Lão Tử Đạo Đức Kinh

Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú.

Thánh nhân thường không nói nhiều thậm chí là ‘ mặc như lôi ‘ – im lặng sấm sét. Thành ra những điều mà thánh nhân để lại cần một lớp người thông tuệ có thể diễn giải những điều đó ra cho mọi người hiểu.

Lão Tử Đạo Đức Kinh là một trong những số đó. Lão Tử để lại Đạo Đức Kinh gồm 81 chương nhỏ khoảng 5000 chữ mà cho đến tận nay biết bao học giả Đông Tây kim cổ nghiên cứu, diễn giải, bình luận.

Khổng Tử nói Lão Tử như con rồng, mà rồng thi chu du khắp nơi khó có thể nào đoán biết được.

Hiện nay cũng có một số bản dịch Đạo Đức Kinh như của cụ Nguyễn Hiến Lê, Bác sỹ Nhân Tử, Vũ Thế Ngọc. Nhưng mình chọn bản dịch của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Phần vì đã quen với ngòi bút đạo học Phương Đông của cụ, phần vì tin vào sự am tường đạo học của cụ. Tuy nhiên đọc sách của cụ cũng gặp chút khó khăn : cụ dùng nhiều từ ngữ Hán Việt, từ ngữ địa phương. Nhưng đọc nhiều thành cũng quen lại biết thêm một số vốn từ cổ nữa. Khi chúng ta chưa đủ khả năng để tự thẩm tác phẩm này thì hãy đọc nó, học nó qua bộ lọc của cụ Thu Giang là điều hợp lý và khôn ngoan.

Đạo đức kinh bàn về vũ trụ quan, nhân sinh quan và dạy cho ta cách đối nhân xử thế. Đạo đức kinh còn bàn về cách trị quốc an dân, xã hội bình trị phát triển.

Xem thêm:   Arsene Lupin - Bí ẩn nút chai pha lê

Quan điểm chủ đạo của Đạo Đức Kinh là Vô Vi. Vô Vi ở đây là làm theo luật tự nhiên bản thể sẵn có của nó, làm một cách kín đáo, làm mà như không làm, không tư tâm, vị kỉ.

Đạo Đức Kinh bàn về cách đối nhân xử thế:

• Đạo chỉ cái lẽ tuyệt đối, cái bản thể của trời đất “ Không tên, là gốc của trời đất. Có tên, là mẹ của vạn vật.” Kẻ biết đạo đứng trên những ý niệm nhị nguyên thị phi, vinh nhục, thiện ác, được mất.

Từ đó cho ta một thái độ sống thản nhiên điềm tĩnh trước những biến cố cuộc đời. “ Họa là là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của họa”.

• Trời đất sở dĩ trường cửu sở dĩ trời đất không sống cho mình, bậc thánh nhân nên theo gương ấy.

• Trong phép xử thế luôn giữ phần thấp kém “ Giàu sang mà kiêu, tự vời họa ương”

“Cây mạnh ắt gãy, binh mạnh không thắng”. Nước hình ảnh tượng trưng của Đạo luôn tìm chỗ thấp mà ở – nơi mà thiên hạ không ai ưa. “ Sông biển sở dĩ làm vua các hang thẳm vì nó ở chỗ thấp hơn cả”.

• Quân tử phải biết ẩn mình, giấu tài. Biết mà như không biết, trắng mà như đen, thông minh mà như ngu đần, vinh mà như nhục. Đấy chính là một sự đại dũng của người quân tử. Cái đức khiêm nhu khiến cho ta sống hòa thuận với tất cả mọi người. Xét trong tư chất ta có chỗ nào sắc xảo hơn người ta cần che đậy để hòa đồng vào mọi người

Xem thêm:   Tên Gọi Khác Của Nhà

“ tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần.”

• Bậc thánh nhân không vì mình, không tích trữ của cải mà không bao giờ thiếu thốn. Càng cho bao nhiêu càng có bấy nhiêu. Mọi tai họa đều từ lòng ích kỉ , cái chấp ngã của con người mà ra. Lão tử chủ trương tĩnh tâm, ít ham muốn.

• Sống theo nguyên lý quân bình không để cái gì thái quá.

• Hành động hay nhất là đừng can thiệp đến việc đời, nếu cần can thiệp thì hãy làm như không làm “vi vô vi”, một cách kín đáo, khéo léo. Điều này tương đồng với thuyết bố thí Ba la mật của nhà Phật: bố thí, giúp đỡ ai thì cần Tam luân không tịch: không kẻ thi ân, không người thụ ân, không vật trung gian.

Đạo đức kinh bàn về trị nước, an dân:

• Bậc thánh nhân mà trị nước bằng đạo vô vi dân không hay mình bị trị

• Càng tăng trí xảo, càng kích thích tham dục lại càng làm cho dân khó trị dễ sa vào tội ác

• Nhà cầm quyền càng tăng luật pháp, càng bày nhiều điều cấm kỵ, thì dân lại càng bị còng trói khổ sở, càng sinh thêm gian tham lừa đảo. Nhà lãnh đạo phải lấy mình làm “thân giáo” làm gương cho muôn dân noi theo.

• Cái phép cai trị của thánh nhân là “ lòng dân trống mà “cái bụng dân đầy”.

Xem thêm:   Giải trí

• Thuật cai trị không dùng bạo lực hay uy quyền mà can thiệp đến việc người, không dùng chiến tranh dưới mọi hình thức.

• Nhà cầm quyền cần cần kiệm, không xa xỉ. Phải biết “tổn hữu dư bổ bất túc”. Đối đãi với dân thì dùng lòng từ và sự chân thật mà đối đãi.

Đạo Đức Kinh là một cuốn kỳ thư, nó được mã hóa vì vậy mỗi người đọc nó sẽ có một cách hiểu khác nhau. Và nó là cuốn sách để để nghiền ngẫm nhiều lần, mỗi tuổi mỗi trải nghiệm lại đọc nó thấy một cái khác.

Kết lại: Đối với mình Đạo Đức Kinh là một cuốn sách hay đáng để ai cũng đọc một lần trong đời. Hay không những bởi nội dung mình đã tóm lược ở trên, mà còn vì nó không diễn giải mọi thứ ra cho ta, nó khơi gợi nơi ta khiến ta trăn trở, suy ngẫm mãi khi đọc. Và vì khi đọc nó đọc tới đâu tư tưởng ta cũng bị va đập, do ta vốn sống trong cõi nhị nguyên ngày nay có nhiều điều chống trái với quan điểm nhất nguyên.

Related Posts