Cạm Bẫy

  • Tác giả: David Baldacci. Dịch giả: D-Institute
  • Thể loại: Trinh thám hiện đại Âu Mỹ

Truyện của tác giả David Baldacci luôn là những cuốn mà mình để dành đọc khi rơi vào reading slump (thời kỳ chán đọc), cũng giống như những món ăn ngon mà mình để dành măm măm khi tâm trạng xấu. Sau một thời gian (may mà) không dài lắm bị reading slump, mình quyết định đọc cuốn “Cạm bẫy” của bác Baldacci. Cuốn sách này quả thật đã giúp mình vui, khiến mình có đủ động lực để lao vào những cuốn trinh thám khác.

“Cạm bẫy” là cuốn thứ ba trong loạt truyện về điều tra viên Amos Decker. Khi Amos đang trên đường đến dự cuộc họp tại Tòa nhà Hoover – Tổng hành dinh của Cục Điều tra Liên bang FBI – anh tình cờ trở thành nhân chứng trực tiếp của một vụ bắn chết người rồi tự sát. Một người đàn ông hơn 60 tuổi tên Walter Dabney đã bắn chết một phụ nữ trung niên tên Anne Berkshire, sau đó hung thủ quay súng tự tử. Nhóm của Amos Decker được phân công điều tra vụ án này. Khi tìm kiếm thông tin xoay quanh nạn nhân Anne Berkshire, họ phát hiện bà ta sở hữu tài sản triệu đô nhưng lại ở ngôi nhà rách nát và lái con xe cà tàng. Còn Walter Dabney thì có một gia đình lớn giàu có nhưng vẫn ẩn giấu nhiều điều khuất tất. Cuộc điều tra chưa tiến triển được bao lâu thì Harper Brown – một nhân viên DIA – xuất hiện và lệnh cho phía FBI dừng theo đuổi vụ án, vì tất cả mọi chuyện liên quan đến bốn chữ nghiêm trọng “an ninh quốc gia”.

Xem thêm:   Vô Cùng Tàn Nhẫn, Vô Cùng Yêu Thương

So với cuốn 1 “Ký ức vĩnh cửu” và cuốn 2 “Chặng đường tử thần”, mình thấy cuốn 3 “Cạm bẫy” có vẻ kém hấp dẫn hơn. Tuy ở đoạn đầu review, mình có nói rằng quyển sách này đã khiến mình hài lòng, nhưng thú thật trong lúc đọc thì mình cũng phải ráng lê lết, và đến tận 10% cuối cùng thì mình mới thấy thời gian bỏ ra là xứng đáng. Ít ra thì bác Baldacci đã không viết nên một câu chuyện đơn điệu từ đầu đến cuối, mà khéo léo cài cắm bất ngờ tít phía sau. Rải rác trong truyện cũng có những pha kịch tính, khiến độc giả hồi hộp chút ít, giống như thêm gia vị cho một món ăn hơi nhạt.

Sau thời gian không ngắn theo đuổi dòng truyện trinh thám, mình nhận thấy dù là tác giả mình rất ưa thích (như Lee Child, Clive Cussler hoặc David Baldacci…) thì cũng có những quyển truyện có nội dung hơi “đuối”. Đồng ý rằng đưa các vị nguyên thủ quốc gia như Tổng thống vào truyện, thậm chí biến Tổng thống thành tội phạm… thì thú vị và đem đến phong vị táo bạo khác hẳn với trinh thám phương Đông, nhưng đọc thấy hoài thì cũng trở nên quen thuộc và đôi lúc sẽ nhàm chán. Đối với bối cảnh nước Mỹ, cứ đụng đến “an ninh quốc gia” thì độc giả sẽ đoán ra ngay mối đe dọa đến từ Nga hoặc Trung Đông, còn đối với bối cảnh Vatican (trong truyện Daniel Silva) thì lẽ tất nhiên phe phản diện sẽ là Hồi giáo. Kể ra thì mình là mọt sách khó tính nhỉ, đã cố tình tìm truyện của tác giả yêu thích để vượt qua reading slump, vậy mà đọc thấy quen thuộc dễ đoán thì lại ý kiến ý cò này nọ 

Xem thêm:   Vùng an toàn khiến bạn trở thành một kẻ an phận, HÃY VƯỢT LÊN!

Tuy rất thích truyện của bác Baldacci và từng tâm niệm rằng nếu sách của ông được xuất bản tiếng Việt thì mình nhất định mua, nhưng khi cuốn 1 và 2 được phát hành với quá nhiều lỗi dịch thuật + biên tập, mình rất bất mãn nên không (thèm) mua nữa. Tuy nhiên, vì quá thích nên vẫn chịu đấm ăn xôi, mình đánh liều đọc cuốn 3 “Cạm bẫy” và vui mừng nhận thấy rằng cuốn này được dịch tốt, biên tập kỹ. Cả quyển sách 555 trang mà mình chỉ soi được 2 lỗi. Nếu cuốn 4 và 5 của series này cũng được dịch kỹ biên kỹ như rứa, cộng thêm cuốn “Quyền lực tuyệt đối” bản dịch mới cũng được cải thiện, thì mình sẽ cố gắng đu tiếp những cuốn Baldacci bìa cứng này. Tuy gọi là series nhưng mỗi cuốn là một câu chuyện riêng lẻ, không cần mua tập 1&2 thì vẫn có thể mua tập 3-4-5, nhưng vẫn nên đọc theo thứ tự để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa các nhân vật, và bối cảnh quá khứ đã hun đúc, hình thành nên con người họ.

Trở lại với cuốn “Cạm bẫy”, ngoài yếu tố bất ngờ ở 10% cuối truyện, bác Baldacci yêu quý còn lừa mình một cú ngon ơ. Mình phải vừa chảy nước mắt vừa cười khi phát hiện đã bị lừa. Chỉ riêng khoảnh khắc đó thôi cũng đáng công mình bỏ ra để lê lết từ đầu đến cuối. Mà thật ra dùng từ “lê lết” thì rẻ rúng truyện của bác Baldacci quá, phải nói là “nhẩn nha nhấm nháp” mới đúng. À, nói thêm là bìa sách “Cạm bẫy” khá dễ thương và sát với nội dung truyện.

Related Posts