Tâm Lý Lứa Tuổi Khi Đọc Truyện Cổ Tích

Truyện cổ tích là thể loại văn học dân gian mà kho tàng văn học của quốc gia nào cũng có. Và kỳ lạ thay, những câu chuyện “đáng sợ” lại thật nhiều. Từ hình ảnh những con sói, con hổ ác ăn thịt người đến mụ phù thủy ăn thịt trẻ em, mụ dì ghẻ-hoàng hậu bắt bác thợ săn giết công chúa nhỏ…

Vậy tại sao người ta lại giới thiệu những câu chuyện này cho trẻ em? Cha mẹ cần lưu ý gì khi chọn sách cho con? Về vấn đề này, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh (một trong số những cố vấn của dự án Tủ sách Đời người) đã từng đưa ra lời khuyên về Tâm lý lứa tuổi khi chọn sách cho con.

𝐕𝐨̛́𝐢 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐭𝐮̛̀ 𝟎 đ𝐞̂́𝐧 𝟑 𝐭𝐮𝐨̂̉𝐢 – hãy thận trọng lựa chọn câu chuyện để kể cho chúng. Những nỗi sợ của trẻ ở lứa tuổi này khá nhiều và chúng liên quan đến bất kỳ sự thay đổi nào của môi trường xung quanh và của người thân nhất của chúng là mẹ. Những bài thơ có vần điệu êm ái, những câu chuyện cổ tích về con thỏ con mèo được đọc lên ngân nga như tiếng ru, tiếng đưa nôi đưa võng… sẽ hợp với lứa tuổi này hơn cả. Vì thế, trẻ dưới 3 tuổi, mẹ chớ vội đọc những truyện cổ tích dài có tình tiết lắt léo, thắt mở nút… cho con.

𝐕𝐨̛́𝐢 𝐥𝐮̛́𝐚 𝐭𝐮𝐨̂̉𝐢 𝐭𝐮̛̀ 𝟑 𝐭𝐫𝐨̛̉ 𝐥𝐞̂𝐧 – truyện cổ đã có thể phức tạp hơn. Trẻ bắt đầu học được cách tư duy hình tượng. Chẳng hạn, khi nói đến Mẹ thì trẻ không tiếp nhận như người mẹ cụ thể của mình nữa mà đã hiểu là một người mẹ nói chung.. và vì thế mà cách tư duy cũng sẽ phong phú hơn, không lấy mình làm trung tâm nữa, thoát ra được nỗi sợ đơn thuần khi bé vẫn tự coi mình là nhân vật chính. Tuy vậy mẹ có thể đợi khi bé lớn hơn, độ 3 tuổi rưỡi, 4 tuổi, để bắt đầu cho bé làm quen với những chi tiết “sợ” trong Cô bé quàng khăn đỏ khi sói nuốt chửng hai bà cháu, Tấm Cám với những việc làm “kỳ lạ” của cả Cám và Tấm, rồi những chiếc bánh rán bị cáo ăn thịt, bà chúa Tuyết thổi khí lạnh vào làm đứa trẻ đóng băng..v..v..

Xem thêm:   Status về trăng chất chứa tâm trạng và sự lãng mạn, mộng mơ

𝐂𝐡𝐨 đ𝐞̂́𝐧 𝐤𝐡𝐢 𝐭𝐫𝐞̉ đ𝐚̣𝐭 𝐭𝐨̛́𝐢 𝟔-𝟕 𝐭𝐮𝐨̂̉𝐢, truyện cổ tích đối với chúng đã thực sự xuất hiện những bài học, những ý nghĩa rõ ràng và hoàn toàn không có nhầm lẫn giữa hiện thực và thế giới cổ tích nữa.

Người ta càng trải nghiệm nhiều, càng nhiều tuổi thì nỗi sợ có vẻ lại mang hình hài rõ rệt hơn. Đó cũng là lý do mà, khi người lớn đọc “Tấm Cám” lại thấy hoảng sợ hơn cả trẻ con vì những hành động Cám và Tấm thực hiện hiện ra rõ rệt, mang đậm chất “cái ác” qua góc nhìn đầy trải nghiệm của người lớn.

Những chi tiết “ác” và những nhân vật phản diện được đẩy lên độc ác đến tận cùng trong các câu chuyện cổ tích thực ra luôn mang tính biểu tượng cao. Chúng luôn có một ý nghĩa về đạo đức – qua việc cái ác người ác bị trừng phạt nặng nề để nói được về sự trung thực, dũng cảm, công bằng và thậm chí, cả về lòng nhân hậu nữa.

Ngược lại, có những chi tiết mà người lớn không để ý, không thấy sợ, đôi khi lại gây nỗi sợ lớn hơn cho trẻ. Ví dụ, chú bé tí hon rơi vào bụng sói tối đen. Trẻ con, với trí tưởng tượng của mình, sẽ cùng nhân vật “phiêu lưu” trong bóng tối của bụng sói. Thế nhưng, nếu như cứ “bảo vệ” trẻ khỏi tất cả các chi tiết đáng sợ lại đồng nghĩa với việc trẻ không học được điều gì lớn lao hơn trong truyện cổ tích ngoài những cây cỏ hoa lá, các muông thú hiền hậu. Trẻ phải được học giải quyết các vấn đề của mình, kể cả nỗi sợ, bằng niềm tin, người tốt, người tử tế sẽ chiến thắng dù phải trải qua vất vả, nguy hiểm, sợ hãi.

Xem thêm:   Hoa Trên Mộ Algernon

Nếu bạn đã lớn, hẳn bạn có thể quên cảm xúc ngày bé của mình khi đọc những câu chuyện cổ thế nào. Bạn đã từng tin, đã từng hồi hộp lo lắng cho nhân vật chính và đã từng cùng nhân vật chính chống lại cái ác thế nào. Cuối cùng, người tốt, người nhân hậu sẽ thắng. Đứa trẻ tin vào điều đó – niềm tin mà người lớn càng lớn càng giảm dần đi.

Có thể tôi lạc quan, nhưng tôi vẫn muốn nhìn truyện cổ tích như một thể loại văn học dân gian tồn tại lâu đời, mang trong mình những bài học hiền hậu cho dù chi tiết mang tính biểu tượng của chúng có đôi khi cho cảm tưởng đáng sợ đến thế nào đi chăng nữa.

Trích lược từ bài viết “Truyện cổ tích “ác” – cần hay không cần cho trẻ?” – TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nguồn: Vietnamnet.

Related Posts