Cái Bóng

Tiểu thuyết “Cái bóng” của Edmonde Permingeat mang giá trị hiện thực sâu sắc. Bằng bút pháp châm biếm, giễu nhại, nữ nhà văn đã lên án những mặt trái của xã hội đương đại, nhưng cũng đồng thời nhắn gửi thông điệp hết sức nhân văn: Mỗi cá nhân là một bản thể độc đáo, hãy luôn trân trọng và yêu thương chính mình!

Tiểu thuyết “Cái bóng” phản ánh những vấn đề mang tính thời sự như: đồng tính, ngoại tình, bạo lực gia đình, tham nhũng, lạm dụng trẻ em… Với ngòi bút phóng khoáng, tinh tế, nghệ thuật miêu tả tâm lý tài tình cùng giọng văn châm biếm, Edmonde Permingeat đã vẽ nên một bức tranh đa diện, có chiều sâu về hành trình đi tìm và khẳng định bản ngã của mỗi con người.

BẢN NGÃ BỊ TƯỚC ĐOẠT

Mở đầu cuốn sách, nữ nhà văn Edmonde Permingeat đã trích dẫn câu nói trong tác phẩm “Máu của một nhà thơ” (Le sang d’un poète) của Jean Cocteau: “Những chiếc gương nên suy xét nhiều hơn một chút trước khi phản chiếu hình ảnh”. Câu nói này hàm chứa ý nghĩa sâu xa và có lẽ chính nó đã gợi cảm hứng để bà viết “Cái bóng” – tiểu thuyết về bi kịch của hai chị em sinh đôi khi đánh mất bản ngã.

Cô gái nhỏ Alice đã vô cùng hốt hoảng và ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đối diện với hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Cô nghĩ đó là Célia – chị gái song sinh của mình, nhưng Célia bảo: “Không, là em đó”. Alice hoảng sợ khi nhận thức được rằng bản ngã của mình bị tước đoạt bởi một bản sao giống mình y hệt, cô bé ấp úng thốt lên: “Nếu Célia chính là em, thế thì em… em đâu rồi?” Theo thời gian, trực giác của Alice nhận thấy một nhu cầu sống còn, một nhiệm vụ khẩn cấp, gần như là định mệnh: phá bỏ nhà tù ngột ngạt mà cô phải chịu đựng và hủy diệt người kia – “chiếc gương sống” của chính mình để tồn tại…

Xem thêm:   Bài thơ Chân quê - Nguyễn Bính - Nội dung, tác giả, tác phẩm

Khi còn bé, Alice và Célia luôn để tóc giống nhau, mặc quần áo giống nhau. Họ lúc nào cũng như hình với bóng, tương đồng ở mọi điểm và có thể hoán đổi cho nhau bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Célia luôn được mọi người yêu quý bởi tính tình ngoan hiền, hiểu chuyện. Cô dần sống theo sự áp đặt của người mẹ với quan niệm rằng phụ nữ chỉ cần lấy chồng, sinh con và có một cuộc sống an nhàn là đủ. Trong khi đó, Alice thông minh, tài giỏi lại có phần nổi loạn, không được ai công nhận. Cô chọn cuộc sống độc thân đầy phóng khoáng và trở thành giáo viên. Dù đam mê Triết học nhưng càng ngày cô càng cảm thấy chán ngán công việc của mình.

Bởi có cuộc sống trái ngược nhau, nên cả hai chị em đều nhìn cuộc sống của người kia bằng con mắt thèm thuồng và ước ao trở thành đối phương, để thoát ra khỏi những xiềng xích vô hình đang kìm kẹp và ngăn cách họ. Họ luôn cho rằng đối phương có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn mình, rằng họ mới là người xứng đáng có được những điều tốt đẹp đó. Chính người kia đã cướp đi bản ngã thuộc về họ. Họ muốn thay đổi thực tại, hay nói đúng hơn, họ muốn sống đúng với bản chất, muốn giành lại vị thế và bản ngã của mình.

MỐI LIÊN KẾT LẠ KỲ

Có thể nói, các cặp song sinh thường có mối liên kết hết sức lạ kỳ. Alice yêu thương nhưng đồng thời cũng căm ghét chị gái: “Một mối liên kết yêu thương kỳ lạ được dệt nên từ sự đố kỵ, coi thường và oán giận. Thù hận hòa quyện với tình yêu; tình yêu hòa quyện với thù hận”. Điều đó đã nuôi dưỡng hạt mầm ngờ vực, ghét bỏ, khiến Alice trở nên lạc lối, thậm chí chối bỏ chính bản thân mình.

Sau cái chết bất ngờ, không ai hay biết của Célia, Alice quyết định thế thân người chị song sinh và sống cuộc đời mà cô hằng ao ước: một người vợ mẫu mực, chu đáo, có cuộc sống như mơ với người chồng giàu có và hai cô con gái đáng yêu trong một biệt thự sang trọng bên bờ biển. Tuy nhiên, “thế giới thần tiên” mà Alice luôn hình dung về cuộc sống của Célia thì ra chỉ là ánh hào quang dối trá. Những bức màn bí mật dần được vén lên, những chuyện động trời dần được hé lộ, những sự thật đáng sợ dần được phơi bày, những mặt nạ giả tạo bị lột trần, những án mạng liên tiếp xảy ra… Bản thân Alice cũng không thể ngờ chỉ vì vai diễn này mà cô bị cuốn vào vòng xoáy tội ác, nhưng cuối cùng lại nhận ra những điều mình làm thật ngu ngốc và hoàn toàn vô nghĩa. Và rồi, cô vô cùng hối hận: “Cô đưa tay về phía hình ảnh phản chiếu, và nó cũng vươn tay về phía cô. Từng thớ thịt trên cơ thể cô mong muốn được bước sang bên kia của tấm gương để gặp lại người kia, hòa lẫn vào nhau, kết hợp thành một, nhưng cô vấp phải một vách ngăn vô hình, không thể vượt qua: bức tường ngáng trở vĩnh viễn mang tên cái chết”.

Xem thêm:   Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá tác giả Huy Cận – HOCMAI

Đến cuối cùng, Alice mới hiểu được chị gái và hiểu được chính mình, mới nhận ra cô thực sự yêu thương chị gái rất nhiều. Đằng sau vẻ ngoài hiền lành, cam chịu, luôn giữ mình trong khuôn phép của Célia hóa ra cũng là một cái tôi điên cuồng đấu tranh vì bản ngã, để được sống cuộc đời mình mong muốn, không theo định kiến hay sự sắp đặt của người đời. Cả hai chị em đều khao khát được thoát ra khỏi vỏ bọc giả tạo, để được là con người thật của mình, sống cho chính mình. Vì những tham vọng và sự ghen tỵ mù quáng, cũng có thể do không đủ thấu cảm, Alice đã tự đánh mất người chị mà mình thương yêu nhất. Cô đau khổ, tuyệt vọng, ân hận và dằn vặt khôn nguôi. Nhưng tất cả đều đã quá muộn. Và đương nhiên, cô phải trả giá cho hành động bồng bột và ngu ngốc của bản thân.

ĐI TÌM VÀ KHẲNG ĐỊNH BẢN NGÃ

Tiểu thuyết “Cái bóng” mang giá trị hiện thực sâu sắc. Bằng giọng điệu châm biếm, giễu nhại, Edmonde Permingeat đã lên án những mặt trái của xã hội hiện đại; vạch trần sự xấu xa, giả dối và thối nát của giới thượng lưu Pháp; gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo đức và nhân tính con người. Nhưng suy cho cùng thì những tội ác đều sẽ phải trả giá, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Đồng thời, Edmonde Permingeat cũng nhắn nhủ thông điệp rằng đừng so sánh bản thân với bất cứ ai, hãy yêu thương và chấp nhận con người thật của mình, hãy hài lòng với những gì mình có. Và tình yêu chính là liều thuốc xóa bỏ mọi hận thù.

Xem thêm:   Các Phương Pháp Lập Luận Trong Văn Nghị Luận

Với lối kể chuyện hấp dẫn, tiểu thuyết “Cái bóng” thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên. Men theo dòng chảy của cốt truyện, càng đi sâu vào đó, người đọc càng bị cuốn vào “thế giới gương” mà tác giả tạo ra. Câu chuyện về hai chị em song sinh Célia và Alice đã hoàn toàn chấm dứt sau sự trả giá của cô em gái. Song, với kết thúc mở, với sự xuất hiện của một cặp chị em song sinh khác, với những chi tiết được cài cắm một cách công phu, tác giả đã trao cho người đọc chiếc chìa khóa để tự mở ra câu chuyện mới theo tưởng tượng của mình. Điều đó như một lời khẳng định, rằng câu chuyện về “cái bóng”, về hành trình đi tìm bản ngã và khẳng định giá trị bản thân của các nhân vật sẽ vẫn còn tiếp diễn, ngay cả khi người đọc đã khép lại những trang sách.

HÀ THY LINH

Related Posts