Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi – Fredrik Backman

“Bởi vì ở tuổi lên bảy, mọi đứa trẻ đều cần có một siêu anh hùng.”

Thật vậy! Bất kì ai trong chúng ta đều đã từng là một đứa trẻ bảy tuổi, từng có những khát khao và ước mơ, từng có những người hùng cho riêng mình. Và đối với Elsa, siêu anh hùng ấy chính là bà ngoại của cô.

Có gì cổ xưa và quen thuộc hơn một câu chuyện về bà ngoại ?

Cổ xưa, quen thuộc nhưng lại vô cùng ngọt ngào, ấm áp – đó là những tính từ mà ta có thể dùng để nói về người bà thân yêu của ta. Người không bao giờ nói “tạm biệt”, chỉ nói “hẹn gặp sau nhé cháu yêu”. Cũng như người bà của cô bé Elsa.

Elsa bảy tuổi, nhưng lại không bao giờ tỏ ra là một đứa trẻ lên bảy. Người ta bảo cô bé “già trước tuổi” . Già trước tuổi sao? Thật khó chịu biết dường nào. Elsa lớn lên trong một gia đình tan vỡ. Vốn dĩ việc lớn lên cô độc ở trong một gia đình tan vỡ phần nào đã khiến Elsa trở nên già dặn hơn bao đứa trẻ khác rồi.

Bởi thế cô bé chẳng có lấy một người bạn nào ở trường vì cô chẳng bao giờ tỏ ra ngớ ngẩn như những đứa trẻ lên bảy thường tỏ ra. Nhưng thế thì đã sao chứ, vì đã có bà ngoại rồi.

Bà ngoại khác tất cả mọi người. Chỉ có bà ngoại mới thật sự quan tâm tới Elsa. Mẹ thì sao? Mẹ phải lo cho gia đình mới của mẹ rồi, mẹ phải lo cho em Một nửa trong bụng mẹ. Thế còn bố? Bố cũng phải lo lắng cho dì Lisette và các con của dì. Chính vì vậy, chỉ còn mỗi bà ngoại bên cạnh Elsa. Bà “vừa là thanh kiếm, vừa là lá chắn” của Elsa. Bà ngoại làm vô số những việc ngớ ngẩn chỉ để làm Elsa vui khi cô bị các bạn bắt nạt ở trường, bà ngoại ném quả địa cầu vào thầy hiệu trưởng vì thầy bắt Elsa phải “thay đổi thái độ để hòa nhập”, bà ngoại tưởng tượng ra các câu chuyện cổ tích để kể cho Elsa. Bà không bao giờ bảo Elsa mặc kệ để cho “người ta chán trêu chọc cháu”, hoặc bảo cô chỉ nên quay lưng bỏ đi. Bà giỏi hơn thế. Elsa đã thấy rằng, bà ngoại đích thị là một người bạn tốt, một người mà cô có thể chia sẻ, tâm sự và hiểu cô nhất.

Xem thêm:   Thú Tội

Nhưng “người ta có thể yêu quý bà ngoại của mình suốt nhiều năm trời mà chẳng biết gì về bà hết”

“Xin lỗi cháu bà phãi chết. Xin lỗi vì bà sẻ chết. Xin lỗi vì bà phãi già đi.

Xin lỗi vì bỏ lại cháu và xin lỗi vì căn bệnh ung thư chết tiệt này. Xin lỗi vì đôi khi bà tỏ ra rác rưởi nhiều hơn là không rác rưởi.”

Người bà tuyệt vời ấy của Elsa, cuối cùng đã phải xin lỗi đứa cháu gái yêu quý của mình…Bà đã giấu nhẹm căn bệnh ung thư quái ác của mình để không làm tổn thương Elsa. Những lời trong lá thư bà gửi cho Elsa, những lời mà tưởng chừng như ta phải bật cười vì hằng hà sa số lỗi chính tả, ấy thế mà giờ đây lại dâng lên trong ta những cảm xúc nghẹn ngào, những lời xin lỗi của một bà già lẩm cẩm ấy cứ như một lưỡi dao cứa vào tim ta. Sinh, lão, bệnh, tử – đó là quy luật của tự nhiên mà bất cứ ai cũng phải trải qua, thế thì có gì mà bà phải xin lỗi ? Thật ra điều bà muốn xin lỗi ở đây chính là vì bà đã bỏ lại đứa cháu gái bà luôn yêu thương, che chở. Elsa chỉ có mỗi chỗ dựa là bà thôi, nhưng bà lại rời đi, để Elsa tiếp tục một mình trơ trọi chống lại thế giới. Đối với bất kì người bà nào, thì đó cũng là điều khiến họ cảm thấy chán nản ở bản thân nhiều nhất. Nhưng dẫu sao, khi còn sống, bà đã cố gắng hết sức mình để có thể chăm sóc cho Elsa, và bà cũng đã cố gắng thu xếp hết mọi thứ, đưa Elsa vào một cuộc phiêu lưu, và mục đích cuối cùng chính là để Elsa không phải cô đơn trên Trái Đất này.

Xem thêm:   Đại Bàng Đổi Vàng Lấy Khế

Nhà văn Fredrik Backman đã mang đến cho ta bài học về gia đình và cuộc sống nhẹ nhàng nhưng lại đầy tính nhân văn, tạo nên một nét đẹp trong sáng, dịu dàng cho tác phẩm.

Sau tất cả, những lỗi lầm của bà cũng trở nên đáng yêu và hoàn toàn có thể tha thứ.

Bởi vì sau tất cả, mọi người nên tha thứ cho nhau.

Bởi vì “chẳng có ai là rác rưởi hoàn toàn, và cũng không ai là hoàn toàn không rác rưởi cả”.

Vì cuộc sống tưởng chừng phức tạp nhưng lại vô cùng đơn giản.

Vậy nên ai cũng xứng đáng được ăn những chiếc bánh giấc mơ.

Related Posts