“Nhụy Khúc” – Đinh Phương

Đánh giá bài viết
“NHỤY KHÚC” CỦA ĐINH PHƯƠNG: KHI TÁC GIẢ TRẺ VIẾT VỀ NHỮNG DÒNG THỜI GIAN CŨ

Kinh nghiệm chỉ là bài học trong những chuyện đã có tiền lệ, không có kinh nghiệm cho những điều chưa xảy đến, chưa trải qua. Vậy với thế hệ những nhà văn trẻ sinh sau cột mốc Giải phóng – những người chưa từng sống trong thời kỳ đầy biến động của đất nước – làm cách nào để họ có thể viết lên áng văn lột tả những suy nghĩ chân thực nhất của mình về các dữ kiện lịch sử, mà không phạm phải sai sót do thiếu những trải nghiệm thực tế?

Với những chuyện chưa có tiền lệ, tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm.

“Nhụy Khúc” của Đinh Phương là một trong số ít tác phẩm mình cảm thấy tác giả cực kỳ khéo léo khi lồng cảm nhận cá nhân về những yếu tố lịch sử trong tuyến cốt truyện mà không bị gượng ép, rập khuôn như nhiều thế hệ đi trước. Đinh Phương hiểu rõ một điều: các tác giả trẻ trong thời bình chỉ được nghe về lịch sử qua sách báo, loa đài – những công cụ, sản phẩm được thêu dệt từ suy nghĩ và định hướng của con người, chứ sẽ không, và chẳng bao giờ có cơ hội “sống lại” khoảnh khắc lịch sử đó. Hiểu được điều này, nên văn của Đinh Phương về lịch sử cũng khác lắm. Trong khi nhiều tác giả trẻ luôn phải che dấu tính tuổi tác hoặc ép giọng văn của mình phải thật khô cứng, thật trải đời khi viết về văn chương lịch sử, thì Đinh Phương lại dùng chính cái lối suy nghĩ mông lung, mơ hồ về tương lai, luồn léo trước cả tá câu hỏi mà cuộc đời đặt ra cho những cô cậu thanh niên mới qua cái tuổi đôi mươi – để viết nên Nhụy Khúc, viết nên cuốn tiểu thuyết về cách người trẻ đối mặt với những vết thương cá nhân trong quá khứ, đối mặt với sự mơ hồ của hiện tại, rồi từ đó rút ra chiêm nghiệm cho bản thân về những sự kiện lịch sử có khả năng thay đổi vận mệnh, lý tưởng của cả một dân tộc, một thế hệ.

Nhụy Khúc khó đọc, phải thành thật là thế. Để mô tả thì giống như khi ta đang lắng nghe một bạn trẻ tâm sự về câu chuyện A, thì đột nhiên họ nhớ ra một chi tiết B chẳng hề liên quan, và sau đó lái vấn đề sang hướng khác. Chúng ta – người vẫn đang chìm đắm trong tuyến truyện A – sẽ cảm thấy như bỏ lại giữa vô vàn câu hỏi chưa được giải đáp. Một lối hành văn không dành cho người đọc sách mất kiên nhẫn, cũng không dành cho người mang cái tôi quá vững chãi khi thưởng thức các tác phẩm văn học.

Lời khuyên của mình cho những bạn muốn đọc Nhụy Khúc, hay các tác phẩm của Đinh Phương, là: Hãy dùng tầm nhìn của một người trẻ vừa bước qua tuổi 20, dùng tâm hồn đã chịu những vết nứt đầu tiên của sự trưởng thành nhưng vẫn luôn đau đáu muốn tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi, để thưởng thức câu chuyện. Hoài nghi, nhưng đừng lạc lối. Hoài niệm, nhưng đừng ám ảnh.

Mà nhìn chung, việc đọc sách giống như đi vào tâm trí của người khác, vào một mê cung lạ lùng và chẳng có gì quen thuộc. Thế nên với những quyển sách lần đầu mới đọc, những cuốn sách vượt quá kinh nghiệm của ta, hãy để tầm nhìn của người viết đưa dẫn lối, sẽ sớm thôi ta thấy đường vào trước mắt, mà tìm được lối vào, nghĩa là có thể tiếp cận được các tác phẩm văn học.

Related Posts