Ông già và biển cả – Ernest Hemingway

Đánh giá bài viết

Tám mươi tư ngày trôi qua mà lão không săn được nổi con cá nào! Lão ngư dân Santiago đã lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu như thế. Ở làng chài ấy ngư dân nào cũng khinh thường lão, đến nỗi mà bố mẹ thằng nhóc Manolin, thằng nhóc thường hay đi cùng lão câu cá, đã cấm ngặt nó đi săn cá cùng lão sau bốn mươi ngày đầu tiên. Thằng nhóc đi săn trên thuyền khác và ngay lập tức săn được bao nhiêu là cá. Nó buồn lắm, vì nó thương lão Santiago hết mực. Đến ngày thứ tám mươi nhăm, Santiago, thằng nhóc Manolin và cả đám ngư dân ở làng chài đều chẳng ai tin ngày hôm nay sẽ khác với lão. Chẳng ai tin ngày này sẽ trở thành ngày định mệnh của cuộc đời lão cho đến khi lão ra khơi chạm trán con cá kiếm khổng lồ.

Cuộc chiến đấu của Santiago với con cá kiếm và sau đó là cả bầy cá mập thật đúng với câu nói sau đây: “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy. Nếu bạn không thể chạy, hãy đi bộ. Nếu bạn không thể đi bộ, hãy bò. Dù với bất cứ phương pháp nào hãy nhớ bạn luôn phải tiến về phía trước,” của mục sư Martin Luther King. Và Santiago đã làm đúng như thế, bắt đầu lão dùng dây câu, dùng lao chiến đấu với cá kiếm, sau khi mất lao, lão dùng dao găm gắn vào mái chèo, dao gẫy lão dùng chùy, sau khi chùy bị cướp mất, lão giật tung cả bánh lái ra tử chiến với bầy cá mập xâu xẻ rỉa thịt con cá kiếm. Chỉ một mình lão, một con thuyền, với dây câu, với lao, với dao găm, với chùy, đơn độc một mình giữa đại dương bao la. Đại dương cho lão tất cả nhưng cũng lấy đi của lão tất cả. Thế nhưng lão vẫn yêu đại dương, lão vẫn xem đại dương là bạn, xem đại dương như người phụ nữ. Lão vẫn yêu con cá kiếm, xem nó là bạn, xem nó là đối thủ xứng tầm cao quý của mình. Lão vẫn yêu thương con cá bị mình giết. Tình yêu thiên nhiên thể hiện qua ngòi bút tác giả thấm đẫm từng trang sách. Thiên nhiên hào hùng, lão Santiago cũng mạnh mẽ không kém dù trong cuộc chiến không cân sức. Cảnh đại dương bao la, hùng vĩ mênh mông là nước không nhin thấy bờ với từng bầy cá chuồn bay trên mặt biển, với những chú chim săn cá, với những hung thần của đại dương như cá mập và cá kiếm. Lão đã chiến đấu đến sức cùng lực kiệt, đến khi từng món vũ khí của mình đều không còn, vận dụng đến cùng từng kinh nghiệm đi biển đánh cá, đến mức khắp người đều đau đớn, hay bàn tay chảy máu. Một mình lão chống lại cả đại dương, với tinh thần không có gì là không thể một khi ta đã quyết tâm đến cùng, “con người có thể bị hủy diệt nhưng không bao giờ bị khuất phục,” lão luôn tâm niệm như vậy. Lão luôn mong muốn mình được làm chủ đại dương, luôn mong muốn mình trở nên mạnh mẽ như bầy sư tử. Ngay cả cho dù đến cuối cùng Santiago đánh mất tất cả, nhưng lão vẫn tự lực cánh sinh, không trông đợi vào bất kỳ điều thần kỳ nào, ngay cả vào Chúa, vào Đức mẹ hay cả thằng nhóc Manolin. Ernest Hemingway đã xây dựng nên một nhân vật lão ngư dân bình thường nhưng bất khuất, mạnh mẽ đến vô song, từ hình ảnh ấy toát lên một tinh thần ngập tràn niềm tin, ngập tràn hy vọng vào ngay cả những khoảnh khắc hiểm nghèo tuyệt vọng nhất.

Xem thêm:   Điệu Nhảy Của Shokupan

Và đương đầu với lão Santiago gai góc, quả cảm và kiên cường ấy, thỉ đại dương cũng phải mang tới cho lão những đối thủ mạnh tương đương. Con cá kiếm và bầy cá mập! Chúng to lớn, cường tráng, mạnh mẽ, với trí thông minh và lợi thế chiến đấu trên địa bàn của chính chúng. Dần dần những thử thách giáng xuống đôi vai già nua của Santiago ngày càng ghê gớm hơn trước. Đầu tiên là con cá kiếm, là cuộc chiến về sức bền, về trí tuệ và kinh nghiệm đi biển. Cuộc chiến không cân sức lần thứ nhất có lúc khiến lão suýt bị lôi thẳng xuống biển. Đây đúng là cuộc chạy đua đúng nghĩa, khiến tay trái lão bị cứa đứt hết lần này tới lần khác, khiến lưng và hai vai lão đau đớn nhức buốt, khiến lão buộc phải ăn cá sống ngay trên biển để duy trì sự sống, hao tổn của lão quá nhiều sức lực và nơ ron thần kinh. Con cá kiếm uy vũ, tuyệt đẹp đến choáng ngợp, tấm thân to lớn vô cùng chiến đấu với lão rất ung dung, nhẹ nhàng nhưng vì nó mà lão mất đi quá nửa sức lực, mất không ít máu. Khuất phục được nó nhưng lão vẫn dành cho nó sự kính nể, sự tôn kính vốn chỉ dành cho đối thủ cân sức cân tài và cao thượng. Lão những tưởng đại dương chỉ thử thách mình bằng con cá kiếm bự chà bá này thôi, lão hài lòng vì chuyến đi săn có thành quả quá đỗi ngọt ngào. Nhưng thử thách này vượt qua thì nguy cơ khác lại tới, vì đại dương đã chứng kiến Santiago quá quả cảm. Bầy cá mập chính là đòn nghiệt ngã cuối cùng của tự nhiên giáng xuống đầu lão. Santiago đã chiến đấu đến tận cùng, khi lão đã sức tàn lực kiệt. Bầy cá mập vừa đông hơn, vừa khỏe hơn, vừa thiện chiến hơn và khát máu hơn bao giờ hết. Đơn độc, trong tay không có vũ khí sát thương cao, kiệt sức và đói lả sau ba ngày ba đêm quần thảo với cá kiếm mà chỉ ăn cá sống và uống nước cầm hơi, không người giúp đỡ hỗ trợ bên cạnh, Santiago đành chấp nhận thất bại.

Xem thêm:   Bốn Thỏa Ước

Phải thừa nhận lâu lắm rồi mới lại được chiêm ngưỡng hỉnh ảnh kẻ thất bại oai hùng như Santiago. Lão tuy thất bại vì không thể bảo vệ được xác con cá kiếm nguyên vẹn, nhưng lão vẫn ngẩng cao đầu vì lão thua cả trận chiến nhưng lão đã chiến thắng chính bản thân mình, không nao núng, không gục ngã trước thiên nhiên hùng vĩ nhưng nghiệt ngã, những người dân làng đã phải nhìn lão bằng con mắt khác, hình ảnh kiệt quệ, tơi tả, máu me của lão trở nên ngày càng đẹp đẽ và oai hùng hơn trong mắt Manolin. Không ai có thể chống lại và chiến thắng tự nhiên, Santiago tuy đã mất hết tất cả nhưng lão không oán trách, không tuyệt vọng, tuy đã mất hết tất cả khi đưa con thuyền nhẹ băng băng về nhà, lão vẫn cảm thấy cõi lòng thanh thản, không gợn sóng. Như thể lão chỉ thua một hiệp đấu trước đại dương muôn trùng bao la, để rồi hiệp sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và ra khơi lần nữa cùng Manolin lão sẽ lại thắng.

Tiểu thuyết này có những đoạn miêu tả của Ernest Hemingway mình rất thích, xin được trích lại:

“Nhìn khắp mặt biển giờ lão mới thấy mình cô độc làm sao. Nhưng lão có thể trông thấy những hình lăng trụ dưới vùng nước tối, sợi dây câu đang kéo căng phía trước và chuyển động nhấp nhô lạ lùng của mặt biển. Cơn gió mậu dịch thổi những đám mây chồng lên nhau, nhìn về phía trước mặt, lão trông thấy một đàn vịt trời đang bay in bóng xuống mặt nước, chúng khuất sau làn mây, rồi lại hiện ra và lão biết trên biển con người không hề đơn độc.”

“Trời giờ đã buông tối, vào tháng Chín sau khi mặt trời lặn trời tối rất nhanh. Lão ngả lưng xuống bề mặt gỗ đã mòn phía mũi thuyền, nghỉ ngơi thư giãn toàn bộ. Những vì sao đầu tiên xuất hiện. Lão chẳng biết tên gọi của vì sao Rigel nhưng lão đã trông thấy nó, biết rằng chẳng bao lâu chúng sẽ hiện ra bằng hết, và tất cả những vì sao xa xôi ấy là bạn của lão.

“Con cá kia cũng là bạn của mình,” lão nói lớn. “Mình chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói về một con cá như vậy. Nhưng mình phải giết nó. Mình thấy mừng khi chúng ta không phải cố gắng giết chết những vì sao.”

Cứ tưởng tượng nếu mỗi ngày con người phải cố gắng giết chết mặt trăng xem, lão nghĩ. Mặt trăng vì thế sẽ chạy trốn mất. Nhưng hãy tưởng tượng mỗi ngày con người phải giết cho kỳ được mặt trời xem? Chúng ta thật may mắn làm sao khi được sinh ra, lão nghĩ.”

“Nhưng con người không phải sinh ra để thất bại,” lão nói. “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục.” Mình rất tiếc vì đã giết chết con cá đó, lão nghĩ.

“Đừng có ngốc thế,” lão nói lớn. “Tỉnh táo lại và lái thuyền đi. Mày có thể gặp nhiều may mắn hơn đấy.”

“Mình thích mua một ít may mắn nếu nó được bán ở bất kỳ đâu,” lão nói.

Mình có thể mua nó bằng gì nhỉ? lão tự hỏi. Mình có thể mua nó bằng mũi lao đã mất, con dao đã gẫy và đôi bàn tay trầy xước không?

“Mày có thể,” lão nói.”Mày đã cố gắng mua nó với cái giá tám mươi tư ngày lênh đênh trên biển. Chúng cũng đã suýt được bán cho mày.”

Related Posts