Lặng Yên Dưới Vực Sâu

Đọc cuốn sách này làm mình bất giác nhớ núi rừng Tây Bắc quê mình quá. Những con đường núi ngoằn ngoèo, núi rừng hùng vĩ, vách đá cheo leo dựng đứng vô hình chung tạo nên những vực sâu thăm thẳm, hun hút, chỉ nhìn thôi đã choáng hết cả tâm trí rồi. Những bản làng người Mông ở tít trên cao – phía trên các đỉnh núi, những cô gái Mông mặc áo váy thêu thổ cẩm, đính thêm các đồng xu, đi đến đâu là leng keng đến đó, chân quấn xà cạp lên đến đầu gối, sau lưng là gùi rau, ngô, nông sản cao hơn cả đầu người. Nếu người đồng bằng coi chuẩn mực của cái đẹp là mình hạt sương mai, mỏng mày hai hạt thì đối với các dân tộc vùng núi, một cô gái đẹp sẽ là một cô gái có làn da rám nắng, thân hình nảy nở, vạm vỡ, tay chân thoăn thoắt, ăn được, làm được bởi lẽ, cuộc sống, khí hậu trên đó sẽ là không phù hợp với những công chúa, tiểu thư sống không thể thiếu máy lạnh hay lò sưởi.

Nàng Súa trong tác phẩm này cũng vậy. Cô là cô gái Mông đẹp nhất bản làng vùng U Khố Sù ( Hà Giang ), cô có một chuyện tình đẹp với chàng Vừ, cả hai là thanh mai trúc mã, lớn lên bên nhau, hẹn sau này sẽ gả cho nhau nhưng ngặt nỗi nhà Vừ nghèo quá, cha mất, mẹ đi bước nữa, Vừ sống với ông bà nội, cơm ăn chỉ biết bữa nay mà còn gánh nặng món nợ 2 con bò từ đám tang bố Vừ chưa trả được. Vì không có tiền thách cưới nên cả hai lên kế hoạch ” bắt vợ “, tức là Súa tự nguyện cho Vừ bắt về làm vợ. Nhưng đến ngày hẹn thì người bắt Súa không phải Vừ mà là Phống – con trai ông Din giàu có nhất vùng. Và mọi bất hạnh bắt đầu từ đó… Hôn nhân không có tình yêu, đẩy con người ta vào cái vòng xoáy ngày đêm không gì thoát ra được, người đau khổ không chỉ có Vừ và Súa mà còn hệ lụy kéo theo biết bao nhiêu con người nữa cùng lao xuống cái hố sâu ấy. Đọc đến đây thì chắc hẳn ai cũng sẽ buông lời oán trách Phống – kẻ là nguồn cơn của mọi bi kịch nhưng sâu thẳm, Phống cũng là một kẻ đáng thương. Không, phải nói là ai trong câu chuyện này cũng đáng thương, đến cuối cùng cũng không hề có một chút ánh sáng le lói nào cho cuộc đời họ cả…

Xem thêm:  

Hủ tục, định kiến cũng là một thứ giết chết đi niềm lạc quan vào cuộc sống của họ. Thách cưới nặng nề, hà khắc trong tục bắt vợ, trong hôn nhân, cuộc đời, số phận của người phụ nữ thì bị coi nhẹ đến rẻ rúng và thậm chí, cái giá của một con người lại chỉ bằng giá trị của ” một con bò “, còn gì cay đắng hơn?!.

Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng núi, mình thấy có chút ấm lòng hơn ở tình người, các nhân vật họ rất biết nghĩ cho nhau, kể cả Phống, sâu thẳm cũng là một người đàn ông thương vợ, thương con, dù có ăn chơi trác táng nhưng vẫn rất chung thủy. Phải nói rằng nhà văn Đỗ Bích Thúy đã cực kì thành công khi khắc hoạ tâm lí nhân vật, đến mức mà muốn ghét nhưng vẫn bản chất con người của họ lại làm ta không ghét nổi.

Cuốn sách này đã có phim truyền hình chuyển thể nhưng nội dung đã bị cắt, ghép, thay đổi đi khá nhiều nên mình highly recommend các bạn nên đọc sách. Sách cũng khá mỏng, mạch truyện đi nhanh nên có thể đọc xong trong một buổi chiều thôi ấy.

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách viết về đồng bào dân tộc miền núi nhưng lại sợ cái bóng của Vợ chồng A Phủ quá lớn thì Lặng yên dưới vực sâu sẽ là cuốn sách hoàn toàn phù hợp với cả hai tiêu chí trên.

Xem thêm:   Hoa Trên Mộ Algernon

Một điều duy nhất mà muốn góp ý cho tác giả đó là nên đi chi tiết hơn về khung cảnh sinh hoạt cũng như bản sắc văn hoá của người dân tộc Mông: như là đám cưới, ma chay, cúng bái hay lễ đầy tháng cho trẻ nhỏ. Bởi lẽ thông qua sách vở đó cũng là một cách vô cùng hữu hiệu để mang một nét đẹp văn hoá đến gần hơn với bạn bè gần xa.

Related Posts