Đường Hầm

Đánh giá bài viết

Tác giả: So Jae Won. Dịch giả: Hồng Hà

Thể loại: Tâm lý XH Hàn Quốc

Từ sau cuốn “Bảy năm bóng tối”, Biển hầu như không đụng đến truyện nói chung và truyện trinh thám nói riêng của các tác giả Hàn Quốc, vì không tiếp thu nổi cốt truyện + văn phong u tối buồn bã của họ. Khi bộ phim “Đường hầm” được chiếu ở VN, Biển không xem vì cùng lý do như đối với tiểu thuyết của Hàn. Đến lúc sách được phát hành, nhờ bài review rất lôi cuốn của một bạn trong hội Trinh Thám, và cũng vì chính bạn ấy nhiệt tình cho mượn sách, nên Biển đã thử đọc câu chuyện thuộc thể loại mà mình không thích.

“Đường hầm” kể về vụ sập hầm xuyên núi ở một thành phố nhỏ thuộc Hàn Quốc. Người Chồng đang lái xe về nhà thì hầm sập, anh ta là người duy nhất bị chôn vùi dưới hàng triệu tấn đất đá. Trong xe của anh ta đem theo chiếc bánh sinh nhật mới mua cho đứa con gái 4 tuổi ở nhà. Ban đầu, Người Chồng bình tĩnh gọi cứu hộ, ngỡ rằng mình sẽ nhanh chóng được cứu và đoàn tụ với gia đình sau vài chục phút. Thế nhưng, tuy chỉ mình xe anh ta bị kẹt trong vụ sập hầm, nhưng vì kết cấu của hầm gây khó khăn rất nhiều cho công tác cứu hộ, nên vài ngày sau Người Chồng mới nhận ra cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu. Không thể đào bới từ bên trên hoặc dùng thuốc nổ giựt sập đất đá để đưa anh ta ra, vì bất kỳ sự can thiệp thô bạo nào bằng máy móc cũng sẽ khiến đường hầm sụp đổ hoàn toàn, gây nguy hiểm cho tính mạng anh ta. Điều đáng giận nhất ở tai nạn này là: đây không phải thiên tai, mà là tai nạn do sự cẩu thả tắc trách và rút ruột vật tư của công ty thi công đường hầm.

Vì trong bài review của bạn cho Biển mượn sách, bạn ấy có viết đại loại như là “trong lúc thảm họa xảy ra mà các cơ quan hữu trách cứ đổ trách nhiệm cho nhau, thể hiện rõ sự vô tâm, vô cảm của lòng người…”, nên Biển đọc cuốn “Đường hầm” để tìm các chi tiết ấy. Như đã viết trong phần tóm tắt truyện, không thể áp dụng các biện pháp bằng máy móc để cứu người thoát ra khỏi đống đổ nát, do đó công nhân phải dựng lều xung quanh đường hầm, chủ yếu đào bới bằng sức người. Nhìn thẳng vào sự thật thì có lẽ nhân vật Người Chồng số đã tận. Nhưng điều mà tác giả muốn nói lên, muốn làm rõ, muốn kết tội là chuyện tham ô của các cơ quan hữu trách, là sự thờ ơ cực điểm của nhân viên trong những cơ quan đó, là sự nông cạn trong suy nghĩ của đám đông. Vì công trình bị rút ruột vật tư dẫn đến tai nạn chết người, thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho tai nạn đó? Dẫu có bỏ ra bao nhiêu tiền để đền bù cho thân nhân, thì cũng không xóa đi được nỗi đau mất người thân.

Nói đến tâm lý bầy đàn, sự hùa theo của đám đông, ác ý thiển cận của những ‘anh hùng bàn phím’… thì đã có rất nhiều sách viết về các chủ đề này. Và Biển nghĩ cho đến khi nào xã hội loài người còn tồn tại, thì tất cả những điều tiêu cực đó vẫn sẽ xảy ra. Nội dung của quyển sách “Đường hầm”, của bộ phim cùng tên được chuyển thể từ sách sẽ chỉ gieo vài nốt trầm ít ỏi vào lòng độc giả, khán giả. Sau đó mọi người sẽ lại bị cuốn vào vòng xoáy của riêng đời mình, hành xử theo tư duy và quan niệm của mình. Nếu câu chuyện “Đường hầm” xảy ra ngoài thực tế, ngay cả những người đã đọc cuốn sách này, đã xem bộ phim này cũng chưa chắc sẽ hành xử khác đi so với đám đông trong truyện.

Nói lan man một chút, tuy Biển không xem bộ phim “Đường hầm”, nhưng mẹ Biển xem và kể lại sơ sơ. Từ lúc nghe mẹ kể, mỗi khi đi đâu xa hơn 10km, Biển luôn đem theo ĐT đã sạc đầy pin, khá nhiều nước uống và cả hộp sơ cứu y tế! Kiểu bị ám ảnh y như lúc đọc xong cuốn “Lưới điện tử thần” thì đụng đến bất kỳ ổ cắm nào cũng phải cách một lớp khăn vải khô chứ không dám đụng trực tiếp! Tuy theo trường phái ‘cẩn tắc vô áy náy’ như vậy nhưng Biển vẫn quan niệm rằng “sống chết có số”, dù đề phòng bao nhiêu nhưng nếu sợi dây vận mệnh đã định là sẽ bị cắt đứt thì mình có làm gì cũng vô ích.

Biển đọc hết cuốn “Đường hầm” trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, không phải vì sách quá hấp dẫn mà vì tình cờ Biển có cơ hội giết thời gian. Thú thật là đọc lướt khá nhiều đoạn. Có lẽ vì con tim đã hóa đá nên trong cuốn này không có yếu tố nào khiến Biển khóc. Tuy đánh giá cao cách nói năng đanh thép và tư tưởng thiên về công lý một cách mạnh mẽ của tác giả, Biển vẫn cảm nhận chút sự “non tay”, lý tưởng thái quá trong truyện này. Thế nhưng, ngược với những cảm nhận của mình, Biển tin rằng cuốn tiểu thuyết mỏng này sẽ khiến khá nhiều độc giả khác phải xúc động, đồng cảm, lo lắng dõi theo từng diễn biến trong truyện. Cuốn này không nên đọc lúc tâm trạng xấu đâu nha, vì chẳng những không có tác dụng xoa dịu tâm hồn mà còn dìm tâm hồn vào vùng nước sâu cô tịch hơn thôi.

(Sea, 4-6-22)

Related Posts