Bộ sách “Việt Nam danh tác” do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ra mắt từ năm 2014 đến nay (2021) đã đi được chặng đường 7 năm với 49 tác phẩm gồm 38 tập văn xuôi và 11 tập tập thơ. Được đầu tư với phong cách thiết kế bìa độc đáo, font bìa đồng bộ và sự đầu tư để truy hồi bản gốc hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất, bộ sách thực sự đã thổi một hương vị vừa quen thuộc vừa mới mẻ đến nhiều lớp bạn đọc, cả bình dân đến những người chơi sách với gu chọn lựa khó tính vô cùng. Hôm nay tôi muốn viết cho các bạn yêu bộ danh tác về vài điều lý thú, vài sự thật mà tôi phát hiện ra trong lúc đọc những cuốn sách kinh điển này. Hy vọng rằng qua bài viết này, tôi có thể giúp các bạn hiểu thêm về những kinh điển văn chương của nước nhà, và về những thăng trầm lịch sử, những cố gắng nỗ lực của tiền nhân để những cuốn sách được đến tới tay những độc giả hậu bối chúng ta. Chúc bạn sau khi đọc xong bài viết sẽ thêm yêu thứ ngôn ngữ dân tộc quý báu, không chỉ ở “Việt Nam danh tác” mà rộng hơn nữa, là cả chiều dài lịch sử phát triển văn chương của nước nhà
1.”Gió đầu mùa” hay “Gió lạnh đầu mùa”?
Dựa theo ấn bản đầu tiên do NXB Đời Nay phát hành (ấn bản Nhã Nam đã dùng để in), tên tập truyện đầu tay của Thạch Lam chính xác là “Gió đầu mùa” (1937). Tuy nhiên, một truyện ngắn trong số 16 truyện ngắn của tập sách lại có tên là “Gió lạnh đầu mùa”, rất có thể do sự gần giống với tiêu đề sách và một phần do cách miêu tả thông thường của người mình về khí hậu miền Bắc buổi giao mùa nên dần dà về sau các bản in mới đều dùng cái tên không đúng “Gió lạnh đầu mùa”.
Ngoài ra, một lí giải khác là “Gió lạnh đầu mùa” là một tuyển tập truyện ngắn chọn lọc khác được nhiều NXB khác nhau chọn lựa từ các truyện của Thạch Lam. Bạn có thể hiểu đơn giản là tập “Gió đầu mùa” nguyên bản chỉ có 16 truyện ngắn, còn “Gió lạnh đầu mùa” được chắt lọc từ các tập truyện ngắn khác nhau của Thạch Lam, và trong đó truyện cùng tên với tiêu đề là hay nhất.
Đối với ai tôn trong nguyên bản hoặc thích sưu tầm thì phiên bản “Gió đầu mùa” vẫn là lựa chọn tối ưu, nhưng nếu bạn không phải tuýp người như vậy thì cũng không cần quá bận tâm, hãy chọn lựa theo ý thích của mình, vì dù là “Gió đầu mùa” hay “Gió lạnh đầu mùa” thì những độc giả yêu mến Thạch Lam như chúng ta đều được đắm mình trong không khí se se lạnh giữa những con phố Hà Thành xưa cũ và ấm áp những sự sẻ chia giữa người với người.
2. “Lê Phong” là tập thứ mấy trong seri trinh thám về Lê Phong?
Thế Lữ được coi như một trong những nhà văn đầu tiên mở màn cho thể loại trinh thám ở Việt Nam và cũng là một trong số ít những tác giả Việt thành công ở mảng này. Ông đã sáng tạo một seri trinh thám đặc sắc với nhân vật thám tử Lê Phong từ năm 1937 đến 1940. Bộ sách gồm 5 phần:
Lê Phong phóng viên (1937)
Những nét chữ (1939)
Gói thuốc lá (1940)
Lê Phong và Mai Hương (1939)
Đòn hẹn (1939)
Bộ “Việt Nam Danh Tác” của Nhã Nam gần đây đã hồi sinh bộ truyện huyền thoại này với tác phẩm mở màn lạ hoắc là … “Lê Phong”. Vậy “Lê Phong” là tập nào trong danh sách truyện trinh thám kể trên?
Thực ra, cuốn “Lê Phong” chính là sự kết hợp của “Lê Phong phóng viên” và “Những nét chữ”. Một điều thú vị là 2 truyện đầu tiên đã được gộp lại với cái tên mới “Lê Phong” trong bản năm 1942 của Đời Nay (là bản in Nhã Nam đã dùng để in). Thêm một điều nữa là truyện “Lê Phong phóng viên” trong bản năm 1942 được đổi tên thành “Phóng viên trinh thám” (người viết không rõ lý do đổi tên). Vậy là chúng ta kết luận được “Lê Phong” chính là đầu tiên trong seri của Thế Lữ
3. Sự khác biệt giữa “Chùa Đàn” và bản gốc “Tâm sự của nước độc”
Ban đầu, tác phẩm “Chùa Đàn”(1946) có tên là “Tâm sự của nước độc” (tên phần thứ hai trong “Chùa Đàn”). Về sau khi Nguyễn Tuân tham gia hoạt động cách mạng và giác ngộ lý tưởng cộng sản, ông đã thêm vào tác phẩm 2 phần “Dựng” (Phần đầu) và Mưỡu (Phần kết) cũng như thêm thắt ý để vô sản hóa tư tưởng câu chuyện.
Đặc biệt, lúc đầu “Tâm sự của nước độc” có một đoạn tái bút ngắn về việc Lãnh Út và Cô Tơ xây nên Chùa Đàn để tưởng nhớ Bá Nhỡ, khi được Nguyễn Tuân chỉnh sửa thì phần tái bút này hoàn toàn được liên kết với cốt truyện và cũng trở thành linh hồn câu chuyện luôn
4. Những lần thay tên đổi áo kì lạ của một số tác phẩm nổi tiếng
Nhiều cuốn danh tác Việt Nam sở hữu số phận kì lạ khi liên tục được đổi tên để phù hợp với thời điểm ra mắt cũng như cuộc đời tác giả. Một số cái tên đã trở thành quen thuộc và đẩy những anh em của nó về dĩ vãng mà ít người hay biết
“Đôi lứa xứng đôi” – “Cái lò gạch cũ” – “Chí Phèo”
Truyện ngắn “Chí Phèo”, nguyên có tên là “Cái lò gạch cũ”, nhưng khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới tự ý đổi tên là “Đôi lứa xứng đôi” (có lẽ để phù hợp với thị hiếu yêu thích sách văn chương lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn cùng thời). Đến khi in lại trong tập “Luống cày” (Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản năm 1946), Nam Cao đặt lại tên là “Chí Phèo” (1)
“Phù dung ơi vĩnh biệt” – “Cai”
Tập hồi ký về đời nghiện ngập của Vũ Bằng ban đầu lấy tên “Cai” (1942), tức là nói đến hành trình cai nghiện thuốc phiện của ông. Song theo như Vũ Bằng kể lại, khi ông ra hậu phương thấy nhiều bạn đọc tưởng “Cai” là viết về đời cai, đời lính nên cái tên “Phù dung ơi vĩnh biệt” đã ra đời trong lần tái bản sách năm 1968 (NXB Thế Giới). Tuy nhiên về sau tựa “Phù dung ơi vĩnh biệt” càng trở nên kém phổ biến và mất hút hơn tựa gốc “Cai” rất nhiều. (Vì vậy chúng ta rất hiếm thấy cái tựa đó)
“Chùa Đàn” – “Tâm sự của nước độc”
Như đã nói ở trên, sau khi giác ngộ lý tưởng cách mạng thì Nguyễn Tuân đã thêm thắt sửa đổi bản gốc “Tâm sự của nước độc” để trở thành một “Chùa Đàn” đậm tính đấu tranh vô sản hơn
5. “Số đỏ”, “Giông tố” từng là những cuốn sách bị cấm trước thời Đổi Mới
Ngay khi mới ra mắt, Vũ Trọng Phụng đã “gây bão” cho giới văn chương đương thời bằng phong cách châm biếm và yếu tố tình dục chân thực trong các tác phẩm mình mình viết. Bởi vậy nên sau Cách Mạng Tháng 8, các tác phẩm của ông từ “Số đỏ”, “Giông tố”, “Làm đĩ”,… bị cấm xuất bản vì bị cho là “tác phẩm suy đồi” tại miền Bắc từ năm 1954 và cả nước, từ 30/4/1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành (2)
Trước đó, ông cũng từng bị chính quyền bảo hộ ở Hà Nội gọi lên tòa vì tội “làm tổn thương phong hóa” và đã có các cuộc đấu khẩu kịch liệt với các chủ bút báo Phong Hóa (nhóm Tự Lực Văn Đoàn) về tính dâm trong tác phẩm của mình