Truyện ngắn là gì?
Truyện ngắn là một dạng hình thức viết tường thuật nhỏ gọn, nhưng bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống như đời tư, sự thật, sử thi… Tuy nhiên, điểm đặc biệt của truyện ngắn chính là sự ngắn gọn của nó. Truyện ngắn được viết để đọc một lượt, một hơi không ngừng.
Mỗi tác phẩm luôn tồn tại trong các hình thức thể loại nhất định. Lý thuyết văn học đã quy định “không có tác phẩm nào tồn tại ngoài hình thức quen thuộc của thể loại”. Truyện ngắn cũng là một thể loại tác phẩm phổ biến, nên nó có những đặc trưng riêng của mình.
Truyện ngắn tập trung vào cách kể kết hợp giữa sự thật trong cuộc sống và khả năng tưởng tượng. Khác với tiểu thuyết với dung lượng lớn, truyện ngắn “tập trung mô tả một mảnh đất của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh của xã hội” (Nguyễn Xuân Nam, Từ điển Văn học, tập 2, NXB KHXH, Hà Nội, 1984, tr.457).
Một truyện ngắn thành công có thể trở thành “tòa lâu đài” chứa đựng tinh thần thời đại nếu như tác giả thực sự có tài. Nhà văn chỉ cần “vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Trên thế giới, rất ít nhà văn đạt được điều đó: G. Maupassant, A. Daudet, A. Chekhov, E. Hemingway, J. London, Lỗ Tấn, Nam Cao… Sức mạnh tác phẩm của các bậc thầy nằm chủ yếu trong tính chất điển hình và chân thật của nhân vật và cuộc sống. Với những đặc điểm đó, người đọc sẽ liên tưởng đến giai đoạn lịch sử, một thời đại dân tộc. Lúc đó, truyện ngắn trở thành “tấm bia kỷ niệm vĩ đại”, “tòa đại lầu chứa đựng cả tinh thần thời đại” (Lỗ Tấn).
Nếu kịch “được xây dựng trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội hoặc những xung đột mang tính toàn nhân loại” (Từ điển Thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi, NXB GD, 1992, tr.114), thơ chủ yếu truyền đạt cuộc sống bằng thế giới cảm xúc, tâm tình và tình cảm của tác giả; tiểu thuyết là loại hình “chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn của nó”, thì truyện ngắn thường “hướng tới việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hoặc đời sống con người” (từ điển thuật ngữ văn học, sách đã dẫn), là sự hội tụ đa chiều trong khoảng khắc như “mặt xén ngang của cuộc sống”.
Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn
Về cốt truyện
Mỗi thể loại văn xuôi tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn có những đặc trưng chung và riêng biệt. Đặc trưng chung thể hiện ở cốt truyện. Cốt truyện là một hệ thống cụ thể của các sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm để thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Truyện ngắn là thể loại có cốt truyện nhưng thường biến đổi nhiều hơn tiểu thuyết. Truyện ngắn có nhân vật được thể hiện qua lời kể, trần thuật. Cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết đều chú trọng vào vai trò của người kể chuyện. Tuy nhiên, điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là truyện ngắn có hình thức kể chuyện nhỏ – tức là “truyện ngắn”. Nó chỉ đề cập đến một vài biến cố riêng trong cuộc sống con người. Số lượng nhân vật cũng không nhiều, vì hầu hết các truyện ngắn xây dựng rất ít các sự kiện, ít biến cố. Tình tiết trong truyện ngắn thường được lựa chọn kỹ càng, chỉ ghi lại những tình huống tiêu biểu nhất, đủ sức để người đọc hình dung cả quá trình sống của nhân vật. “Dung lượng hiện thực trong cuộc sống phản ánh có mức độ” (Lê Tư Chỉ, Để phân tích truyện ngắn, NXB Trẻ, 1996, tr.19).
Dựa vào cốt truyện, có thể chia thành hai loại truyện. Truyện không có cốt truyện (hoặc cốt truyện rất mờ nhạt): do ý nghĩa nghệ thuật của nhà văn chỉ nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh. Truyện chỉ có ý tưởng, không có sự kiện gay cấn, thời gian cụ thể, thậm chí không có đầu đuôi (truyện ngắn Thạch Lam). Truyện ngắn có cốt truyện rất chú ý xây dựng những tình tiết, sự kiện bộc lộ tính cách của nhân vật và thúc đẩy hướng phát triển, vận động của mạch truyện. Bản thân cốt truyện là hệ thống các sự kiện, được chia theo lớp lang từ đầu đến cuối truyện. Các sự kiện càng gay cấn, nổi bật càng tạo kịch tính và sức hấp dẫn cho truyện (CHÍ PHÈO – Nam Cao).
Về dung lượng
Truyện ngắn có dung lượng nhỏ, ngắn gọn nhưng lại có sức ám ảnh mạnh. Nó tập trung vào một hoặc một vài biến cố trong một không gian, thời gian nhất định, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và sự liên tưởng cho người đọc. Ví dụ: Truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc chỉ hai trang sách, được viết dưới hình thức một bức thư kể về sự kiện tác giả bị nhận nhầm là Khải Định. Cốt truyện không có gì đặc biệt, sự kiện đơn giản, dung lượng rất nhỏ nhưng truyện lại có sức công phá lớn, tác động mạnh mẽ vào ý thức, khêu gợi trí tưởng tượng của người đọc để đặt ra vấn đề chính trị-xã hội, vấn đề dân tộc, vấn đề đấu tranh…
Đề tài, nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc. Những truyện ngắn trường tồn mãi mãi khi nó âm ỉ bên trong những tiếng nói thầm kín của con người, những khát vọng của mọi thời đại.
Về kết cấu, tuy dung lượng nhỏ nhưng truyện ngắn có thể có những kết cấu linh hoạt. Kết cấu truyện ngắn không gồm không gian, thời gian nhiều tầng bậc, nhiều tuyến, mà được tổ chức theo kiểu tương phản, liên tưởng. Truyện ngắn có thể có các kiểu kết cấu sau đây:
- Kết cấu vòng tròn (đầu cuối tương ứng): Chí phèo (Nam Cao).
- Kết cấu theo trục thời gian: Truyện được kể theo thời gian, theo diễn biến của dòng sự kiện: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
- Kết cấu tâm lý: Truyện được kể men theo dòng tâm lý nhân vật (NV), làm sáng rõ nội tâm NV và tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện: Đời thừa (Nam Cao)
- Kết cấu đồng hiện: Nhà văn miêu tả sự kiện, quan sát tình huống ở các địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm. Kiểu kết cấu này đem lại khả năng mở rộng dung lượng cho tác phẩm: Bức tranh (Nguyễn Minh Châu)
- Kết cấu trùng phức (kết cấu truyện lồng trong truyện): Người kể chuyện đứng ra ngoài, đóng vai trò là đạo diễn để tổ chức diễn biến câu chuyện qua lời kể, qua đó hoàn thiện chân dung NV: Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu).
- Kết cấu mở: Truyện kết thúc nhưng cái kết còn để ngỏ, mở ra những khả năng liên tưởng rộng lớn: CHÍ PHÈO (Nam Cao), Vợ nhặt (Kim Lân).
Truyện ngắn đề cập đến mọi đề tài phong phú, đa dạng, chạm đến mọi ngóc ngách đời sống con người. Trên cùng một đề tài, mỗi nhà văn lại có cách khai thác khác nhau, đem lại sắc thái riêng cho tác phẩm của mình. Cùng viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Ngô Tất Tố đề cập đến sự bần cùng hóa, phá sản về vật chất của họ; còn ngòi bút Nam Cao lại xoáy vào sự tha hóa về nhân cách, phá sản về tinh thần ở những con người ấy.
Nhân vật trong truyện ngắn ít hơn tiểu thuyết và thường bắt buộc phải được xây dựng theo nguyên tắc điển hình hóa. Nhân vật phải được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, vừa mang tính chung phổ quát vừa mang tính riêng độc đáo. Trong truyện ngắn, nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người, phát ngôn trực tiếp hoặc gián tiếp cho tư tưởng nhà văn.
Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua sự đối thoại như văn bản kịch. Nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn là mạch chỉ xuyên suốt, quyết định cấu chốt của cốt truyện. Cốt truyện được xây dựng liền mạch với sự phát triển tâm trạng, nó “chủ yếu là nhận ra cái gì, vì vậy nó thường kết thúc theo lối chấm phá”.
Ngo