Hoa Trên Mộ Algernon

Đánh giá bài viết
  • Tác giả: Daniel Keyes. Dịch giả: Lê Khánh Toàn
  • Thể loại: Tiểu thuyết khoa học giả tưởng

“Trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta vẫn để tâm tìm kiếm kiến thức chứ chẳng mấy khi tìm kiếm tình thương… Trí tuệ mà không có khả năng cho và nhận tình cảm sẽ dẫn đến hiện tượng suy sụp thần kinh và đạo đức, rối loạn thần kinh chức năng, thậm chí rối loạn tâm thần. Và tôi nói rằng bộ não tự thẩm thấu, tự thu hút chính nó theo mục đích tự tôn, loại trừ mọi mối quan hệ con người với nhau, chỉ có thể dẫn tới bạo lực và đau khổ”.

Hồi trước Biển không thích chuột vì nghĩ rằng nó là động vật gây hại, nhưng sau khi đọc cuốn “Dặm xanh” của Stephen King thì Biển bắt đầu có cái nhìn khác về chuột, và quan tâm hơn đến chuột trong văn học (tức là cũng chưa quan tâm chuột trong thực tế). Trong quá trình rong chơi giữa thế giới sách vở, vài lần Biển thoáng thấy bìa và tựa cuốn “Hoa trên mộ Algernon” nhưng vì nghĩ nó là văn học kinh điển nên chưa muốn đọc. Gần đây, do hợp tâm trạng nên những từ “hoa trên mộ” lại thu hút sự chú ý của Biển, và bìa sách với hình chú chuột giữa mê cung càng khêu gợi sự tò mò, thế là trong lúc hết trinh thám để đọc, Biển thử lấn sân sang một thể loại sách khác xem mình có thích không.

“Hoa trên mộ Algernon” có lẽ thuộc thể loại tiểu thuyết kinh điển pha lẫn hiện đại, chất hiện đại nằm ở yếu tố khoa học giả tưởng của truyện. Algernon là tên chú chuột trong phòng thí nghiệm, được phẫu thuật não để tăng trí thông minh, do đó chú có thể vượt qua các loại mê cung, giải quyết được những thử thách do các nhà khoa học đặt ra. Khi đã thí nghiệm thành công với chuột Algernon, họ bắt đầu áp dụng trên con người. Cậu chàng thiểu năng trí tuệ Charlie Gordon là kẻ được chọn. Từ một kẻ đần độn làm việc như lao công trong tiệm bánh, Charlie được phẫu thuật não, được trải qua quá trình theo dõi sát sao những biến chuyển về khả năng suy nghĩ, những biến hóa trong tâm lý của anh. Cuộc phẫu thuật đã thành công biến Charlie thành một người thông minh hơn chính những nhà khoa học đã thí nghiệm trên anh. Thế nhưng, không phải cứ trở nên thông minh vượt bậc, chỉ số I.Q. cao chót vót là xong. Với cả chuột Algernon lẫn Charlie, khoa học vẫn chưa nghiên cứu SAU KHI họ trở nên thông minh thì sẽ ra sao, liệu bộ não sẽ “dừng ở đỉnh” hay bắt đầu đi xuống và thoái hóa? Lúc này, chính Charlie Gordon quyết định nghiên cứu về trường hợp của bản thân. Anh muốn thông qua trường hợp của mình, thông qua kết quả nghiên cứu của mình để giúp đỡ tất cả những người thiểu năng trí tuệ khác.

Tương tự những tiểu thuyết sci-fi (khoa học giả tưởng) khác, “Hoa trên mộ Algernon” cũng có những từ ngữ học thuật, những trường đoạn đầy tính hàn lâm mà Biển không hiểu rõ nên đọc lướt. Tuy vậy, tổng quan câu chuyện dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn một số truyện sci-fi khác Biển từng đọc. Cuốn sách này được viết dưới dạng ‘báo cáo tiến độ’ kiêm nhật ký của Charlie Gordon, thỉnh thoảng xen lẫn những đoạn quá khứ để người đọc hiểu rõ hơn về thời thơ ấu và bối cảnh xung quanh Charlie. Đoạn đầu sách được viết với rất nhiều lỗi chính tả, để thể hiện lúc đó Charlie còn thiểu năng trí tuệ. Sau khi trở thành đối tượng thí nghiệm và được phẫu thuật não, việc viết lách của Charlie tiến bộ rõ rệt, không sai chính tả nữa, từ ngữ được dùng càng lúc càng cao siêu, và anh không ngừng học hỏi, thấu hiểu hơn về thế giới mình đang sống. Thế nhưng, vì mức độ thông minh tăng quá nhanh so với trí tuệ cảm xúc, nên Charlie giống như một bộ óc thiên tài trong thân thể đứa bé trai vị thành niên, chất chứa nhiều ẩn ức dục tính, và không giỏi giao tiếp với người khác.

Qua ký ức của Charlie, độc giả nhận ra thời thơ ấu vô cùng đáng thương của một đứa bé trai thiểu năng trí tuệ, bị chính mẹ ruột ghét bỏ, hành hạ. Người cha nhu nhược không biết làm gì để chăm sóc cậu, em gái thì bắt nạt cậu. Năm 11 tuổi, cậu bị mẹ tống khứ ra khỏi nhà để đến ở trung tâm dành cho người thiểu năng, nhưng một ông chủ tiệm bánh – do lời hứa với chú của Charlie – đã đón cậu về làm việc trong tiệm bánh. Tại đó, Charlie vẫn ngu ngơ không biết rằng mình bị trở thành trò cười, bị bắt nạt, bị coi thường, bị đánh đập hành hạ vô cớ chỉ vì những kẻ hành hạ cậu không nghĩ rằng cậu biết đau. Đến khi Charlie được phẫu thuật não xong và trở nên thông minh, chính những kẻ mà cậu coi như bạn bè, như đồng nghiệp lại không chấp nhận nổi cậu. Thật xót xa khi thấy Charlie cay đắng tự hỏi “Trước đây họ cười nhạo tôi, khinh miệt tôi vì tôi ngốc nghếch, ngu dốt; bây giờ, họ ghét tôi vì tôi hiểu biết. Tại sao? Nhân danh Chúa họ muốn gì ở tôi?”

Biển nghĩ thông điệp mà tác giả muốn nói là: Con người là động vật bậc cao có xã hội tính, do đó chỉ chấp nhận những ai giống mình. Nếu khác mình, thấp kém hơn thì bị bắt nạt, hành hạ; còn ‘cao cấp’ hơn thì bị ganh tỵ, ghét bỏ, tránh né. Dĩ nhiên là phải duy trì tính tập thể, tính bầy đàn thì mới tồn tại lâu dài được trong thế giới khắc nghiệt này. Nhưng với sự bùng nổ của dân số, sự khác biệt không-thể-dung-hòa giữa tâm lý và tư duy của mỗi người, nếu cứ khư khư giữ lấy những lề thói cũ, đi trên những lối mòn cũ, thì sẽ gây hại cho tất cả các bên chứ không ích lợi gì cho ai.

Hình ảnh những người thiểu năng trí tuệ trong truyện tuy được khắc họa qua nhiều đoạn nhưng cá nhân Biển thấy như vậy vẫn còn ít ỏi, chưa đủ để khiến độc giả rung động tâm can. Nếu có thể thêm những cảnh kịch tính hơn nữa, xúc động hơn nữa, thì sẽ khắc sâu vào lòng độc giả hơn và khiến họ phải nhớ để áp dụng trong cuộc sống thực tế. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng tác giả Daniel Keyes đã cố gắng diễn đạt khía cạnh tình cảm, qua đó giúp câu chuyện đỡ khô khan. Hãy thử đọc lời nói sau đây của nữ quản lý trong khu nhà dành chăm sóc những người bị thiểu năng trí tuệ:

“Tôi rất yêu các cậu bé. Công việc không đơn giản chút nào, nhưng tôi có cảm giác được bù đắp khi nghĩ đến việc các em cần mình đến thế nào. Những đứa trẻ bình thường lớn quá sớm, không cần anh nữa… chúng bước ra đời tự lập… quên đi ai đã yêu thương và chăm sóc chúng. Nhưng những đứa trẻ ở đây cần tất cả những gì anh mang lại cho chúng – suốt cả cuộc đời”.

Về yếu tố khoa học giả tưởng trong truyện, Biển cho rằng tác giả đã xử lý ổn. Người đọc dễ dàng theo dõi và hiểu được chuyện phẫu thuật não, quá trình trở nên thông minh vượt bậc và những hệ lụy kéo theo của nó. Nếu đọc với tâm thế bi quan thì “Hoa trên mộ Algernon” sẽ là một câu chuyện buồn về nhân sinh, còn đọc với suy nghĩ lạc quan thì câu chuyện không-được-vui-cho-lắm này sẽ đánh thức sự chú ý đối với người thiểu năng trí tuệ, đánh thức nhân tính và lòng trắc ẩn tiềm tàng trong mỗi người, qua đó giúp người đọc biết quan tâm và thương yêu đồng loại hơn.

Trong truyện có vài cách giải thích khác nhau về chỉ số I.Q., cái nào nghe cũng thú vị:

Nó là cái để đo mức thông minh của ta, giống như cái cân trong hiệu thuốc để đo cân nặng

Chỉ số I.Q. cho biết ta có thể đạt đến mức thông minh nào, giống như dãy chữ số ở bên ngoài cái cốc đo lường. Anh vẫn phải cho thêm mọi thứ vào cái cốc đó.

Vì đoạn đầu là giọng văn của Charlie khi còn bị thiểu năng nên rất nhiều lỗi chính tả (theo kiểu người đọc vẫn có thể đọc hiểu). Biển không rõ trong nguyên tác viết thế nào, nhưng tưởng tượng để dịch được như vậy là cả một thử thách không nhỏ. Bìa sách tiếng Việt khá đẹp và hợp nội dung nhưng Biển muốn nó đậm chất sci-fi hơn. “Hoa trên mộ Algernon” là câu chuyện đáng đọc đối với mọi mọt sách. À mà chú chuột Algernon tuy rất dễ thương nhưng không đem lại cho Biển ấn tượng sâu sắc và niềm xúc động tràn trề như chú chuột trong cuốn “Dặm xanh”.

Related Posts