Vô Cùng Tàn Nhẫn, Vô Cùng Yêu Thương

Tác giả: Sara Imas. Dịch giả: Phạm Thị Thanh Vân

Thể loại: Sách hướng dẫn dạy con theo kiểu Do Thái

Bài viết này sẽ khá dài, không phải vì mình có nhiều điều để nói, mà vì mình sẽ trích dẫn rất nhiều từ sách. Diễn đạt lại bằng văn phong của mình thì không thể truyền tải chính xác giọng điệu của tác giả và tinh thần của cuốn sách. “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” được xuất bản đã lâu, trên thị trường đã có đến tập 3. Lúc mới thấy, mình bị thu hút bởi tựa sách, nhưng khi biết nó thuộc thể loại sách hướng dẫn dạy con thì mình mặc định nó không phải loại sách mình nên đọc / cần đọc. Cơ duyên đưa đẩy, vào một buổi trưa nhạt nắng tại hội sách Khuyến Học, mình cầm lên đọc thử và quyết định sẽ đọc, PHẢI ĐỌC cuốn này, không phải để dạy con, mà để tự dạy chính bản thân mình.

Trước giờ mình vốn có sự yêu thích mù quáng đối với tất cả những gì thuộc Do Thái, nào là họ đã thắng cuộc chiến gì đó trong vòng ba ngày ra sao; nào là họ đã sáng tạo ra hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng trong sa mạc và trồng nên loại cam Sunkiss rất ngon ra sao… Nhưng trong và sau khi đọc “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, mình chính thức u mê phương pháp giáo dục nói riêng và tư duy cuộc sống của người Do Thái nói chung. Mình cũng hiểu được tại sao một dân tộc lưu vong, cứ mãi than khóc trước bức tường cao ngất, không thể trở về quê hương mà lại sản sinh ra những con người lỗi lạc, ưu tú như thế.

Tóm tắt ngắn gọn những điều mình lĩnh hội được về cách dạy con theo kiểu Do Thái:

1. Không cưng chìu. Dù trẻ còn rất nhỏ nhưng cha mẹ đã áp dụng “kỷ luật quân đội”, hướng dẫn trẻ ăn uống đúng cách, không lãng phí, không làm mình làm mẩy. Nếu trẻ ham chơi mà rời khỏi bàn ăn, khi trở lại thì thức ăn đã hết, trẻ sẽ phải nhịn đói. Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mẹ hoặc bà cầm tô cơm đuổi theo đứa bé, ăn được vài muỗng tốn mấy tiếng đồng hồ, và người lớn còn lo đứa trẻ bị đói chứ không nghĩ rằng mình chìu chuộng như vậy là sai.

2. Hướng dẫn cho trẻ về tiền bạc từ khi còn rất nhỏ. Không phải đòi gì có nấy. Không phải cứ lăn đùng ra khóc trong siêu thị là người lớn sẽ xấu hổ với xung quanh mà đành mua theo sở thích của trẻ. Trẻ dưới 10 tuổi đã biết làm việc để kiếm tiền tiêu vặt, được dạy cách quản lý chi tiêu, trân trọng công sức của người khác và của chính mình.

.

3. Đối với các mong muốn, đòi hỏi của trẻ, người lớn không “thỏa mãn lập tức” mà sẽ “trì hoãn thỏa mãn”. Chi tiết ấn tượng với mình là khi cô con gái 16 tuổi của tác giả Sarah Imas ăn sinh nhật tại quán, cô ấy định kêu thêm ly nước cam nhưng người mẹ từ chối, lý do vì trên bàn đã có nước uống miễn phí của quán. Không phải là người mẹ không trả nổi hoặc quá keo kiệt với con, mà qua việc từ chối, bà đã khéo léo dạy con về cách xài tiền, cách quản lý bản thân và quản lý chi tiêu.

Xem thêm:   Hãy Chăm Sóc Mẹ

4. Trẻ em Do Thái được chỉ dạy làm việc nhà từ lúc 3~4 tuổi, đến 7 tuổi là có thể cầm dao cắt thực phẩm. Việc nhà không phải là việc của riêng phụ nữ, mà tất cả mọi NGƯỜI Do Thái đều phải biết làm việc nhà và nấu ăn, những điều này thuộc kỹ năng sinh tồn mà gia đình có trách nhiệm dạy cho con trẻ. Không có chuyện đến lúc vào ĐH mới mò mẫm tự nấu những bữa cơm đầu tiên hoặc bày bừa phòng ký túc xá thành một nơi người ngoài bước vào phải nhăn mặt. Đọc đến đoạn này, tự dưng mình nghĩ kết hôn với người Do Thái chắc sẽ là một niềm vui lớn và một thử thách còn lớn hơn gấp 10 lần.

Tác giả Sara Imas từng sống ở TQ, từng yêu thương con theo kiểu người TQ, hết lòng chìu chuộng nhưng không “dạy”, chỉ yêu thương mà không “tàn nhẫn”. Sau khi trở về Israel, được tiếp cận và chứng kiến nền văn hóa Do Thái, bà đã thay đổi hoàn toàn cách dạy con. Đọc những dòng bà viết về các đứa trẻ ‘chỉ được thương mà không được dạy’, mình giựt mình vì những dòng chữ đó miêu tả chính xác về mình. Mình hiểu rằng ba mẹ mình (và hàng triệu bậc cha mẹ Á Đông khác bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa) đều có cách dạy con hoàn toàn khác với người Do Thái, và xã hội vẫn tồn tại đó thôi. Tuy hơi tiếc rằng mình biết đến tư duy của người Do Thái hơi muộn, nhưng cũng không sao. Việc học không bao giờ là quá trễ, nếu không phải bây giờ thì là khi nào, mình sẽ áp dụng những kiến thức đó để self-teach, chưa biết có đạt được thành quả nào hay không nhưng ít ra mình cũng đã cố gắng.

Sau đây là những trích đoạn mà mình thấy hay và đã ghi chú lại từ cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”:

“Con cái của những bậc cha mẹ biết cách yêu thương con đều phát triển tốt trên mọi phương diện như: trẻ không có thói quen ăn bám cha mẹ, có tính độc lập cao, tư duy khoáng đạt, tự tin, có kỹ năng giải quyết các vấn đề, tâm lý chịu đựng tốt, biết giao tiếp ứng xử, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, dễ rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời trẻ cũng cảm thấy an toàn, không cần cha mẹ lo lắng quá nhiều, chúng tập trung vào việc phát triển bản thân và biết cách điều chỉnh tâm trạng của mình”.

Xem thêm:   Các định dạng tương thích của Kindle: Tất cả về chúng và cách chuyển đổi thành định dạng có thể đọc được

“Trẻ em TQ cũng có rất nhiều ưu điểm như: thông minh, hiếu học, khả năng tiếp thu tốt, có kiến thức nền vững chắc, hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng chúng đều có chung khuyết điểm là thiếu kỹ năng mưu sinh, thiếu kỹ năng phán đoán đúng sai, tinh thần trách nhiệm không cao, không biết hợp tác với người khác, tâm lý chấp nhận khó khăn cũng kém cùng với thói quen ăn bám cha mẹ”.

“Dù bạn có đem toàn bộ tính mạng, của cải, địa vị, thời gian, tinh thần và sức lực cho con thì con bạn cũng không thể hạnh phúc cả đời. Chỉ có dạy con biết mưu sinh, biết theo đuổi mục tiêu của mình, biết hưởng thụ cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn sau khi đạt được mục tiêu thì đến cuối đời bạn mới ung dung nhàn nhã và con bạn mới có thể thành công trong cuộc sống”.

“Các bậc phụ huynh Do Thái luôn ủng hộ con cái theo học tiến sĩ và sau tiến sĩ, mục đích của họ không phải để con mình có được tấm bằng hạng ưu, mà là để giúp chúng có những kỹ năng và tố chất tốt đẹp…, gồm kỹ năng quản lý của CEO, trí sáng tạo, trí tưởng tượng và giá trị nhân văn. Để hình thành những tố chất đó, trẻ cần sớm xây dựng cho mình giá trị quan, kỹ năng phán đoán và tư duy độc lập”.

“Đứa trẻ có lòng tự tin, tư duy kiện toàn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý công việc từ khi còn nhỏ, biết tích lũy kiến thức cho quá trình trưởng thành, sau này sẽ ung dung chủ động đối mặt với tương lai”.

“3 tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá.

4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần lựa chọn.

5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý.

6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.

7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không.

8 tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt.

9 tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.

10 tuổi: Biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn.

11 tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo, có quan niệm về giảm giá và ưu đãi.

Xem thêm:   Khi Bạn Đang Mơ Thì Người Khác Đang Nỗ Lực

12 tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với người trưởng thành trong XH”.

“Cha mẹ TQ yêu thương con cái giống như hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái giống như hình ngọn lửa… Phụ huynh Israel coi sự độc lập là món quà quý giá nhất họ tặng cho các con, nhất quyết không để cho hiện tượng ‘thế hệ ăn bám’ tràn vào xã hội, bằng không con trẻ càng ngã đau hơn”.

Không cần lo rằng những phương pháp giáo dục “tàn nhẫn” nêu trong sách này sẽ tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái hoặc gây nên những tổn thương không thể xóa nhòa trong lòng con trẻ. Bậc cha mẹ nào sử dụng không hiệu quả là do bản thân họ chưa hiểu thấu đáo để áp dụng đúng cách. Tuy tác giả Sara Imas nói rằng “giấu đi một nửa yêu thương và thay bằng sự tàn nhẫn”, nhưng mình ngẫm nghĩ và nhận ra rằng đây thật sự là yêu thương gấp nhiều lần, không có chút gì tàn nhẫn cả. Trao cho đứa trẻ toàn bộ hành trang cần thiết để có thể sống tự lập từ khi tuổi đời còn rất trẻ, để có thể tự tin mạnh mẽ dấn bước trên đường đời cô độc và đầy chông gai – đây có thể xem là cảnh giới cao nhất của tình yêu thương, là một tình yêu thương trọn vẹn và hoàn hảo.

Cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” rơi vào tay đúng lúc mình đang rất cần nó. Trong lúc tưởng như đang rơi vào hố sâu vô vọng, tưởng như mình sẽ không bao giờ cười được nữa, thì những điều viết trong sách đã vực mình dậy, cho mình chút sức mạnh và dũng khí để có thể sống tiếp, có thể cư xử bình thường đến mức mọi người xung quanh không ai nhận ra là một phần trong lòng mình đã chết. Đối với mình, quyển sách có bìa màu xanh trắng này sẽ luôn là một cột mốc không thể quên trong hành trình đọc-và-sống của mình.

Sau khi khen thật nhiều thì mình muốn chê một chút: Nội dung sách hơi dài dòng và bị lặp ý ở nhiều chỗ. Nếu ngắn gọn hơn thì tính đanh thép của tác phẩm sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến độc giả (tuy là mình đã được tác động khá mạnh mẽ rồi). Chỉ đọc khoảng 50% cuốn 1 thì mình đã thấy đủ, nên tạm thời mình sẽ không tìm đọc cuốn 2 & 3. “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là quyển sách mà mình sẽ luôn giới thiệu cho người khác, nhất là các bạn bè đã kết hôn và có con. Nếu họ chịu đọc và làm theo, mình nghĩ những gì viết trong sách sẽ góp phần thay đổi rất nhiều thế hệ mai sau.

(Sea, 6-6-22)

Related Posts