Hội Chứng Trầm Cảm Cười

Đánh giá bài viết

TRẦM CẢM: CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Đầu tiên, phải nói đây là căn bệnh tâm thần phổ biến có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ đến già, từ nam giới đến phụ nữ,… Nó nguy hiểm vì có thể đẩy một người vào hố đen tử thần. Nhưng nó có đáng được chúng ta nhìn nhận đúng và ôm ấp vỗ về không?

Câu trả lời là có. Nhiều người trong chúng ta đều nghĩ rằng trầm cảm rất đáng sợ. Một khi mắc phải, chúng ta khó lòng thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực bủa vây, từ áp lực gia đình, hình mẫu xã hội, thành tích học tập, công việc có địa vị cao và thậm chỉ là chính bản thân chúng ta. Chúng ta cảm thấy tinh thần kiệt quệ, mất sức sống, không còn tin vào phép nhiệm màu của cuộc sống và chỉ muốn tìm đến con đường cùng duy nhất.

Nhưng chúng ta vẫn có một lối thoát. Không ít người trên thế giới đã vượt qua chứng trầm cảm và chung sống với nó rất bình yên và đầy thấu hiểu. Họ có thể đã áp dụng những phương pháp tự chữa lành tự nhiên, tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia trong ngành, học cách chia sẻ với những người thân thiết và tin tưởng, v.v.

Và họ bắt đầu tái tạo một cuộc sống tươi sáng, ít ảm đạm và phiền muộn hơn. Họ vẫn tiếp tục lắng nghe và thấu hiểu bản thân một cách điềm đạm. Họ sống lành mạnh như bao người (cũng có thể mắc những chứng bệnh tâm thần khác), làm việc và học tập trong suốt chặng đường yêu thương còn lại.

Để quá khứ qua đi, tương lai mới đến

Khoảng thời gian trước thịnh hành một câu thế này: “Nhiều người tới tuổi tám mươi mới được chôn cất, nhưng thực ra họ đã chết từ năm ba mươi.” Nhiều người chỉ đang sống cuộc đời như giá áo túi cơm cho qua ngày đoạn tháng.

Khi bị những trải nghiệm trong quá khứ cầm chân, tiêu tốn phần lớn thời gian tập trung và năng lượng tinh thần để hồi tưởng và hối tiếc, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống hiện tại thật túng quẫn, chán chường. Tưởng tượng về tương lai cũng chẳng tốt đẹp hơn mà chỉ ngày càng tồi tệ.

Chúng ta có thói quen phỏng đoán tương lai từ tình hình hiện tại, nghĩ rằng mình sẽ già đi, người thân sẽ lần lượt qua đời, bạn bè rồi sẽ xa cách, công việc nhiều khả năng rơi vào bế tắc… Chúng ta lo lắng tình trạng tốt nhất sẽ chỉ duy trì ở hiện tại chứ không giữ được lâu. Cũng giống như khi thông tin thời đại người máy ồ ạt xuất hiện và mọi người bắt đầu lo âu, thậm chí trầm cảm vì máy móc có thể cuỗm đi cơ hội làm việc của họ. Họ lo lắng đến tầm tuổi này rồi có còn học nổi không, có dễ dàng xin được việc làm không. Càng nghĩ, họ càng bất lực, u sầu.

Hãy để niềm tin rộng mở. Nếu chúng ta không có niềm tin rộng mở vào bản thân và tương lai, vậy chẳng khác nào bản thân đang chịu tù đày, khổ ải.

Phát triển năng lực cá nhân

Tin tưởng bản thân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa phát huy. Một khi tiềm năng được phát huy, chúng ta sẽ có đủ khả năng đương đầu với những thách thức trong tương lai và những thay đổi bất ngờ xuất hiện.

Mở rộng sức tưởng tượng về tương lai

Cuộc đời không chỉ ngập tràn những hiểm nguy, những chuyện tốt đẹp rồi cũng sẽ đến, cho dù có nhiều mối nguy, nhưng chúng vẫn có thể là bước ngoặt. Nếu chúng ta không xem lối tư duy này làm nền tảng để thúc đẩy bản thân, sẽ rất dễ bị bao vây và mắc kẹt trong thời đại khủng hoảng thông tin ngày nay. Không nhìn thấy tương lai đầy hứa hẹn chẳng khác nào phải sống chung với chứng trầm cảm.

Học đến già mới có thể sống đến già

Đây là một câu triết lý vô cùng cởi mở! Nó không xa vời mà rất thực tế, nó cho chúng ta biết, muốn sống an ổn đến già, phải sống tốt từng ngày. Quá khứ vốn quen thuộc sẽ không lặp lại nếu bạn sống nghiêm túc và đều đặn. Mỗi ngày đều có những thử thách, ẩn số, chúng vừa là những điều mới mẻ vừa là nguồn gốc của kích thích, bạn hãy đón nhận chúng bằng tâm trạng, ý thức của một học sinh.

Khi chúng ta không có niềm tin rộng mở, nhận thức nghèo nàn sẽ khiến chúng ta càng tập trung hơn vào những lý giải phiến diện, hạn hẹp của bản thân, tập trung vào những thứ trước mắt chúng ta chưa có, những thứ chúng ta còn thiếu, thậm chí tập trung vào nhận định “giờ không làm được, tương lai cũng chẳng làm nổi đâu”.

Khi nội tâm càng nghèo nàn, cằn cỗi, người ta sẽ càng muốn nắm giữ nhiều hơn, càng muốn được khẳng định nhiều hơn, vậy mới có cảm giác an toàn, kiên định, bởi đối với họ, tương lai chỉ toàn thách thức, rủi ro. Nhưng tình trạng này sẽ rất dễ dẫn đến lo âu, phiền muộn, vì họ đã cho phép thách thức, rủi ro đồng hành cùng mình.

Bạn chính là thuốc giải, chỉ cần tin tưởng thì sẽ thấy

Chúng ta đều đã từng nghe tới việc thay đổi tư duy và cũng thử thay đổi tư duy, nhưng kết quả chỉ dừng ở mức tạm được. Rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu?

Nhắc đến thay đổi tư duy, đa phần chúng ta sẽ nghĩ phải có phương hướng thay đổi trước đã, sau đó mới phát triển theo hướng tích cực, vậy mới khả thi. Nhưng, vấn đề là tư duy rất cứng đầu. Bạn có sự cố chấp của bạn, tôi có nguyên tắc của tôi, đạo lý ai chẳng hiểu, nhưng không có nghĩa sẽ làm được. Giữa hiểu và hành động cách nhau không chỉ một lằn ranh mỏng manh mà còn có sự khác biệt rõ rệt.

Bởi vậy người xưa mới có câu “kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc”, “thông minh lại bị thông minh lừa”. Người có thể mang lại cảm giác đáng tin cậy, sẵn lòng tin tưởng, hành động mà không thắc mắc quá nhiều thường sẽ tiến bộ rất nhanh và cải thiện rất nhiều.

(trích sách Hội chứng trầm cảm cười, tác giả Hồng Bội Vân)

Hy vọng chúng ta sẽ luôn bền bỉ và dạn dĩ trước cuộc sống này nhé ❤

Related Posts