11 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống bạn nên đọc một lần trong đời

Đánh giá bài viết

Đôi khi ta thường quên, rằng những sự việc nhỏ diễn ra hàng ngày đều mang một ý nghĩa nhất định và có những giá trị vô cùng quý báu cho cuộc đời mỗi con người. Hãy cùng đọc những câu chuyện nhỏ ý nghĩa về cuộc sống dưới đây và suy ngẫm nhé.

Câu chuyện số 1: Bài học về sự tự tin

Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi học môn Toán với thầy Peter. Khi bước vào lớp, thầy yêu cầu cả lớp làm bài kiểm tra đầu năm.

Cả lớp bất ngờ khi thầy phát ba loại đề khác nhau và nói:

  • Đề thứ nhất gồm những câu hỏi vừa dễ và khó, nếu làm hết được sẽ được 10 điểm. Đề thứ hai có số điểm cao nhất là 8 với những câu hỏi tương đối dễ. Đề thứ ba chỉ có số điểm tối đa 6 với những câu hỏi rất dễ. Các em được chọn đề theo ý muốn.

Thầy chỉ cho làm bài trong 15 phút nên tôi đã chọn đề thứ hai để chắc chắn. Không chỉ mình tôi, mà cả bạn bè trong lớp cũng thế, không ai chọn đề thứ nhất cả.

Một tuần sau, thầy Peter trả lại bài kiểm tra. Lớp lại ngạc nhiên hơn khi biết ai chọn đề nào thì được tổng số điểm của đề đó, bất kể làm đúng hay sai. Lớp trưởng hỏi thầy:

  • Thưa thầy, tại sao lại như vậy?

Thầy cười rồi trả lời:

  • Với bài kiểm tra này, thầy chỉ muốn thử thách sự tự tin của lớp. Mọi người ai cũng muốn đạt được điểm 10 nhưng ít ai dám vượt qua thử thách để biến ước mơ thành hiện thực.

Bài kiểm tra kỳ lạ ấy của thầy Peter đã dạy chúng ta một bài học: “Những việc ban đầu dường như rất khó khăn có thể khiến chúng ta rút lui ngay từ đầu. Nhưng nếu không tự tin đối mặt với thử thách, ta sẽ không biết được khả năng của mình và khó vươn tới đỉnh cao thành công.

Hạnh phúc về già

Câu chuyện số 2: Chiếc lược tình yêu

Một ngày nọ, người vợ có mái tóc dài bảo chồng hãy mua cho bà một chiếc lược mới để bà chải tóc được gọn gàng hơn. Nhưng chồng từ chối và xin lỗi bà, ông nói rằng mình còn không có đủ tiền để sửa chiếc đồng hồ đeo tay bị hỏng. Nghe vậy, người vợ không nói gì thêm.

Hôm sau, chồng đi làm và ông qua tiệm đồng hồ để bán chiếc đồng hồ của mình với giá rẻ để mua chiếc lược mới cho vợ.

Buổi tối, ông ngồi đợi vợ ở nhà với chiếc lược mới trên tay.

Tuy nhiên, một lúc sau, ông sửng sốt khi thấy vợ xuất hiện với một mái tóc ngắn. Hóa ra, bà đã bán mái tóc của mình để mua cho ông chiếc dây đồng hồ mới.

Những giọt nước mắt rơi trên má họ, không phải vì những việc họ làm là vô ích, mà vì tình yêu sâu sắc mà họ dành cho nhau.

Câu chuyện về hai hạt lúa

Câu chuyện số 3: Câu chuyện về hai hạt lúa

Có hai hạt lúa được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy…

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nghĩ thầm: “Dại gì tôi phải đi theo chủ nhân ra đồng. Tôi không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất tôi hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai, ngày đêm mong ngóng chủ nhân mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà vì không nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho cuộc đời những hạt lúa mới…

Bài học: Nếu tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô ích của bản thân, bạn sẽ trải qua một cuộc sống vô nghĩa và đánh mất giá trị của bản thân. Hãy biết dấn thân chấp nhận thử thách, can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để sống có ý nghĩa hơn, đóng góp những giá trị hữu ích cho xã hội.

Câu chuyện số 4: Quạ và thiên nga

Một con Quạ, đen như than, ganh ghét với một con Thiên Nga, vì bộ lông của Thiên Nga luôn trắng đẹp như bông.

Xem thêm:  

Quạ ngu ngốc một hôm bỗng nảy ra một ý nghĩ rằng nếu nó cứ sống như Thiên Nga, tức là cứ bơi lội và vùng vẫy suốt ngày trong nước, và ăn cây cỏ rong rêu mọc dưới nước, ắt bộ lông nó sẽ trắng ra như bộ lông của Thiên Nga vậy. Thế là Quạ liền bỏ rừng bay về vùng sông hồ và đầm lầy để sống.

Nhưng dù cho nó ra sức tắm giặt suốt ngày này qua ngày khác, bộ lông vẫn cứ đen như ngày nào.

Và khi rong rêu trong nước ăn vào không phù hợp với dạ dày của nó, nó càng ngày càng gầy đét, và cuối cùng, ngã lăn ra chết.

Bài học: Đừng vì ảo tưởng những thứ mình không thể có mà có những hành động ngu ngốc, đến cuối cùng sẽ là bản thân mình.

Câu chuyện số 5: Món hời với người nghèo

Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?”

Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”.

Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.

Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”.

Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Cuối bữa, hóa đơn lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại.

Bài học: Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng. Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ.

Câu chuyện số 6: Miếng bánh mì cháy

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.

Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà”.

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy hay không. Cha tôi choàng tay qua vai tôi và nói:

“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.

Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.

Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

Bài học: Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách thấu hiểu điểm yếu, hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng sẽ giúp bạn có một cuộc sống hòa thuận xung quanh. Sự cảm thông là bí quyết để nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Câu chuyện này chính là bài học về sự cảm thông giữa người với người.

Xem thêm:   Những câu truyện cổ tích ngắn giúp bé ngủ ngon hơn

Câu chuyện số 7: Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”

“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”

Sư thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”

Không biết sư thầy đã nói với bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.

Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.

Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”

“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.

Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”

“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”

“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”

Bài học: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thần đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa, mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?

Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.

Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa, đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thần khác tự sẽ đủ!

Bước đi trên đôi chân của mình

Câu chuyện số 8: Người đàn ông vứt bỏ đôi giày

Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Johnny không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Johnny khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ có thể mang vừa nó thì sao!”.

Bài học: Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người.

Câu chuyện số 9: Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!

Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:

  • Con thấy chuyến đi thế nào?

  • Rất tuyệt bố ạ!

Người bố hỏi:

  • Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?

  • Vâng, con thấy rồi ạ!

  • Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?

Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”

Xem thêm:   Cách Đặt Biệt Danh Cho Người Yêu Đáng Yêu, Độc Đáo

Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.

Ý nghĩa: Chúng ta không giàu có chỉ vì có nhiều tiền. Tình yêu, trí tuệ, tình bạn, những giá trị thực sự mới làm cho bạn trở thành người thực sự giàu có.

Câu chuyện số 10: Giá trị của hòn đá

Có một học trò hỏi thầy mình rằng:

  • Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?

Người thầy lấy một hòn đá trao cho học trò và dặn:

  • Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.

Vâng lời thầy, học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Học trò mang hòn đá về và than thở:

  • Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có người hỏi mua với giá một đồng thầy ạ. Người thầy mỉm cười và nói:

  • Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.

Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:

  • Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:

  • Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.

Bài học: Thành công hay hạnh phúc là gì? Mỗi người sẽ có định nghĩa và “định giá” khác nhau và chúng ta hãy tôn trọng sự lựa chọn đó. Hãy làm cho đời mình trở nên giá trị theo cách của mình và tự quyết định cuộc sống của bạn.

Câu chuyện số 11: Cái kết cho sự khinh thường

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền giữa sông. Học giả tự cho mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ để không làm chán, hơn nữa còn giao kèo: nếu học giả thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng, ngược lại tiều phu thua chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:

“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.

Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

“Tôi cũng không biết!”, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:

“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.

Bài học: Chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo, càng tỏ vẻ khinh thường người khác thì càng chứng tỏ bạn là người ngu dốt. Chẳng ai dám vỗ ngực nhận mình biết nhiều thứ bởi lẽ còn vô vàn thứ mà chúng ta vẫn chưa được biết đến. Càng tỏ ra thông minh thì sẽ càng bị thông minh hại. Cũng như người tiều phu trong câu chuyện, mặc dù không học nhiều như học giả nhưng lại biết cách tính toán để vẫn kiếm được một chút. Còn về phía học giả đã bị chính sự khinh thường và chấp tiều phu mà mất đi một khoản tiền oan. Đừng khinh thường người khác vì cái kết nhận lại lúc nào cũng rất đau đớn.

Ngoài những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống ngắn ở trên, các bạn có thể đọc thêm những câu chuyện ý nghĩa về các chủ đề khác như tiền bạc, hạnh phúc, tình bạn…

Related Posts