Hồ Quý Ly

Triều Trần hùng mạnh, uy vũ nay đâu?

Nào Phật hoàng Trần Nhân Tông,

Nào Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Nào Trần Quốc Toản quả cam năm ấy nay đâu?

Nhắc đến Triều Trần ai cũng nhắc đến chiến tích vang dội 3 lần chặn đứng vó ngựa Nguyên Mông, với Bạch Đằng Giang lịch sử nhuộm máu quân thù. Nhắc đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Nhưng rồi đến cuối nhà Trần thì non sông Đại Việt trong cậy vào những ai? Vào ông vua già cỗi Nghệ Tông ư? Hay Thuận Tông lòng đã chán ngán tất cả một lòng chỉ muốn đi tu gửi mình nơi cửa Phật? Hay trông chờ vào Thái tử An mới 3 tuổi đầu? Triều Trần càng về sau nhất là đến thời Nghệ Tông đã không còn chút nào hình bóng của vinh quang xưa. Trong triều không còn tướng giỏi ngoại trừ Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hãn. Tình hình kinh tế xã hội suy yếu, lòng dân đã mỏi mệt mất niềm tin vào triều đình. Cả triều đình giờ chỉ còn trông chờ vào những lễ hội được tổ chức xa hoa, tốn kém, phô trương cái sức mạnh vốn đã suy sụp từ lâu để dân vui, để dân tin. Lúc này Đại Việt đang tứ bề thọ địch. Phía Bắc với nhà Minh mới thành lập thế đang rất mạnh hăm he muốn xâm lăng Đại Việt, trong nước thì loạn lạc khắp nơi, giặc Chiêm của Chế Bồng Nga mấy lần tràn xuống Đại Việt cướp phá rồi lại rút về, như thể tập dượt chuẩn bị cho trận đánh lớn tới Thăng Long. Triều Trần cần gấp một sự thay đổi nhưng ai dám thay đổi vì bách tính? Triều Trần vẫn còn đó hai danh tướng, vẫn còn đó uy danh 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông để bám víu. Vẫn còn đó những bậc tiên tổ không thể nào nói thay đổi là thay đổi. Nghệ Tông cũng hiểu cần phải thay đổi để giữ cho thế nước vững bền, nhưng ông không thề chịu nổi ý nghĩ họ Trần cuối cùng sẽ mất vào tay ông. Lúc ở Hội thề, nhìn vào gương mặt từng bá quan văn võ ông như muốn gào thét trong đầu, ai đó, ai đó hãy đứng lên đi, hãy bày cho ta kế sách nào thay đổi cái xã tắc này, thay đổi được cái vận nước đang ngày một đi xuống này!! Hãy đứng lên đi, cho ta một cái kế sách đi! Nhưng nào có ai?? Như Nguyễn Cẩn đã nói với Thuận Tông:

Xem thêm:   Việt Nam phong tục

“Nhưng tại sao đất nước vẫn rơi vào loạn lạc? Vau không thương dân ư? Thương chứ! Vua giảm cả sự xa hoa, yến tiệc của riêng mình, sao nơi hang cũng ngõ hẻm vẫn vang lên lời kêu than đói khát? Bởi vì các ông vua đó không biết tới sự sấm ran chớp giật; nói đến chuyện thay da đổi thịt là xám ngoét, run rẩy. Non sông qua một thơi gian dài trơ ì, đã trở nên cứng quèo, thối rữa. Hồn núi sông như ngủ mơ trên đống vàng. Tất cả trở nên ù lì, hèn yếu; đâu đâu cũng bốc lên mùi xác rữa. Cần phải lột xác. Non sông gấm vóc cần phải hồi xuân, dù phải qua máu lửa, chết chóc, tàn phá, lụi tàn…

“Qua thời lột xác, non sông sẽ bừng tỉnh dậy…. Thế đấy! Bi thương lắm! Trong cuộc đổi đời, biết bao nhiêu người bị cơn bão cuốn phăng, bị ném vào lửa không thương xót… Cũng chính vì vậy, nên lúc này, ta cần có một minh quân, một ông vua đại trí…”

Ông vua ấy là ai? Còn ai nữa ngoài Hồ Quý Ly?

Phải chăng vì thế mà Nghệ Tông và cả Thuận Tông đều dựa dẫm vào Hồ Quý Ly! Khi đọc Hồ Quý Ly, tôi lại mường tượng ra Trần Thủ Độ. Hai con người đầy mưu mô, đầy thủ đoạn, cứng rắn đến tàn nhẫn và đầy tham vọng cùng ra tay mở ra vương triều mới, Trần Thủ Độ là người mở ra triều Trần đến Hồ Quý Ly là người kết thúc triều đại ấy lập ra nhà Hồ. Người ta hay nói làm vua thì ngoài trí tuệ, ngoài cái chí của kẻ ở ngôi Cửu ngũ Chí tôn thì cũng cần lắm sự nhân từ, khoan dung độ lượng nhưng nếu hiền quá thì cũng không thể làm vua nổi. Hay phải chăng khi đã làm vua thì phải bất chấp thủ đoạn? Trần Thủ Độ bao người căm hận ông vì thủ đoạn tàn nhẫn nhưng nhờ có ông mà nhà Trần có hơn 200 năm hiển hách, vinh quang chói lọi trong sử sách. Hồ Quý Ly sinh ra đúng thời nhà Trần ngày càng nát bét, và đến thời của ông thì nhà Trần cáo chung và kết thúc. Ánh hào quang đã tắt lịm như hơi tàn mỗi ngày của lão Nghệ Tông kia, hèn nhát, nhu nhược đến sau này con trai ông, Thuận Tông lên ngôi cũng thế. Hồ Quý Ly một tay che trời, thao túng cả triều đình. Thâm tâm ông biết triều Trần chẳng còn mấy hơi sức nữa, sau khi dẹp hai loạn lớn là Phạm Sư Ôn và giặc Chiêm Thành, đã đến lúc phải thay đổi. Nghĩ là làm ông liền cho thay tiền đồng bằng tiền giấy, đặt ra hạn điền, hạn nô, chính sách thuế khóa và dự trữ thóc gạo, và dời đô về Thanh Hóa.

Xem thêm:   [Tóm Tắt & Review Sách] "TED TALKS - Hùng Biện Kiểu TED 1": Bí Quyết Diễn Thuyết Trước Đám Đông “Chuẩn TED” - YBOX

Nhưng thương thay cho ông, thương thay cho triều Trần khi lòng dân vẫn hướng về những uy danh cũ, vẫn hướng về triều Trần đã mục nát. Chẳng ai chấp nhận ông, chẳng ai hiểu nổi những cải cách của ông để làm gì cho dù những cải cách ấy phải đến thời Lê Sơ hay sao đó nữa mới phát huy tính hiệu quả và đúng đắn của nó. Cải cách, đầu rơi, máu chảy đến cuối cùng ông còn lại được gì? Chỉ còn lại cái tòa thành đen ngòm, xám ngoét hay giang sơn phải nằm dưới gót giày giặc Minh 20 năm. Tiếc cho ông nhẽ ra với cái chí lớn đến thế, với khối óc mẫn tiệp đến thế nếu sinh ra vào thời điểm khác thì có lẽ ông đã trở thành lương đống của nhà Trần, và đưa nhà Trần đến thời cực thịnh hơn nữa. Thế gian hiểu ông thì ít mà oán trách ông thì nhiều bởi tay ông vấy đầy máu họ Trần. Nhất là chính sách dời đô, đến giờ mình vẫn không hiểu lý do tại sao ông lại dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa? Tây Đô lúc ấy có gì hơn được Thăng Long? Nhưng có lẽ cũng như muôn dân nhà Trần thời ấy, nào mấy ai hiểu được tầm suy nghĩ của Hồ Quý Ly???

Vẫn như mọi tiểu thuyết khác, ở Hồ Quý Ly, tác giả Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng nên cả một bức tranh toàn cảnh khổ lớn về bối cảnh cuối đời nhà Trần đổ nát, điêu tàn với những suy vong, với những âm mưu khắp trong ngoài triều, đời sống muôn dân đói khổ, mặc dù vẫn còn đó những dấu ấn văn hóa, những lễ hội, những con người giản dị, hào hùng. Đọc Hồ Quý Ly mình thêm một lần nữa thấy ngợp trước cơ man kiến thức của cụ, về văn hóa, về những nét sinh hoạt xưa của con dân, của vua tôi thành Thăng Long ngày ấy. Cụ đã xây dựng nên hình ảnh Hồ Quý Ly chân thực, nhân vật còn gây tranh cãi rất nhiều như một người có cả ưu lẫn khuyết, vừa ác độc, tàn nhẫn nhưng cũng có lúc ông yếu mềm, khi ông khóc trước bức tượng Công chúa Huy Ninh, người vợ hiền thảo của ông, hay những lúc ông đau xót nhưng phải dằn mình cứng rắn trước tình cảnh mẹ con Công chúa Thánh Ngẫu và Thái tử An. Cụ không hoàn toàn xem Hồ Quý Ly là nhân vật xấu xa hoàn toàn, mà là do thời thế ông ta không thể làm khác. Mọi phán xét cụ xin dành cho độc giả. Những nhân vật trẻ tuồi với trí tuệ thông thái, sức trẻ hừng hực như Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Cẩn, Nguyễn Trãi cũng được ông khắc họa tài tình. Hồ Quý Ly với gần 700 trang giấy đôi lúc khiến ta mệt mỏi bởi lượng kiến thức quá đồ sộ, nhưng toàn truyện thấm đẫm Phật tính. Ta như có thể nghe thấy tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh vẳng ra từ những trang sách, nó làm dịu đi những cảnh máu chảy đầu rơi trong truyện, nó xoa dịu đi những âm mưu, những dối trá chốn cung đình, nó xoa dịu ta những khi ta thấy mình quá oải khi phải đọc cho hết gần 700 trang giấy. Nhưng đó là nỗi mệt mỏi đáng giá mà đúng không?

Related Posts