Tên Gọi Khác Của Nhà

Đi kèm với nội dung và hình thức của một cuốn sách, thứ mà mình quan tâm hơn cả chính là “năng lượng” mà cuốn sách mang lại sau khi hoàn thành việc đọc. Với “Tên gọi khác của nhà”, dư âm để lại là cảm giác dễ chịu nhẹ nhàng của sự hy vọng, của những câu từ đẹp như tranh vẽ, đâu đó lòng mình dâng lên ngọn lửa của sự thấu hiểu và cảm thông về bất công của những con người bị gắn mác “Trung Đông” bạo lực và nổi loạn. Một tác phẩm cực kỳ truyền cảm và xứng đáng với huân chương Newbery danh giá mà nó nhận được.

Câu chuyện theo chân Jude, một cô bé người Hồi Giáo, sinh ra và lớn lên ở quê nhà Syria đến năm mười ba tuổi, cuộc sống không dư thừa vật chất nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương từ gia đình và những người thân thiết. Biến cố ập đến cuộc đời em bằng những cuộc xung đột leo thang với bạo loạn, biểu tình, đàn áp có vũ trang…diễn ra trên chính mảnh đất mà em từng an ổn lớn lên. Cuộc sống của em bỗng trở nên bấp bênh và nguy hiểm đến nỗi bố mẹ Jude đã buộc phải đưa ra một quyết định đau lòng, tự chia cắt gia đình mình bằng khoảng cách địa lý của một đại dương rộng lớn, để em cùng người mẹ đang mang thai bay đến Mỹ nương nhờ người bác ruột, tạm rời xa bố và người anh trai mà Jude hết mực ngưỡng mộ. Tại đây, hành trình trưởng thành và hòa nhập của Jude đã được em thuật lại bằng những trải nghiệm cùng suy tư rất thật, rất đúng lứa tuổi. Những khác biệt về văn hóa dần được dung hòa, những hiểu lầm dần được gỡ bỏ, những lo lắng dần trở thành niềm hạnh phúc, những tị hiềm kết trái thành tình thân.

Xem thêm:   Tấm Mạng Hoa

Mình từng nghe một số lời đánh giá không tốt về bản dịch của cuốn sách này, cũng như tính độc đáo trong việc “phổ thơ” toàn bộ tác phẩm ở bản gốc, và vì thế mình đã mua luôn bản tiếng Anh về để trải nghiệm. Không thể phủ nhận tính sáng tạo và những ngôn từ mềm mại giản dị nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ của Jasmine Warga, cách trình bày này quả thực rất dễ gây hứng thú trong việc đọc và phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên mà cuốn sách hướng đến. Những câu từ có vần điệu và cách xuống dòng rất nghệ thuật, có lúc để làm nổi bật lên hai vế chủ thể đối lập, có lúc lại gây nên hứng thú cho người đọc, khi thì lại được dùng để nhấn mạnh một cái gì đó. Tuy bản dịch tiếng Việt không còn giữ được tính độc đáo trong sử dụng ngôn từ như bản tiếng Anh, nhưng tinh thần tác phẩm thì hầu như được truyền tải một cách trọn vẹn. Và mình cho rằng cách chuyển ngữ thành văn xuôi của dịch giả Phi Yến là một lựa chọn khôn ngoan và phù hợp, bản dịch có độ hoàn thiện cao với những câu từ trơn tru mượt mà, không hề qua loa hay khó hiểu. Bản thân mình là một người không thích thể thơ tự do thiếu vần điệu, nên bản dịch văn xuôi này thỏa mãn được mình, thay vì cố đấm ăn xôi biến tác phẩm thành một phiên bản thơ tự do tiếng Việt chưa biết có vần điệu hay không, thì biến nó thành văn xuôi truyền thống quả là một lựa chọn vừa an toàn vừa thích hợp. Tuy nhiên, mình cảm thấy cách dịch tiêu dề “Tên gọi khác của nhà” không thực sự tương ứng với tên gốc “Other words for Home”, chưa thể hiện được những ý nghĩa mà mình cảm nhận được, “words” ở đây giống những tự sự tâm tình của cô bé Jude hơn là một “cái tên khác” của “nhà”.

Xem thêm:   Thu Giang Nguyễn Duy Cần Những Bài Đăng Báo Và Tiểu Luận

Phải thú thực rằng đây không phải là một cuốn sách có nội dung đột phá nhưng lại đầy ắp giá trị nhân văn, Jasmin Wagar đã tạo điều kiện cho độc giả gặp gỡ cô bé Jude chứ không chỉ là đọc về một nhân vật tiểu thuyết do cô tạo ra. Diễn biến tâm lý của Jude là một hành trình trưởng thành và thấu hiểu. Từ nỗi sợ hãi khi lần đầu đặt chân lên nước Mỹ: “Thật kỳ lạ biết bao khi cảm thấy may mắn vì một điều đang khiến trái tim mình buồn bã”, đến khi em bước lên sân khấu để thể hiện bản thân mình dưới vai trò một diễn viên nhạc kịch, Jude đã tôi luyện cho lòng can đảm ngày một vững bền qua những gặp gỡ và quen biết bạn bè trên đất Mỹ, những biến cố và hiểu lầm trong tình cảm bạn bè cũng như gia đình, những lần chứng kiến và trải qua sự đối xử bất công dành cho cộng đồng người bị gắn mác “Trung Đông” như chính em. Lăng kính của một cô bé 13 tuổi không cho phép những mô tả nặng nề hay những răn dạy nặng triết lý được tuôn ra, nhưng hiện trạng và khổ đau về đất nước quê hương em, về người Hồi giáo, về những tâm tưởng suy tư của em vẫn được thể hiện vô cùng sâu sắc và dịu dàng, đủ để gây xúc động nhưng không bi lụy đớn đau, luôn luôn hiện hữu những xoa dịu rất hồn nhiên dễ chịu cùng niềm hy vọng chưa bao giờ tắt.

Xem thêm:   8 Vụ Án Hoàn Hảo

“Nhà” không chỉ là một nơi có những người ta yêu thương, “Nhà” còn là là một nơi sẵn sàng chấp nhận bản thân ta, cho ta cơ hội thích nghi và phát triển, để vun đắp cho những khả năng mà ta hằng giấu kín. Jude luôn luôn nhớ thương quê nhà Syria, nhưng em đã dần coi Mỹ là ngôi nhà thứ hai của mình, nơi em có những người bạn mới ở bên, nơi em không cần phải “skety” (im lặng) gần như mọi lúc, nơi em cảm nhận được hơi ấm gia đình tại một ngôi nhà cổ kính trên đất Mỹ và cả hơi ấm qua màn hình tinh thể lỏng của những người thân bên kia đại dương.

Đối với mình, “Tên gọi khác của nhà” là một cuốn sách dễ đọc, dễ thương, dễ cảm thông và dễ gây xúc động. Sách thời lượng ngắn nhưng tập hợp nhiều vấn đề, không đem lại cảm giác nặng nề nhưng vẫn đủ níu giữ tâm trí độc giả, kết thúc có hậu là một điểm cộng khiến cảm xúc thăng hoa và hy vọng đơm trái.

Related Posts