Tàn Lửa

  • Tác giả: Shizukui Shusuke. Dịch giả: Dương Hoa
  • Thể loại: Trinh thám tâm lý – pháp lý Nhật Bản

Sau khi đọc bài review cuốn sách này viết bởi một thành viên kỳ cựu của Hội Trinh Thám, Biển rất hứng thú nên đã tìm đọc. Có thể nói ngắn gọn là truyện hay, Biển không tiếc thời gian đọc.

Truyện mở đầu với cảnh thẩm phán Isao đang xét xử ở tòa. Thủ phạm Takeuchi bị kết tội sát hại dã man gia đình người bạn thân, trong đó có một đứa trẻ mới 7 tuổi bị hung thủ dùng cà vạt siết cổ đến chết. Vì bên công tố không thể đưa ra đủ chứng cứ nên thẩm phán Isao đã đọc bản luận tội rồi đưa ra phán quyết khiến tất cả mọi người kinh ngạc và phẫn nộ. Sau vụ xử đó, Isao về hưu. Công việc tiếp theo của ông là giảng dạy về pháp luật ở trường ĐH. Ba năm sau, ông tái ngộ Takeuchi tại giảng đường khi gã vào dự thính. Isao mời Takeuchi tham gia buổi học để kể lại vụ án oan của gã cho các sinh viên tham khảo. Ít lâu sau, Takeuchi ‘tình cờ’ chuyển nhà đến sát cạnh nhà Isao, trở thành hàng xóm thân thiết của ông. Kể từ đó, gia đình Isao liên tục xảy ra những chuyện lạ khó chịu, bắt đầu là sự qua đời của mẹ ông, sau đó thì đến con dâu Yukimi hục hặc với con trai ông về chuyện chăm sóc cháu. Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi Yukimi bị đẩy vào tình thế phải ra khỏi nhà.

Trinh thám tâm lý Nhật thì Biển đã đọc không ít, nhưng trinh thám pháp lý Nhật thì dường như đây là cuốn đầu tiên Biển đọc. Phần pháp lý không nhiều, đúng ra tác giả viết về bối cảnh tòa án, có nhân vật chính là thẩm phán, nhưng không phải để nhấn mạnh vào tính pháp lý mà là qua đó viết sâu về tâm lý. Ngay từ đầu, tình tiết phát triển theo hướng khó mà đoán trước khiến nội dung truyện trở nên mới mẻ. Tính sáng tạo của cốt truyện là một trong những đặc điểm thú vị đáng giá của quyển sách này.

sach-tan-lua
Sách Tàn Lửa

Truyện không có quá nhiều nhân vật. Mỗi nhân vật đều có đất diễn riêng biệt. Theo nhận định của Biển thì có bốn nhân vật chính, bên chính diện gồm thẩm phán Isao, Hiroe vợ ông và Yukimi con dâu của ông; bên phản diện là Takeuchi. Phần mô tả diễn biến tâm lý của nhân vật được viết rất chắc tay, đọc thấy hợp lý.

Xem thêm:   Đêm Trường Tăm Tối

Isao là người đàn ông ngoài ngũ tuần, đã lên đến chức thẩm phán nhưng lại có có tính cách không kiên quyết, làm thẩm phán mà lại sợ phán án tử hình cho tội phạm. Ông không muốn ra quyết định giết người, dù người ấy là kẻ sát nhân nguy hiểm. Ông luôn tâm niệm rằng “phải yêu thương con người”, mà quên rằng ở cương vị của mình, nếu yêu thương sai đối tượng thì ông sẽ để lại hậu họa cho rất nhiều người khác, có khi bao gồm cả chính mình trong đó. Biển nghĩ cái tính lừng khừng của Isao chỉ có thể nhận xét bằng bốn chữ “trời ơi đất hỡi”! Chưa hết, đối với xã hội, Isao là người đáng kính trọng, có thể nói là chính trực, nhưng với gia đình, ông là người không hề có trái tim, có thể đoạt giải “người chồng – người cha vô tâm và thờ ơ nhất thế kỷ”.

Biển chưa tìm hiểu xem tiểu thuyết “Tàn lửa” được lấy bối cảnh là năm nào ở Nhật, cách suy luận để phá án + cách suy nghĩ và ứng xử của các nhân vật nữ khiến Biển cho rằng đây là truyện trinh thám cổ điển. Hai nhân vật nữ chính là Hiroe và Yukimi sẽ khiến người đọc rất bức bối với tình cảnh của họ. Hiroe thì bị chồng (là Isao) giao phó toàn bộ việc nhà, phải chăm sóc mẹ chồng bệnh liệt giường, còn đối mặt với những lời cay nghiệt của chị chồng. Yukimi là một người mẹ trẻ đang nỗ lực với việc chăm sóc đứa con 3 tuổi, trong khi chồng cô (là con trai của Isao) cứ như sống trên mây, chẳng quan tâm gì đến những nỗi vất vả của vợ. Nếu những mối quan hệ hôn nhân-gia đình diễn ra trong tiểu thuyết “Tàn lửa” là sự thật của xã hội Nhật thập niên 90 trở về trước, thì Biển hoàn toàn hiểu được vì sao hiện nay Nhật có dân số già, và phụ nữ Nhật thì không muốn kết hôn.

Xem thêm:   Lost Connections - Mất Kết Nối

Nhân vật phản diện Takeuchi khiến Biển liên tưởng mạnh mẽ đến cuốn “Kẻ ác cạnh bên” – một quyển sách phi hư cấu viết cặn kẽ về sociopath / psychopath – kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Takeuchi tuy là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết “Tàn lửa” nhưng Biển thấy gã rất thích hợp được đưa vào làm thí dụ trong những bài giảng tâm lý học về sociopath. Trong thực tế, tuy không nhiều kẻ như Takeuchi tồn tại quanh chúng ta, nhưng tưởng tượng chỉ cần một kẻ như thế trở thành hàng xóm của mình thì với Biển đó là cơn ác mộng biến thành sự thật.

Không biết tác giả có dụng ý gì khi xây dựng vai trò của cảnh sát trong truyện quá mờ nhạt, đã vậy còn ngốc, không hề có tư chất thám tử + người thừa hành pháp luật. Hệ thống tư pháp của Nhật – cụ thể là cách phán xử tội phạm – cũng bị đem ra chê trách. Biển không rõ là khi cuốn “Tàn lửa” ra đời thì ở Nhật đã bãi bỏ án tử hình chưa. Xoay quanh việc “có nên thi hành án tử hay không”, Biển nhớ được ít nhất ba cuốn trinh thám Nhật đề cập nhiều về điều này, là “Thánh giá rỗng”, “Ác ý” và “Thú tội”.

“Tôi luôn nghĩ hệ thống tư pháp của Nhật Bản vẫn còn xử quá nhẹ tay với tội phạm… dù có bị tù chung thân thì sau 10 năm lại sẽ được ân xá. Nói thẳng ra là đất nước này quá tử tế với tội phạm”.

Ngẫm kỹ thì các tình tiết trong “Tàn lửa” đậm chất hư cấu, nhưng chính vì mọi chuyện gây ra bởi một sociopath như Takeuchi nên chất hư cấu lại trở nên hợp lý, có thể chấp nhận được! Bài học quan trọng mà Biển rút ra sau khi đọc cuốn này là: Phải suy xét kỹ lưỡng trong mọi việc mình làm, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người với người. Mọi sự thiếu quyết đoán và tắc trách cũng giống như vung tàn lửa đi khắp nơi, một lúc nào đó gió sẽ cuốn tàn lửa trở về thiêu rụi tất cả những gì thuộc về mình, kể cả bản thân mình.

Xem thêm:   Avalon Hotel Hanoi

Truyện được viết bằng giọng văn bình thản, không cố ý sử dụng những từ ngữ mạnh hay giựt gân nhưng vẫn rất lôi cuốn. Phần dịch thuật và trình bày ổn. Hai cây gậy bóng chày trên bìa sách có tiết lộ đôi chút về hung khí nhưng không hề spoil tác phẩm. Biển cho rằng “Tàn lửa” là một quyển trinh thám đáng đọc.

Nguồn: Cáo Biển Non Xanh – (Sea, 24-5-22)

Related Posts