Đọt Chuối Non

Chào các bạn,

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là câu nói của Tôn Tử, chiến lược gia số 1 của thế giới (Chiến lược gia số 2 của thế giới là Clausewitz, nhưng Clausewitz chưa bằng học trò của Tôn Tử. Việt Nam thắng Pháp và Mỹ vì Việt Nam học Tôn Tử, Pháp và Mỹ học Clausewitz).

Đương nhiên là rất dễ hiểu. Nếu bạn biết bạn thế nào và biết đối thủ bạn thế nào thì đương nhiên là bạn thắng, nếu đối thủ bạn chỉ biết chính họ mà chẳng biết gì về bạn. Trong chiến trận, tướng hai bên phải biết con người của nhau, người nào biết rõ hơn thì thắng.

Nhưng làm sao để biết mình biết người?

Biết mình thì dễ hơn, vì mình thì biết mình.

Really? Mình thì biết mình?

Nếu bạn kiêu căng và ngu như bò thì bạn chẳng thể biết chính bạn, lúc nào bạn cũng tưởng mình giỏi, mình siêu, vì mình có 3 sao trên vai, và bạn chẳng biết mình ngu chỗ nào, yếu chỗ nào.

“Biết mình” là trí tuệ chỉ dành riêng cho người khiêm tốn. Bạn phải khiêm tốn, thấy mình yếu kém, nhỏ bé, nghèo hèn, thì bạn mới có thể biết chính mình. Nếu bạn không khiêm tốn, thì bạn biết zero về chính bạn. Đây là sự khác biệt giữa vĩ nhân và tiểu nhân.

Và làm sao để biết người?

Cùng một cách: Khiêm tốn. Nếu bạn nhìn đối thủ của bạn và đừng nghĩ “thằng này ngu”, mà kính trọng đối thủ và nghĩ: “Tên này có thể là thầy của mình. Nếu thầy mình mà làm chuyển động này, thì có nghĩa là gì?” Nếu bạn nhìn đối thủ cách đó, thì đối thủ không bao giờ qua mặt bạn được, vì dù hắn siêu cách mấy, bạn cũng nhận ra đường tính của hắn. Nếu hắn ngu thật thì đương nhiên bạn nhận ra đường tính của hắn ngay; nhưng nếu hắn siêu, có thể bạn cần mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng để nhận ra. Nhưng bạn sẽ nhận ra, vì bạn tập trung vào tìm hiểu “siêu nhân này đang tính đường gì?”

Xem thêm:   [BOOK REVIEW] NGƯỜI XA LẠ

Kết luận: Muốn biết mình thì cần khiêm tốn. Muốn biết người thì cần khiêm tốn.

Và các bạn đang nghe điều này từ mình – chiến binh cả đời, trên đường phố từ hổi 9, 10 tuổi, trong võ đường từ hổi 14, 15 tuổi, và trong tòa án từ khi thành luật sư.

Chúc các bạn thành chiến lược gia lỗi lạc.

Mến,

Hoành

© copyright 2019 Trần Đình Hoành Permitted for non-commercial use www.dotchuoinon.com

Related Posts