Chết Bởi Giả Tạo: Lời cảnh báo đáng sợ cho xã hội loài người!

Năm 2020 chuẩn bị khép lại. Có lẽ với nhiều người, đây quả thực là một năm thảm họa bởi chúng ta bị đe dọa bởi dịch bệnh, kéo theo sự ảnh hưởng về kinh tế và quan trọng là đời sống tinh thần rơi vào cảm giác lo lắng, sợ hãi. Song cũng chính nhờ sự xuất hiện của một loại dịch bệnh nguy hiểm, chúng ta mới có cơ hội suy ngẫm về những điều đang diễn ra xung quanh.

Chết bởi giả tạo là một cuốn sách dành cho những ai thích suy ngẫm và tỉnh táo hơn trong thời buổi hỗn loạn ngày nay. Cuốn sách khiến người đọc ý thức được có những thứ dịch bệnh còn nguy hiểm và âm thầm hơn khi chúng có khả năng phát tán rộng rãi nhưng không một ai mảy may đề phòng, bởi hậu quả của nó không thể được quan sát trong một thời gian ngắn. Đó là căn bệnh giả tạo.

Nếu chỉ coi giả tạo như một vài hành động đơn thuần, vô hại mà bất cứ ai cũng có thể vô tình thực hiện vì một mục đích đơn giản nào đó như hòa hợp với tập thể, được chú ý, quan tâm, được yêu mến, ngưỡng mộ thì sự giả tạo chẳng có gì đáng sợ. Người ta chỉ xếp nó vào một loại tính xấu cần thay đổi mà thôi.

Nhưng cái nguy hiểm của nó là chúng ta rất có thể bị “nghiện” cái lợi ích mà hành động giả tạo mang đến: nghiện được quan tâm, nghiện cảm giác là người thành công, giàu có, nghiện cảm giác kiếm được tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng chỉ bằng vài trò lừa gạt. Khi không thể dứt mình ra khỏi cảm giác nghiện ấy, chúng ta sẽ tiếp tục trượt dài trong thói giả tạo mà không biết điểm dừng, cho đến khi mọi thứ vỡ lở, bị phát hiện, bị quay lưng.

Xem thêm:   Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran

Thêm vào đó, sự giả tạo có thể lây lan, người này có thể bắt chước người kia nếu thấy sự giả tạo đem lại cái lợi trước mắt. Khi nó lan ra cả xã hội thì hậu quả do hành động cộng hưởng trở nên khủng khiếp và khó có cách nào khắc phục.

Trong cuốn sách này, tác giả đã liệt kê ra 5 nguy cơ lớn từ thói đạo đức giả, đó là:

  1. Mất kinh tế do bong bóng giá trị bị thổi lên. Thứ ta thực sự được tận hưởng thì suy giảm trong khi vẫn ảo tưởng rằng đời sống vật chất đang tốt đẹp hơn.
  2. Mất định hướng, từ đó con người đi lùi và đi lạc, không còn ý chí phấn đấu, chỉ muốn tận hưởng mà không muốn bỏ sức lao động.
  3. Mất đạo đức, con người trở nên nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần, cùng lúc là sự gia tăng của hàng loạt những tệ nạn như giết người, trộm cắp, sử dụng chất kích thích…
  4. Mất đi con người và thất bại trong việc giáo dục thế hệ tương lai. Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo. Nếu như cha mẹ chìm đắm trong cái bẫy giả tạo, chạy theo tiền bạc, quyền lực thì trẻ em sinh ra cũng khuyết thiếu tình yêu thương, đồng thời học theo những hành động của cha mẹ.
  5. Mất đi xã hội, dẫn tới sự bất công hàng loạt do con người – yếu tố quan trọng nhất đã trở nên rệu rã, hủy hoại.
Xem thêm:   Khám Phá Những Bộ Truyện Làm Nên Tên Tuổi Phỉ Ngã Tư Tồn Hay Nhất

Nhiều người đọc cuốn sách này cảm thấy được “cảnh tỉnh”, tự suy ngẫm về bản thân và dần tìm cách thay đổi. Nhưng cũng có những người vì đã đi quá xa, quá quen với một kiểu hành động nào đó mà dẫu nhận ra bản thân đang đi sai đường cũng không biết làm thế nào để quay đầu lại.

Hy vọng rằng, những ai đã và đang đọc cuốn sách Chết bởi giả tạo này, có thể dừng lại trong giây lát, thử lắng nghe tiếng nói sâu bên trong của bản thân, xem mình có thực sự hạnh phúc với cách sống ấy không. Chỉ khi ấy, bạn mới bắt đầu có một chút động lực để làm nên sự thay đổi tích cực.

Related Posts