Ô Nhục

Lần lữa mãi từ lúc dich xong tới giờ mới viết bài về Ô Nhục. Có ngạc nhiên lắm không khi mình đã đọc cuốn Ruồng bỏ, đã dịch Ô Nhục và đọc lại bản dịch rồi nhưng có chỗ vẫn không hiểu ý của Coetzee cho lắm. Hix. Nên bài viết này chỉ như một bài viết ngắn về Ô Nhục mà thôi, vì từ lúc sách ra mình vẫn chưa review nó.

John Maxwell Coetzee là nhà văn Nam Phi ông chuyên viết về đất nước mình thời hậu Aparthied, một trong những giai đoạn đầy biến động của Nam Phi. Giai đoạn mà người da đen bắt đầu được tôn trọng hơn, giành lại nhiều đặc ân mà trước giờ họ đã bị cướp đi, giành lại nhiều quyền lợi hơn. Trong bối cảnh ấy Coetzee viết Ô Nhục về giáo sư David Laurie quay cuồng trong xã hội ấy. Cách viết của Coetzee là không giải thích nhiều về bối cảnh, như kiểu ông chỉ tạo nên một bối cảnh như thế, ném các nhân vật vào sau đó để nhân vật hành động theo ý họ chịu sự sai khiến của khao khát, của ham muốn, của lòng hận thù, của tình yêu thương và lương tâm, và tự gánh lấy những hậu quả của nó không một lời giải thích lý do. Điều này khiến các độc giả cảm thấy đôi chỗ khó hiểu tại sao họ làm thế. Coetzee tạo ra hai bối cảnh ở phần mở đầu và phần gần giữa truyện, hai bối cảnh vừa liên quan lại vừa tương phản nhau rõ nét, mạnh mẽ. Thứ nhất là chuyện tình, hay đúng hơn là vụ bê bối giữa David với một nữ sinh trong lớp của ông, Melanie Isaacs. Ông yêu nàng, ông luôn nghĩ đến nàng, ông ăn nằm với nàng không quan tâm đến cản xúc của nàng. Và ông ngỡ đó là tình yêu, một tình yêu thật đẹp giữa hai người. Bất chấp vì tình yêu ấy mà ông mất việc, mất uy tín, bị sỉ nhục. Ở bối cảnh này David như một kẻ cửa trên, còn Melanie là cô nữ sinh cửa dưới xinh đẹp, mà với David, sắc đẹp của phụ nữ không phải là thứ cô ta giữ cho mình, mà cô ta phải có trách nhiệm chia sẻ nó. Với ông. Ông không hề cho rằng mình gạ tình, mình quấy rối. Sự việc ấy đúng nghĩa là chuyện tình. Ngay khi trông thấy Melanie ông đã muốn được quan hệ với nàng, ông thấy nàng thật xinh đẹp, và nàng phải dành cho ông. Luc này văn của Coetzee thật đẹp. Nó trái ngược hoàn toàn với bối cảnh thứ hai, Lucy, con gái David ở vùng thôn quê Nam Phi khi David dọn về đây vài hôm sau bê bối, bị 3 tên da đen hãm hiếp. Ở bối cảnh này, tình thế hoàn toàn trái ngược. Ba tên da đen kia lại ở cửa trên, Lucy là cửa dưới. Cô khiếp sợ nhưng chấp nhận vì mình đang ở đất của người da đen, cũng như Melanie đang học ở trong lớp của David. Chuyên xảy ra với Lucy khiến David nhìn nhận lại tất cả, cả chuyện giữa ông với Melanie. Coetzee đặt David vào bối cảnh tương phản này khắc sâu thêm nhân quả đối với David, ông vơi Melanie là tình yêu hay là quấy rối, là nàng thuận tình hay ông ép nàng? Là Melanie phục tùng ông như Lucy phục tùng Petrus và những tên da đen ấy, hay Melanie yêu ông thật sự? Ông với Melanie liệu có khác gì những tên da đen kia, và Melanie liệu có khác gì Lucy không? Melanie khiếp sợ ông như Lucy khiếp sợ những tên da đen ấy. Chuyện giữa ông với Melanie và chuyện giữa Lucy với những tên da đen ấy như thể khắc họa cả một giai đoạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cán cân nghiêng về mỗi bên một thời gian. David bỗng thấy khinh bỉ chính mình, tự cảm thấy mình ô nhục, bất lực trong nỗi đau của Lucy. Nó dần biến ông thành con người khác, tự chấp nhận những gì xảy ra với mình. Tự tim đến vở opera viết mãi chưa thành mà ông tự dỗ minh rằng nó sẽ thành công.

Xem thêm:   Vô Cùng Tàn Nhẫn, Vô Cùng Yêu Thương

“Con đực phải được cho phép thỏa mãn những bản năng của nó mà không bị kiểm soát ư? Như thế là đạo đức ư? […] Không, như thế là vô đạo đức. Điều nhục nhã là con chó tội nghiệp bắt đầu căm ghét chính tập tính của nó. Nó không cần ai đánh đập nữa. Nó đã sẵn sàng tự trừng phạt chính nó. Nó có thể thích điều này hơn những lựa chọn trước mắt: một mặt phủ nhận tập tính của nó, mặt khác dành toàn bộ thời gian còn lại dạo quanh phòng khách, thở dài, ngửi đít mèo và càng ngày càng béo ú lên”.

Nếu hỏi nhân vật nào mình ấn tượng nhất trong Ô Nhục, thì đó là bà Bev Shaw. Bà ấy làm công việc rất kỳ lạ, hóa kiếp cho những con vật nuôi đã hết thời, bị bệnh tật, chấn thương hoăc đơn giản là do chủ của chúng không muốn nuôi tiếp nữa nhưng họ không đủ can đảm để giết. Chẳng ai làm thì bà ấy làm, Bev đã nói thế và bà ấy làm việc này thực sự có lượng tâm, ôm ấp, âu yếm, vuốt ve, mơn trớn, an ủi nựng yêu từng con trước khi giết chết chúng. Không nghĩ ở Nam Phi lại có cái nghề như thế này tồn tại. Melanie hay Lucy liệu có khác gì những con thú này, như thể sẽ bị làm thịt vào bất kỳ lúc nào. Bởi người da đen bởi cả người da trắng. Xung quanh họ chẳng tồn tại thứ gì đẹp đẽ, chỉ có sự ô nhục, sự bất lực bủa vây. Những con chó bị thương đã được Bev vỗ về và tiễn sang thế giới bên kia. Nhưng còn ông và Lucy, hai con chó bị thương trong cái lồng to là miền quê ấy, trong cái lồng to hơn là xã hội Nam Phi ấy, ai sẽ giải thoát cho họ khỏi nỗi ô nhục và bất lực đây?

Xem thêm:   Vượt Lên Trật Tự - 12 Quy Tắc Cho Cuộc Sống

Những chi tiết mình thấy khó hiểu như khi David quan hệ với cô gái điếm sau khi rời nhà Melanie, chuyện David muốn tìm đến nơi nương náu, nơi trú ẩn trong vở opera, muốn tìm thấy sự an ủi, vỗ về của Teresa trong nỗi đau bị chồng phụ tình? Ông muốn trốn tránh hiện thực đau khổ bằng cách chui vào vòng tay của người đàn bà trong vở opera đó chăng? Còn nữa tại sao ông lại đem giết cả con chó bị què một chân dù ông quý nó ở phần cuối truyện? Phải chăng con chó ấy tượng trưng cho phần đời trước kia của David, trăng gió nhưng rồi phải chịu cảnh già nua, ô nhục như ông bây giờ? Không lý do. Giọng văn dài nhưng lạnh lẽo của Coetzee như khiến người đọc phải tự luận, tự suy nghĩ cố mà tự hiểu ra từ hành động của nhân vật trong bối cảnh đó. Thế nên nhiều người nói văn của ông khó đọc, khó hiểu vì mình có lẽ không ở trong hoàn cảnh ấy, không nếm trải nỗi đau ấy, không có cùng những khao khát như của David. Thật may vì mình vẫn còn viết được những dòng này, vẫn không cảm thấy cốt truyện như dần vuột khỏi tay mình. Lâu rồi mình mới gặp cảm giác này, cảm giác ý tưởng của tác giả là cái gì đó xa xôi, thâm sâu khó có thể vươn tới ngay cả khi đang dịch truyện của tác giả. Nhẽ khi mình già rồi sẽ mở Ô Nhục ra và đọc lại? Hay chính sự khó thấm ấy tạo nên sức hấp dẫn của văn chương Coetzee?

Related Posts