Thu Giang Nguyễn Duy Cần Những Bài Đăng Báo Và Tiểu Luận

Là một trong những học giả tiêu biểu của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Thu Giang Nguyễn Duy cần có một sự nghiệp đồ sộ với nhiều tác phẩm khác nhau, từ nghệ thuật sống cho đến triết học và các lĩnh vực khác. Mới đây, Nxb Trẻ đã cho phát hành lần đầu tiên tác phẩm tổng hợp những bài đăng báo trong giai đoạn 1937 – 1938, cũng như tiểu luận về giáo dục của ông.

Theo đó, Phần một gồm những bài đăng đã được phát hành trên tập san Nay – một tạp chí cho Nguyện Duy Cần làm giám đốc và tổng biên tập. Nửa tháng ra một kỳ, ấn phẩm được chia thành 4 mục chính : Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương, với sự góp bút của chính ông và những tri thức thời đó. Chủ đề chính của tập san này vẫn là những điểm vô cùng quen thuộc trong thế giới quan của Nguyễn Duy Cần, khi tìm đến lăng kính trung dung, dung hợp, điều hòa, điều chỉnh và bổ sung cho nhau.

Khác với một học giả khác là Nguyễn Hiến Lê, có thể thấy rằng Nguyễn Duy Cần tích cực đi theo đường hướng truyền bá triết học Đông phương mà cụ thể là Lão-Trang. Ông không chủ trương đao to búa lớn lo cho đời một cách cưỡng cầu, mà lấy sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu làm chính yếu. Theo đó nội dung của bốn phần nhỏ đều khá rõ ràng, được viết gần gũi như những lời khuyên có thể tham khảo trong đời sống hàng ngày.

Xem thêm:   Siêu Kinh Tế Học Hài Hước

Ở tuyển tập này, mục Triết học bàn sâu hơn những vấn đề đã được nhắc tới trong cuốn Toàn chân triết luận nổi tiếng từ lâu. Mục Y học trình bày cách ăn uống cho hợp âm dương, cùng đó là những khảo cứu đầy tình khoa học về các loại rau củ dùng trong đời sống hàng ngày. Khoa học trình bày sự tương quan giữa cơ thể và vận hành vũ trụ, trong khi Văn chương tiểu thuyết sáng tạo nhiều kỳ Thánh nhân ngoại sử. Đáng tiếc là toàn bộ 15 số báo Nay chưa thể tìm ra một cách toàn vẹn, nên trường thiên tiểu thuyết Thánh nhân ngoại sử vẫn còn dang dở.

Trong loạt bài thuộc mục Triết học, Nguyễn Duy Cần đã lần lượt đưa ra những mối tương quan giữa riêng – chung, mới – cũ cũng như tự nhiên – con người để làm rõ vai trò của sự hòa hợp. Theo đó trong bài Có nên bắt chước Thánh nhân?, ông đã cho thấy cuộc đời vốn luôn biến động, và đó đã là quy luật, là điều tối quan trọng trong vũ trụ này. Không chỉ nghiêng về triết lý Đông phương, ông cũng tham khảo rất nhiều những nhà hiền triết từ cổ chí kim như Andre Gide, Krishnamurti, Nitzche… để rồi từ đó có một góc nhìn thấu đáo về các sự kiện cũng như các mối tương quan.

Như một câu nói “Rắn không thay da, rắn sẽ chết. Tinh thần không thể biến đổi không thể gọi là tinh thần”, ông phân tích rõ lợi chung và lợi ích riêng không thể tách rời, rằng động đây là động đó, rằng lo cho ta là lo cho đời, và cuối cùng rằng ta với đời là một. Ông không chối bỏ tính chất cá nhân, nhưng cũng khuyên giải nên phải hiệp đoàn để mà làm việc.

Xem thêm:   Sự Im Lặng Của Bầy Cừu: Tác phẩm trinh thám kinh dị thách thức trí não người đọc

Ở mục Y học giao với Triết học, ông cũng cho thấy vai trò tưởng như thuận chiều nhưng lại xung khắc giữa con người và tự nhiên. Dùng các kiến thức khoa học (hố mặt trời, sức hút mặt trăng) để cho thấy được sự tương hợp giữa mọi vật chất trên cõi đời này, Nguyễn Duy Cần quan sát những sự nhỏ bé cũng như mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, mà mọi thứ nằm trong cùng cuộc lưu chuyển.

Ở mục Văn chương, Nguyễn Duy Cần đã sáng tạo ra Thánh nhân ngoại sử được đăng nhiều kì, dựa trên chuyện đời của Khổng Tử cũng như Lão Tử, từ đó răn dạy cũng như đưa ra lời khuyên về lòng hiếu thuận, sự thấu hiểu cũng như tấm lòng hòa hợp không thể gượng ép.

Tuy chỉ ra được 15 số và có đời sống ngắn ngủi, thế nhưng Nay đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động báo chí của miền Nam giai đoạn trước 1945. Là người nổi trội ở mảng sách triết luận, nên ít ai biết Nguyễn Duy Cần cũng là một tri thức quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là văn hóa – giáo dục. Theo đó, Phần hai : Tiểu luận Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu? sẽ trình bày những suy nghĩ của ông về nền giáo dục hiện thời, với thực trạng cũng như giải pháp để hướng tới nền văn hóa có giá trị hơn.

Xem thêm:   Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang

Có thể nói rằng những tác phẩm đăng báo và tiểu luận của Nguyễn Duy Cần là nguồn tư liệu vô cùng đáng quý về một học giả vô cùng nổi bật của miền Nam Việt Nam giai đoạn trước năm 1975. Di sản mà ông để lại vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, và tương quan về sự hòa hợp, phối hợp cũng như căn chỉnh cho đến căn bằng luôn là lẽ sống con người luôn muốn hướng đến.

Hy vọng trong tương lai thêm nhiều di cảo cũng như các tác phẩm bên lề của ông sẽ được tập hợp, khai thác, để gửi đến độc giả không khí sôi động của làng báo thời đó, cũng như tư duy của một người tài đã từng xuất hiện ở trong lịch sử.

Related Posts