Trăng Lên – Tiểu Thuyết Viết Về Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại Của Dân Tộc

Đánh giá bài viết

Từ khi bắt đầu đọc trở lại, mình bỗng thấy những cuốn sách về chiến tranh có một sự thu hút đặc biệt với mình. Mình đã đọc một mạch “Thợ xăm ở Auschwitz”, say sưa với “Tiền từ Hitler”, sững sờ cùng “chú bé mang pyjama kẻ sọc” và đang bị cuốn theo “Phía Tây không có gì lạ”. Mình yêu thích đề tài này có lẽ vì chính những màu sắc và cảm xúc khó phai nó để lại trong mình. Đó là những trang sách nhuốm màu đau thương và ngập tràn mất mát. Những trang sách ấy tê tái nỗi buồn xa quê hương, rời gia đình và bao người thân thuộc. Nhưng cũng chính những trang sách ấy lại rực sáng sự ngoan cường hay đấu tranh mãnh liệt giành giật lấy sự sống trong từng phút từng giây. Những đầu sách mình đọc đa số đều do tác giả nước ngoài viết. Vì vậy khi đọc giới thiệu về “Trăng lên” mình đã rất muốn đọc để được nghe câu chuyện gắn bó với chính mảnh đất thân thuộc mang hình chữ S. Và phải công nhận rằng cuốn sách này còn hấp dẫn hơn cả mong đợi của mình.

”Trăng lên” của nhà văn Thế Đức mang chúng ta về lại miền quê Bắc Bộ từ trước khi cách mạng tháng 8 thành công và kéo dài suốt thời kì đất nước hai miền chia cắt.

Trong kháng chiến chống Pháp- mảnh đất ấy có câu chuyện của những con người nhỏ bé nhưng với tình yêu nước lớn lao, một trái tim nhiệt huyết và vô vàn những hy sinh thầm lặng đã dũng cảm mưu trí để đánh đuổi thành công bọn giặc Pháp xâm lược. Những năm tháng ấy đã biến mái đầu của một người đàn ông từng kiên gan trở thành bạc trắng. Biến người mẹ chiến sĩ vốn chỉ lầm lũi với công việc thành một dòng nước mắt tưởng chừng như vô tận lúc nào cũng có thể vỡ oà hay biến một người vợ thuần hậu trở nên mạnh mẽ biết cầm súng để chiến đấu đánh giặc.

Cách mạng thành công, miền Bắc khoác lên mình một cuộc sống mới. Nhưng, chẳng có chặng đường nào trải đầy hoa hồng mà không kèm chông gai phía trước. Người dân nơi vùng quê ấy lại đối mặt với cải cách ruộng đất. Vậy là sóng gió lại một lần nữa ập đến. Cũng từ đây, người đọc trải qua bao nhiêu cảm xúc: đau đớn, phẫn nộ, thất vọng và không tránh khỏi cả những uất hận trước những bất công mà những kẻ lấy danh Cách mạng, lấy uy chính quyền để hạch sách, ức hiếp người dân vô tội. Chính trong những giây phút như thế, một người chỉ huy sáng suốt, mưu trí trong những trận đánh năm xưa đã phải chua xót thừa nhận “Cũng là do tôi quá tin tưởng vào một triết lý sống đơn thuần, cái thiện ắt phải thắng cái ác, cái nhân nghĩa ắt phải thắng cái bạo tàn”. Khi một số cá nhân đã bị quyền thế làm mờ mắt, đã đặt bản thân lên trên tất cả, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chĩa súng ngay vào người từng chiến đấu với mình.

Mình đặc biệt thích nửa sau của câu chuyện. Mình đã từng nghe bố nhắc về cải cách ruộng đất nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Thế Đức, mình cảm nhận chân thực và rõ nét cái bất công, nỗi hờn tủi, cái đau đớn của những con người thời ấy.

Related Posts