[Sách Mới Sắp Phát Hành] Đội Săn Của Quốc Vương STAKH

Uladzimir Karatkievich là nhà văn nước Cộng hòa Belarus với thiên tiểu thuyết Đội săn của Quốc vương Stakh (1959), được chấp bút từ năm 1950. Đội săn của Quốc vương Stakh lấy cảm hứng từ một truyền thuyết thế kỷ XVII về sự báo oán truyền đời khủng khiếp giáng xuống đầu mười hai thế hệ hậu duệ liên tiếp của dòng họ đại quý tộc Sliakhta Lanousky, do phạm tội phản bội tày đình: lừa sát hại Quốc vương Stakh trong đêm trước ngày dấy nghĩa.

Bối cảnh lịch sử của câu chuyện ly kỳ đan xen các yếu tố giữa hoang đường và hiện thực, giữa ma quỷ và con người diễn ra trên nền các sự kiện lịch sử những năm 80 – 90 hắc ám trong lịch sử Đế quốc Nga.

REVIEW: ĐỘI SĂN CỦA QUỐC VƯƠNG STAKH – ULADZIMIR KARATKIEVICH.

“Đội săn của quốc vương StakH” là một áng văn cổ điển muôn phần lạ lùng. Nơi những hồn ma bóng quế xuất hiện hằng đêm nhưng không gây ám ảnh, chỉ có phẫn uất tích tụ ngày một dâng cao. Nơi làng quê hiện lên chẳng có mảy may một cảnh bình yên thơ mộng, chỉ có lạc hậu, đói nghèo và giá lạnh. Nơi mà người đọc bị níu chân không phải chỉ vì yếu tố trinh thám kỳ ảo được giới thiệu trên bìa mà là vì mọi thứ được viết trong ruột cuốn sách. Nơi tình yêu và sự giải thoát được sinh ra từ những đầm lầy u tối, những rừng tùng bạt ngàn sắc như dao và những trái tim đỏ lửa khao khát tự do.

Xem thêm:   Chúa tể những chiếc nhẫn - Đoàn hộ nhẫn

Câu chuyện mở ra bằng dòng hồi tưởng của anh chàng học giả chuyên nghiên cứu văn học dân gian Andrei Belaretsky. Trong tháng ngày trai trẻ bôn ba kiếm tìm những câu chuyện cổ được lưu truyền trên khắp đất nước mình, anh tình cờ lưu lạc đến vùng Rừng Tùng Đầm Lầy rồi gặp gỡ tiểu thư Nadzeia Ianousky – người thừa kế đời thứ 12 của một dòng họ bị nguyền rủa vì có cụ tổ phản bội và giết hại quốc vương Stakh trước ngày dấy binh, dẫn đến sự thất bại đầy tiếc nuối của cuộc khởi nghĩa nhằm dành lại độc lập cho đất nước Belarus năm 1602. Xót thương cho nàng tiểu thư ngây thơ thiện lành phải gánh chịu tội lỗi của tổ tiên, Belaretsky hạ quyết tâm giúp đỡ nàng, để rồi trên mảnh đất tăm tối xối xả mưa rơi đó, anh chứng kiến nhiều vấn nạn nhức nhối của tầng lớp quý tộc thời bấy giờ cũng như khám phá ra bí ẩn về lời nguyền báo oán truyền đời đối với dòng họ Ianousky.

“Đội săn của quốc vương Stakh” vốn là một tác phẩm rất cầu kỳ trong việc miêu tả phong cảnh và bối cảnh. Những làng quê ảm đạm, bãi hoang lộng gió tiêu điều, lau lách lay động dưới trăng mưa… là khung cảnh hoàn hảo để tác giả khắc họa sự tương phản với cuộc sống kiểu cách đầy sĩ diện của tầng lớp quý tộc hết thời, giữa một chốn khỉ ho cò gáy gần như cách biệt với thế gian. Và để truyền tải đầy đủ những gì tác giả muốn thể hiện, phải dành một lời khen lớn cho bản dịch của Hà Minh Thắng, với lời văn mang hơi hướng cổ điển có thể cảm nhận là khá hợp rơ với không khí huyền ảo của truyện, từ lời thoại của nhân vật đến những từ ngữ cổ ít thấy hiện nay, tất cả mang lại một không khí như nhấn chìm độc giả trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đối với một người ít tiếp xúc với các tác phẩm có tuổi đời lớn như mình, lối dịch của Hà Minh Thắng đôi khi lại khiến mình khá bối rối với những câu miêu tả dài, gần như rất khó để tưởng tượng.

Xem thêm:   Nữ Thần Athena Là Ai - Cẩm Nang Kiến Thức Thần Thoại Hy Lạp

Yếu tố trinh thám của một cuốn sách được viết vào những năm 50 của thế kỷ trước hẳn không còn khiến cho độc giả trung thành của dòng văn học này trầm trồ, khi họ đã được tiếp xúc với những cốt truyện mới mẻ sản sinh theo thời gian. Song, không thể phủ nhận tài hoa của tác giả khi ông đã cực kỳ thành công trong việc lồng ghép những trò ma mãnh siêu nhiên vào tác phẩm của mình mà không gây phản cảm hay hoang mang, ngược lại rất hợp lý và chặt chẽ, kết cấu phù hợp vừa đủ kịch tính với một đoạn kết hơi hướng bạo lực nhưng không kém phần nhân văn. Chính sự vừa vặn này đã khiến yếu tố tình cảm nhẹ nhàng trong câu chuyện trở nên thơ mộng hơn, như một nét chấm phá cần thiết trong bản anh hùng ca của người thanh niên quý tộc ngay thẳng mang tư tưởng tiến bộ Andrei Belaretsky.

Không ngoa khi nói rằng tư tưởng tiến bộ và tính cách quật cường của Belaretsky hẳn cũng được phác họa từ chính lối suy nghĩ của tác giả đối với bối cảnh xã hội khiến ông nhức nhối. Những hình ảnh của đám quý tộc méo mó về nhận thức thỏa thuê đàn áp người dân lao động nghèo, quan lại nhận hối lộ mà quên mất nhiệm vụ của mình… là phép ẩn dụ cho xã hội Nga hoàng thời bấy giờ. Ở nơi đó, khi những bất công lên đến đỉnh điểm, sẽ luôn có những thanh niên trí thức như Belaretsky và Svetsilovich, những Rygor dũng mãnh dẫn đầu đoàn người đòi lại tự do, đánh đổ chế độ và những bất công. Người dân ở trang ấp Rừng Tùng Đầm Lầy đã đạt được chiến thắng mà mình mong cầu, thể hiện cho ước muốn đầy nhân đạo của tác giả về một xã hội công bằng hơn. Nhưng đâu đó, chính ông cũng biết rằng không thể nào tận diệt triệt để những sâu mọt tồn tại trên thế giới này, và hình ảnh đội săn ma quái của quốc vương Stakh sẽ mãi hiện hữu nơi trần gian với những bước phi ngựa “là là trên mặt đất tối tăm ảm đạm”,bởi chúng không thể nào hết thời “chừng nào trên Trái Đất này còn tồn tại sự tối tăm, đói khát, bất công cùng sự khiếp nhược u mê”.

Xem thêm:   11 Điều nên làm trước tuổi 20 - Học viện ABIM Academy

Đánh giá cá nhân: 8/10

Related Posts