Tâm Lý Học Về Sự Lo Âu

Chìa khóa giúp bạn thoát khỏi sự giam cầm của trạng thái lo âu

Cuộc sống công nghiệp hiện đại với tốc độ dồn dập và những thôi thúc không ngừng nghỉ để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày đã khiến con người chúng ta rơi vào tình trạng căng thẳng và lo lắng. Trong xã hội ngày nay, không khó để nhận thấy sự hiện hữu của trạng thái lo âu ở mọi lúc mọi nơi, nó quấn quanh đầu mỗi người tựa gông cùm, xiềng xích.

Nhắc đến hai chữ “lo âu”, chắc hẳn không ít người sẽ thở dài ngao ngán, sau đó kể lể hoàn cảnh đáng lo của mình cùng sự phiền phức mà thứ cảm giác đó mang lại. Dưới áp lực nặng nề mà cuộc sống đặt lên vai mỗi người, rối loạn lo âu dường như trở thành một chứng bệnh phổ biến khiến ai ai cũng phải lắc đầu bất lực. Tuy nhiên, liệu lo âu có đúng là “kẻ thù” của mọi nhà không?

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa tâm lý với tư duy, tình cảm, tính cách và hành vi của con người, tác giả Đổng Tâm Khiết sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cần thiết và phương pháp hiệu quả nhất để đối mặt với sự lo âu. Cụ thể, Tâm lý học về sự lo âu giới thiệu tới độc giả bản chất cũng như nguyên nhân gây ra trạng thái lo âu, dựa trên quan điểm và phân tích của các chuyên gia tâm lý học như Rollo May, Freud, Otto Rank, Christopher Dawson,… Kết hợp lý luận với thực trạng về chứng rối loạn lo âu trong xã hội ngày nay, nhằm tìm hiểu sâu hơn cách suy nghĩ và phương pháp tư duy của những người mắc hội chứng này thông qua phân tích sáu loại hình rối loạn lo âu cơ bản, bao gồm chứng ám ảnh sợ hãi chuyên biệt, cơn hoảng loạn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan toả, rối loạn căng thẳng sau sang chấn và chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội.

Xem thêm:   Đừng Hoài Phí Tuổi Trẻ

“Lo âu không phải kẻ thù. Giống như các trạng thái cảm xúc khác, nó cũng là một người bạn của chúng ta. Sự tồn tại của cảm giác lo âu khiến chúng ta nâng cao cảnh giác trước những mối đe dọa và hiểm nguy tiềm ẩn quanh mình.” (Trang 12)

Đánh giá cá nhân:

Trên thị trường hiện nay, các đầu sách tâm lý khá phổ biến và phong phú, mạnh mẽ và nổi trội nhất phải kể đến là các tác giả, nhà tâm lý học phương Tây. Song riêng Tâm lý học về sự lo âu, tác giả Đổng Tâm Khiết là người Trung Quốc nên lối diễn đạt mang đậm văn phong châu Á, gần gũi với độc giả Việt Nam hơn do có nhiều nét tương đồng về văn hóa; nghĩa của từng câu, từng từ theo cá nhân mình thấy vẫn được giữ nguyên và truyền tải đúng nội dung tác giả mong muốn. Tâm lý học về sự lo âu gây ấn tượng với mình ngay từ dòng mở đầu:

“Bạn có thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu?”

Đến đoạn thứ hai thì nhận được câu trả lời trùng với đáp án vừa lóe lên trong đầu:

“Có, rất thường xuyên, thậm chí lo âu đến cực độ.”

Và nối tiếp là các dẫn chứng mô tả những trải nghiệm hàng ngày khi chúng ta phải sống trong nỗi lo âu: khi gia đình xảy ra bất hòa, công việc không thuận buồm xuôi gió, những trắc trở trong tình yêu hay khi thời gian gấp gáp mà nhiệm vụ trên vai ngày một nặng nề,…

Xem thêm:   Muội Tro

Bên cạnh đó, Đổng Tâm Khiết cũng rất tâm lý khi e sợ độc giả sẽ cảm thấy khô khan, nhàm chán và khó tiếp nhận thông tin một cách trọn vẹn nếu chỉ cung cấp lý thuyết suông, do đó, cuối một số phần sẽ có bảng khảo sát nhỏ để người đọc tự thực hành, đánh giá và tổng hợp lại về bản thân, giúp ta hiểu rõ về trạng thái lo âu hiện tại của mình. Phần kiến thức bên lề cũng khá thú vị với những thông tin mới, trích dẫn hay, góp phần truyền tải sâu sắc, cặn kẽ nội dung đã đề cập trước đó.

“Nếu bạn không thể đối mặt với nỗi lo âu của chính mình để kịp thời xử lý, vậy nó sẽ không vơi bớt mà ngược lại ngày càng tăng thêm. Nếu bạn không dám nhìn vào nó, bạn cũng sẽ không cách nào chuyển nó thành sức mạnh hữu dụng cho cuộc sống trước mắt cũng như sau này.” (Trang 17) 

Tạm kết, trong một thế giới mà những lo âu về tiền bạc, các mối quan hệ và sự thành đạt luôn giam giữ con người chúng ta thì rất cần những liều thuốc tinh thần để vỗ về, an ủi. Và Tâm lý học về sự lo âu xứng đáng là một cuốn sách sâu sắc và thực tiễn dành cho tất cả mọi người – những người đôi khi tưởng rằng mình đứng ngoài các chứng bệnh thời đại, nhưng thực ra các rối loạn lo âu không chừa một ai – vì không một ai không sống trong thời đại của lo âu.

Xem thêm:   SachTruyen.Net -Hủ nữ gaga (AMUN)

“Thứ cản trở chúng ta không phải là bản thân sự việc, mà là cách chúng ta nhìn nhận sự việc đó.” – Epictetus

Thank you for reading!

Review & Photo by Thu Hồng Hoàng.

Related Posts