Việt Nam ta đã trải qua bao đau thương, thăng trầm mới có ngày lá cờ đỏ được phần phật tung bay trong gió trên nền trời xanh thẳm như hôm nay. Bao máu xương đã đổ, bao cuộc chia biệt không hồi gặp lại đã diễn ra. Lịch sử dân tộc đã ghi dấu lại nhưng đau thương, mất mát đó và cả những oai hùng của những thời vàng son. Nếu chính sử ghi lại các sự kiện cô đọng, súc tích thì tiểu thuyết lịch sử là nơi những sự kiện ấy có dịp sinh sôi, nảy nở như chồi non được bón phân, tưới nước mỗi ngày. Tiểu thuyết lịch sử giúp ta có cái nhìn cảm thông hơn, lấy đi ở ta nhiều xúc cảm hơn. Chính vì thế mà tôi cứ hết bồi hồi rồi lại khâm phục, xót xa, căm giận… khi đọc “Trăng nước Chương Dương” của Hà Ân.
Đọc tác phẩm, tôi thoả mãn như được uống thứ nước mát lành, thanh thanh của trái dừa xiêm khi đang khát cháy cổ trong bữa trưa hè oi bức. Cám ơn tác giả Hà Ân đã dày công xây dựng nên hình ảnh những bậc anh hùng hào kiệt với hào khí Đông A ngút trời như Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… Những trang văn hùng hồn, đậm sâu cảm xúc khiến lòng tôi dậy lên bao nhiêu tình cảm. Người anh hùng Trần Bình Trọng với câu nói khảng khái “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” được tác giả dựng nên thật đẹp biết bao. Ông đôn hậu, trung thực, nhân từ và có tình yêu nước rực cháy như ngọn lửa bập bùng toả sáng trong đêm. Câu nói của ông với Trần Quốc Tuấn đã lộ rõ tâm tình của một người tướng hết lòng vì nước “Tiểu tướng sẽ sống và sẽ chết như một người Việt”. Sự dũng cảm của ông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao phó đã minh chứng cho tấm lòng đó. Ông tài giỏi đánh cho những tướng giỏi của giặc như Khoan Triệt, Lê Hằng tan tác, khi bị giặc bắt, ông thà chết chứ không chịu đầu hàng, làm tay sai cho kẻ thù tàn bạo. Cái chết của một danh tướng lẫy lừng, lẫm liệt cho đến giây phút cuối đã được Hà Ân khéo léo diễn tả bằng sự thanh thản, nhẹ nhàng “Trần Bình Trọng quên hết những điều nhỏ nhen vặt vãnh. Tất cả tâm hồn ông, trong nửa canh cuối của cuộc đời, dành cho những người thân thiết và thiên nhiên đất Việt”.
Đặc biệt, trong tác phẩm, nhà văn đã dành cả hai phần ba để xây dựng hình ảnh một vị dũng tướng, một vị chỉ huy kiệt xuất có công lớn trong ba lần đánh đuổi quân Nguyên- Mông: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Bằng ngòi bút điêu luyện trong việc xây dựng, khắc hoạ nhân vật cùng diễn biến tâm lý phức tạp, Hà Ân đã làm hiện lên mồn một một vị tướng lĩnh hết lòng vì dân vì nước. Hầu như tất cả niềm vui và nỗi buồn của vị Tiết chế này đều xoay quanh vận mệnh của quốc gia. Mỗi nếp nhăn trên vầng trán, mỗi tiếng thở dài của Trần Quốc Tuấn đều là lo cho an nguy xã tắc. Trên 50 tuổi nhưng nhiều lúc ông lại dạt dào sức sống, thêm phần tươi trẻ khi phát hiện những nhân tài, khi nhìn xa về thế cuộc, về sự tất thắng của dân tộc. Đọc tác phẩm, ta sẽ hiểu thêm về nỗi lòng canh cánh của vị tướng già khi soạn thảo “Hịch tướng sĩ”, ta cũng sẽ cảm nhận được sâu sắc tấm lòng yêu lính như con của vị Quốc công Tiết chế. Những đêm mở tiệc khao quân, sắm sửa giày cỏ, may áo cho lính hay ban cho họ loại mứt chà là ngon, lạ cướp từ kho lương của giặc… chính là biểu hiện của tấm lòng ấy.
Trong tác phẩm còn rất nhiều những anh tài nữa đã góp sức trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm như cụ Uẩn, ông lão Màn Trò, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Đỗ, Đỗ Vỹ… Những bô lão đầu tóc bạc phơ, đại diện cho các làng bản cũng hừng hực khí thế quyết chiến khi đồng lòng xin đánh tại hội nghị Diên Hồng. Dân binh khắp mọi nơi cũng góp sức, hỗ trợ lương để diệt giặc. Cả đất nước đang bừng bừng khí thế ngút trời. Đúng là một trang sử oai hùng của dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử này cuốn hút bởi cách viết lôi cuốn, hấp dẫn, giàu kịch tính, khắc hoạ tâm lý nhân vật đặc sắc, giàu tính biểu cảm và miêu tả đầy sức gợi. Hà Ân đã khiến “Lịch sử bỗng có một dung mạo, một tiếng nói, một tâm hồn”(Nguyễn Huệ Chi).