Từ Truyện Doraemon Học Cách Giúp Bạn Trở Nên Tốt Hơn

Doraemon – chú mèo máy tốt bụng với chiếc túi thần kỳ từ lâu đã trở thành biểu tượng của xứ sở hoa anh đào, là người bạn đồng hành cùng với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Doraemon dường như đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ gắn liền với tuổi thơ của mỗi người chúng ta, dù sau này chúng ta có tiếp tục say mê truyện tranh hay không thì Doraemon và những câu chuyện dễ thương nhưng sâu sắc vẫn luôn tồn tại trong trí nhớ của mỗi người.

Đa phần mọi người đều biết đến bộ truyện tranh Doraemon, và cũng quen thuộc với các nhân vật có nhiều tật xấu như Nobita, Suneo, Jaian,… Nhưng chắc mọi người không ngờ rằng những nhân vật khá hoàn hảo như Shizuka hay nhân vật tốt bụng, giỏi xoay xở như Doraemon cũng có những khuyết điểm trong tính cách. Và xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều con người thật (đồng nghiệp, người quen, bạn bè) có một vài đặc trưng giống các nhân vật này. Chắc hẳn bạn cũng đã bao phen tức điên lên vì một vài rắc rối ấy. Vậy có cách nào khiến những người này cải thiện để tốt hơn? Cuốn sách này sẽ phân loại những kiểu người phiền phức như vậy và giải thích, phân tích theo khía cạnh tâm lý học dựa trên bộ truyện quốc dân của xứ Phù Tang.

Vậy tại sao lại là bộ truyện Doraemon? Ắt hẳn có không ít người cảm thấy khó hiểu về điểm này. Ai cũng biết rằng Doraemon vốn là bộ truyện tranh quốc dân của người Nhật. Bộ truyện bắt đầu được phát hành từ năm 1969 và cho đến nay vẫn là bộ truyện được yêu thích trên toàn thế giới, liên tục được tái bản và dựng thành phim hoạt hình. Thế nhưng, lý do để tác giả Sho Kobayashi chọn bộ truyện Doraemon làm tư liệu cho cuốn sách của mình không nằm ở đó. Lý do chính là trong bộ truyện ấy có ẩn giấu rất nhiều gợi ý để xây dựng mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn. Bí quyết hàng đầu để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác và vực dậy tài năng trong ai đó chính là “phát hiện điểm tốt của đối phương” dẫu là những điều nhỏ nhặt nhất. Có lẽ đây là điều mà bộ truyện Doraemon muốn truyền tải tới chúng ta thông qua các câu chuyện của mình.

Xem thêm:   Tận mắt chứng kiến cây cầu bằng que kem chưa đầy 500g "tải" được 30kg

*Đánh giá cá nhân:

Cuốn sách này giới thiệu tới độc giả các mẩu uyện trong bộ truyện tranh Doraemon. Khi đọc các câu chuyện này, dưới góc độ tâm lý học, ta có thể rút ra được cách nhìn nhận mới, những phương pháp có thể áp dụng thực tiễn vào xã hội ngày nay. Sau mỗi câu chuyện, tác giả Kobayashi đưa ra bản phân tích tâm lý nhân vật và hướng giải quyết để cải thiện tình trạng tương ứng với mỗi khuyết điểm đó.

Nội dung sách được phân thành năm chương theo từng nhân vật là “kiểu người Nobita”, “kiểu người Jaian”, “kiểu người Suneo”, “kiểu người Shizuka”  “kiểu người Doraemon”. Mỗi một chương trong cuốn sách này đều viết về các kiểu người liên quan đến năm nhân vật chính trong bộ truyện tuổi thơ. Ví dụ chương “kiểu người Nobita” viết về các kiểu “người chưa đến sát nút chưa chịu làm”, “người hay nản, không duy trì được sự tập trung”. Ngoài ra, các chương trong sách được xây dựng độc lập với nhau nên độc giả có thể tham khảo mục lục và bắt đầu từ phần nào mà mình thích, không nhất thiết phải đi theo thứ tự từ đầu đến cuối.

“Khi bị đặt kỳ vọng quá mức, đối phương cũng sẽ duy trì nỗ lực vượt quá giới hạn của bản thân và kết quả còn tạo ra ảnh hưởng xấu tới chính họ. Hãy nhớ họ hoàn toàn khác với chính bản thân chúng ta và hy vọng bạn có thể nhìn nhận lại việc bạn muốn đối phương phát triển ra sao thay vì áp đặt kỳ vọng quá lớn lên họ.” – Bài học từ nhân vật Nobita.

Xem thêm:   Yên lặng ở nội tâm

Theo quan điểm cá nhân mình, bố cục của sách và phần tâm lý học trình bày rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận với từng đối tượng, lối diễn giải rõ ràng, mạch lạc và khá thuyết phục. Một số câu chuyện mở đầu trước mỗi bài học trong đây mình đã đọc và tình cờ có chung suy nghĩ với tác giả về các tật xấu của một vài nhân vật. Song khi đến với cuốn sách này, mình mới hiểu rõ, phân tích được sâu sắc hơn. Có thể xem đây như là một “phiên bản trưởng thành” của truyện Doraemon vậy. Và mình nhận ra rằng trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc cũng như giao tiếp với mọi người, thỉnh thoảng có lúc mình cũng “vô tình” sa vào một số kiểu tính cách như thế. Sách phần nào giúp mình hiểu hơn về bản thân, cải thiện suy nghĩ và hành xử để trở nên tốt hơn.

Kiên trì làm nên sức mạnh. Một câu nói cũ từ lâu nhưng vẫn luôn là thách thức cho những ai thực hiện điều gì đó. Không chỉ những việc bản thân không có cách nào duy trì được, ngay cả những việc đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn có người không chịu hoàn thành. Bí quyết dành cho những người như vậy chính là “tạo thói quen”. – “Máy nhắc nhở công ơn” (Tentōmushi Comics tập 19).

Một điều mình ấn tượng khác trong cuốn sách này đó là tác giả không sử dụng các câu chuyện nổi tiếng như “Đêm trước đám cưới Nobita” hay “Doraemon trở lại”. Lý do là Sho Kobayashi muốn giới thiệu đến mọi người điểm thú vị trong những câu chuyện bình thường khác chứ không riêng gì các mẩu chuyện nổi tiếng trong đó, để độc giả có thể một lần nữa nhận ra “sự thú vị của bộ truyện mang tên Doraemon”. Đây chính là điểm tinh tế của tác giả dành cho đứa con tinh thần của mình.

Xem thêm:   Muội Tro

Lời kết, cũng giống như trong cuộc sống, các nhân vật trong bộ truyện Doraemon này mỗi người đều có một vấn đề, khuyết điểm của riêng mình, họ có lúc sẽ xung đột với nhau, song lại có lúc hòa hợp với nhau và cùng nhau trưởng thành. Chúng ta cũng vậy, con người không ai hoàn hảo 100%, khuyết điểm chính là thứ giúp ta mạnh mẽ hơn. Đừng sợ hãi trước những khó khăn, thách thức mà bản thân không thực hiện được, ai cũng có khuyết điểm, người thành công là người biết sử dụng nó làm bàn đạp cho một tương lai tươi sáng.

_______

Thank you for reading!

Related Posts