BẬC THẦY GIAO TIẾP THỰC SỰ SẼ NÓI CHUYỆN NHƯ THẾ NÀO?
Khi đi ăn với chồng, tôi hỏi anh ấy: “Hôm nay công việc của anh thế nào? Anh có bận không?” Anh ấy nói: “Ừ, cũng tạm ổn.” Tôi suy nghĩ một chút, đổi sang một cách hỏi khác: “Anh kể em nghe về công việc ngày hôm nay được không?” Chồng tôi nói: “Hôm nay anh đã phỏng vấn một vài người, cũng khá thú vị.” “Thú vị ở chỗ nào?” Tôi ngay lập tức bày ra dáng vẻ chuẩn bị nghiêm túc lắng nghe, kết quả là tôi không chỉ mở ra chiếc hộp trò chuyện, mà còn tăng thêm độ thân mật với chồng tôi.
Những người giỏi giao tiếp thường rất giỏi trong việc tự do thay đổi cách đặt câu hỏi đóng và câu hỏi mở, đôi khi chỉ cần một thay đổi nhỏ trong từ vựng cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong nội dung cuộc trò chuyện. Cuốn sách Bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai: Khóa học giao tiếp phổ biến nhất của 500 công ty hàng đầu thế giới đưa ra một ví dụ về cách nói chuyện với một người bạn đã sống ở nước ngoài một thời gian:
Ở đó có nóng không? (Câu hỏi đóng)
Khi bạn ở đó thời tiết như thế nào? (Câu hỏi mở)
Bạn sắp về nước chưa? (Câu hỏi đóng)
Nếu một ngày nào đó bạn chọn về nước, thì lý do trở về là gì? (Câu
hỏi mở)
Bạn có nhớ gia đình của mình không? (Câu hỏi đóng)
Bạn cảm thấy thế nào sau khi rời xa gia đình lâu như vậy? (Câu
hỏi mở)
Khác với câu hỏi đóng dễ khiến mọi người cảm thấy mình bị chất vấn, câu hỏi mở có thể cho phép đối phương tự quyết định nội dung mà họ muốn nói, bởi vì nó khiến cho họ cởi mở khi trò chuyện, đồng thời, gia tăng sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên, khiến mọi người cảm thấy an tâm hơn, vì vậy câu hỏi mở sẽ giúp bạn nhận được thêm nhiều thông tin hơn.
Một bậc thầy giao tiếp nhất định phải biết cách khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái trong cuộc trò chuyện, sẵn sàng tiếp tục giao lưu với bạn.
(trích Khả năng hiện thực hóa mục tiêu)