở bên trái hoặc bên phải tờ giấy. Không ai viết hay vẽ tràn trang giấy mà phải để lại một khoảng trống nhất định, cho đẹp và để ghi chép thêm (dành cho thầy cô giáo phê bên cạnh khi chấm bài). Trong mỗi cuốn sách, quyển vở, lề là gốc. Dù thế nào thì lề vẫn là cái căn cốt cần phải gìn giữ.

“Giấy rách phải giữ lấy lề”: Phẩm cách mỗi người làm nên giá trị

Ảnh minh họa: TL

Dân gian đã sử dụng hiện tượng này để xây dựng nên một lời khuyên khác, xa hơn. Sự tình “giấy rách” kia được lấy để biểu trưng cho sự mất mát, khó khăn, khổ cực… của ai đó trong cuộc đời. Nhưng cũng giống như cái lề của tờ giấy, luôn được lưu giữ lại (để làm căn cứ, như cuống các cuốn hóa đơn, biên lai chẳng hạn), nhân cách, đạo đức, phẩm giá của mỗi người đều cần phải bảo toàn.

Xem thêm:   TRƯỜNG MẦM NON TÂN THÔNG HỘI 1

Không ai được vin vào hoàn cảnh “thất cơ lỡ vận”, cùng cực để có cuộc sống buông thả, thậm chí tha hóa, biến chất làm mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Phẩm cách mỗi người là cái quan trọng làm nên giá trị.

Với ý nghĩa như thế, câu tục ngữ này cùng nghĩa với câu “đói cho sạch, rách cho thơm” (Dù nghèo đói cũng phải giữ trọn nhân cách, không được tùy tiện làm điều nhơ nhuốc, xấu xa). Đó cũng là triết lý cuộc đời, là nét đẹp truyền thống mà cha ông ta đã tổng kết từ cả ngàn năm qua.

Chữ “lề” này còn làm chúng ta liên tưởng tới một “lề” khác, chỉ lề thói, lề lối, lề luật, nền nếp, phong tục tập quán tốt đẹp của một địa phương, một cộng đồng nào đó. Đất có lề, quê có thói, chỉ “phong tục, tập quán riêng của từng địa phương, vùng miền nào đấy, đòi hỏi mọi người phải hiểu và tôn trọng”.

Giấy dù có rách tả tơi Cái lề phải giữ cho đời tiếng thơm…

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

Related Posts